Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc không ngừng leo thang, giới quan sát cho rằng những động thái vừa qua tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia không chỉ gây mối lo ngại đối với các nước ven Biển Đông mà còn khiến các nước trong và ngoài khu vực hết sức quan tâm bởi điều này có thể khiến cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông và khu vực các thêm quyết liệt. Chúng ta cùng phân tích về những diễn biến liên quan.
Ngày 18/4/2024, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ công bố kết quả phân tích cho thấy, 2 tàu Hải quân Trung Quốc hiện đã ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn 4 tháng. Đây là 2 tàu đầu tiên và duy nhất cập cảng tại một bến tàu mới được xây dựng tại căn cứ này bằng nguồn tài trợ của Trung Quốc. Quyền tiếp cận độc quyền của tàu Trung Quốc ở bến tàu mới này xuất hiện sau nhiều năm Mỹ và các nước khác bày tỏ lo ngại về cái được cho là một thỏa thuận bí mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực của Trung Quốc tại Ream, qua đó đặt ra câu hỏi liệu sự hiện diện đó hiện đã thành hiện thực?
2 tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên được nhìn thấy tại Ream vào ngày 3/12/2023 trong một bài đăng trên Facebook của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, trong đó nói rằng các tàu này tới Ream để tham gia huấn luyện với Hải quân Campuchia. Vào tháng 1/2024, Đài Á châu Tự do (RFA) cho biết những tàu này đã rời khỏi căn cứ Ream. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh thương mại được AMTI phân tích cho thấy, trên thực tế, các tàu của Hải quân Trung Quốc chưa bao giờ rời Ream và hiện đã duy trì sự hiện diện thường trực trong hơn 4 tháng. Các tàu của Hải quân Trung Quốc có thể được nhìn thấy cập cảng tại bến tàu mới của Ream trong 93% khoảng thời gian trên (85/91 ngày) với hình ảnh rõ ràng kể từ khi các tàu này lần đầu cập cảng ở đó vào ngày 3/12/2023. Bến tàu này chỉ trống trong 2 khoảng thời gian ngắn từ ngày 15 -18/1 và 29 – 30/3.
Bến tàu mới này tại Ream được xây dựng Trung Quốc hỗ trợ xây dựng để cho phép các tàu chiến lớn hơn có thể cập bến. Khi bến tàu này được hoàn thành vào năm ngoái, cựu Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố rằng các cơ sở nâng cấp của căn cứ sẽ mở cửa cho tất cả lực lượng hải quân đến thăm. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy không có tàu nào khác, kể cả tàu của Campuchia, cập bến tàu mới; 2 tàu khu trục của Nhật Bản ghé thăm Campuchia vào tháng 2/2024 đã được chuyển đến Cảng tự trị Sihanoukville thay vì Ream. Các tàu thuyền của Campuchia tại Ream tiếp tục tập trung tại bến tàu cũ nhỏ hơn ở phía Nam của căn cứ Ream.
Để biện hộ cho phát biểu của Hun Sen, ông Chhan Paul – nhà phân tích người Campuchia – đã viết trên tờ “Khmer Times” rằng bất kỳ cáo buộc nào cho rằng Ream là căn cứ quân sự của Trung Quốc đều là “âm mưu cố ý bôi nhọ Campuchia. Campuchia chưa bao giờ tuyên bố sẽ không cho phép tàu chiến từ Trung Quốc cập cảng căn cứ hải quân Ream. Campuchia công khai chào đón các tàu chiến từ các quốc gia thân thiện khác cập bến căn cứ. Vì vậy, việc chỉ nhìn thấy tàu chiến Trung Quốc không thể được hiểu là có ý nghĩa gì khác thường”. Nếu vậy, thử hỏi tại sao 2 tàu khu trục của Nhật Bản không được vào bến cảnh ở Ream hồi tháng 2 vừa rồi?
