Các doanh nghiệp châu Âu, từ Hugo Boss, Burberry đến Daimler AG, đang hứng chịu tác động do nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc chững lại.
Doanh số giảm tới 30%
Hugo Boss AG, Burberry Group Plc và Daimler Truck Holding AG nằm trong số những doanh nghiệp châu Âu có lợi nhuận ròng bị ảnh hưởng do khách hàng Trung Quốc trở nên thận trọng hơn.
Vào cuối ngày 23/7, đế chế hàng xa xỉ LVMH cũng gia nhập danh sách