Theo những phân tích gần đây nhất của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), với sự trợ giúp của Trung Quốc căn cứ hải quân Ream trên bờ Vịnh Thái Lan đã được hiện đại hóa nhanh chóng, một bến tàu mới đã được nạo vét và mở rộng lên tới 335m để các tàu chiến cỡ lớn có thể cập bến, giờ đây căn cứ Ream thậm chí có thể tiếp nhận cả tàu sân bay. Trong hơn một năm qua, việc xây dựng phần còn lại của căn cứ hải quân Ream đã có những bước nhảy vọt với một số hoạt động nâng cấp quan trọng hiện sắp hoàn thành. Ở phía Tây Nam, một cầu tàu và ụ tàu mới đang được hình thành nhằm mở rộng hơn nữa năng lực cho tàu cập bến, cũng như cho phép thực hiện các hoạt động bảo trì và sửa chữa trên các tàu lớn hơn. Khoảng đất trống rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc của căn cứ Ream hiện đã được lấp đầy bởi các kho chứa, khu phức hợp hành chính và những nơi có vẻ như là khu sinh hoạt hoàn chỉnh với 4 sân bóng rổ. Dọc theo bờ biển phía Tây Bắc, khu vực trước đây có các cơ sở do Mỹ và Australia tài trợ đã bị dỡ bỏ vào năm 2020, đã có những thay đổi về quy hoạch: hơn một chục tòa nhà được xây dựng từ năm 2020 – 2022 đã bị phá hủy và khu vực này được lát bê tông. Trong khi đó, 1 hàng rào và 2 tháp canh gác đã được hoàn thành dọc theo ranh giới phía Đông Bắc của căn cứ Ream.
Cũng cần nói thêm rằng, khi 2 tàu Trung Quốc đến Ream vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha cho biết điều này là “để huấn luyện thủy thủ đoàn của Hải quân Campuchia”. Trong những ngày tiếp theo, quả thực có một khóa huấn luyện cho sĩ quan hải quân Campuchia tại Ream với sự tham gia của các sĩ quan Trung Quốc”. Tuy nhiên, không có thêm thông tin về bất kỳ hoạt động nào của tàu Trung Quốc tại căn cứ Ream trên các phương tiện truyền thông Campuchia hoặc Trung Quốc. Một nhà phân tích giấu tên người Campuchia bày tỏ: “Chúng tôi không biết người Trung Quốc đang làm gì (tại Ream) vì Trung Quốc tự xây dựng và vận hành căn cứ”. Một số chuyên gia cho rằng việc lấy danh nghĩa đào tạo, huấn luyện có thể cung cấp vỏ bọc cho sự hiện diện liên tục của các tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ này và mọi căn cứ quân sự đặt trên lãnh thổ nước ngoài đều dẫn đến vi phạm sự ổn định của khu vực đó.
Kể từ khi xuất hiện tin đồn về thỏa thuận ngầm giữa Bắc Kinh và Phnom Penh lần đầu tiên vào năm 2019, quy mô xây dựng do Trung Quốc tài trợ tại căn cứ này đã trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ đến hiện tại, với sự hiện diện lâu dài của 2 tàu hộ tống của Hải quân Trung Quốc, dấu hiệu rõ ràng về quyền tiếp cận đặc quyền dành cho Quân đội Trung Quốc mới xuất hiện. Nhưng liệu hơn 4 tháng liên tục hiện diện của 2 tàu này có thực sự đồng nghĩa với việc Ream là căn cứ hải quân của Trung Quốc?
Theo quan điểm của các chuyên gia phân tích thuộc CSIS, những động thái kể trên đồng nghĩa với việc các nhà quân sự Trung Quốc đang sử dụng hải cảng Campuchia làm căn cứ cho tàu chiến của họ, và chính quyền hai nước hẳn đã ký kết một thỏa thuận mật về vấn đề này. Một số tác giả Mỹ đã gọi Ream là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Gregory Poling – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và AMTI thuộc CSIS – nhận định: “Nếu bạn đến để thăm hoặc tập trận, bạn sẽ không ở lại trong vòng 5 tháng. Điều đó có nghĩa đây là hoạt động triển khai luân phiên hoặc triển khai lâu dài. Điều đó có nghĩa là có lẽ có nhân sự Trung Quốc đã sống ở căn cứ này trong 5 tháng qua, và điều đó đặc biệt đáng chú ý vì Campuchia tiếp tục khẳng định rằng đây không phải là căn cứ của Trung Quốc và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng cơ sở này. Theo những gì chúng tôi nắm được, chỉ có 1 nước đang sử dụng căn cứ”.
Trong thời đại công nghệ 4.0, Bắc Kinh và Phnom Penh cũng không thể che đậy được những gì diễn ra ở căn cứ Ream, các hình ảnh vệ tinh được giới chuyên gia cập nhận thường xuyên sẽ làm rõ sự thật ở Ream. Cuối cùng, mức độ tiếp cận Ream của Trung Quốc sẽ được xác nhận trong thời gian tới và sẽ được nhìn thấy trong hình ảnh vệ tinh. Vào một thời điểm nào đó, 2 tàu hộ tống của Hải quân Trung Quốc hiện diện thường trực tại Ream kể từ tháng 12/2023 sẽ rời đi. Việc chúng có được thay thế bằng các tàu Trung Quốc khác hay không, những tàu đó hiện diện trong bao lâu và liệu hải quân các nước khác có được trao cơ hội tương tự hay không sẽ nói lên nhiều điều về bản chất thực sự của mối quan hệ giữa Hải quân Trung Quốc và Ream.
Bất luận thế nào thì những gì đang diễn ra tại căn cứ hải quân Ream, nhất là việc 2 tàu của Hải quân Trung Quốc hiện diện tại đây trong suốt 4 tháng và những và những động thái tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự giữa chính phủ mới ở Phnom Penh do Hun Manet – con trai của Hun Sen làm Thủ tướng với Bắc Kinh đang khiến các nước trong khu vực lo ngại. Một số nhà phân tích còn cảnh báo, trong bối cảnh Mỹ cùng với 2 đồng minh Philippines và Nhật Bản thiết lập cơ chế hợp tác an ninh 3 bên không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thắt chặt quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn nữa với Campuchia, bao gồm việc phát triển căn cứ hải quân Ream nhằm tạo đối trọng với tam giám Mỹ-Nhật Bản-Philippines ở phía Bắc Biển Đông.
10 ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có chuyến thăm Campuchia 3 ngày (từ 21 – 23/4), hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định Trung Quốc và Campuchia là “những người bạn thép luôn sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn” và “thúc đẩy tình đoàn kết, đồng thời thắt chặt tuyến an ninh để xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Campuchia”. Giới quan sát nhận định trong bối cảnh tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã neo đậu ở căn cứ Ream đã gần 5 tháng, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tiếp tục cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ an ninh, quốc phòng với Campuchia, bao gồm việc tập trận và huấn luyện chung. Điều này càng khiến mối nghi ngại về việc Trung Quốc sẽ thiết lập sự hiện diện tại căn cứ hải quân Ream đang ngày càng hiện rõ.
Paul Chambers, nhà khoa học chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu cộng đồng ASEAN thuộc Đại học Naresuan (Thái Lan), nhận định: “Điều có vẻ đã rõ ràng là Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai các tàu chiến một cách bán cố định ở đó như một biện pháp củng cố sự hiện diện quân sự của mình trên khắp Đông Nam Á. Việc Trung Quốc có một chỗ đứng ở Campuchia sẽ hỗ trợ cho các nền tảng quân sự khác của Trung Quốc gần đó ở Biển Đông, Myanmar, Lào và Nam Á”.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cho biết “Mỹ và các nước trong khu vực luôn bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, bản chất và phạm vi xây dựng tại căn cứ hải quân Ream, cũng như vai trò của Quân đội Trung Quốc trong quá trình này và việc sử dụng cơ sở này trong tương lai. Người dân Campuchia, các nước láng giềng, ASEAN và khu vực nói chung sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch trong các hoạt động của Trung Quốc tại Ream”.
Giới chuyên gia cho rằng mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Campuchia và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại ở Mỹ và Australia, cũng như một số nước láng giềng ở Đông Nam Á – các nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Do vậy, tranh chấp trên vùng biển giàu tài nguyên cũng như mối quan hệ chặt chẽ của Phnom Penh với Bắc Kinh có thể là nguồn gốc của các mâu thuẫn trong mối quan hệ của Campuchia với các thành viên ASEAN khác.
Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói: “Mỹ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân Ream, cũng như vai trò của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai. Tôi nghĩ chúng ta đã thấy trong một số trường hợp, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện một số bước đi ở Biển Đông, vừa đi ngược lại luật pháp quốc tế, vừa sử dụng biện pháp ép buộc để đe dọa các đối tác theo những cách mà chúng tôi nhận thấy không thể chấp nhận được và gây bất ổn”. Tóm lại, sự gần gũi về quân sự giữa Bắc Kinh và Phnom Penh, trong đó có việc hiện diện thường xuyên của các tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream khiến đa số các nước thành viên ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông cũng như một số nước ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc… quan ngại. Một số cho rằng việc hiện đại hóa quân sự Trung Quốc đe dọa đến an ninh khu vực.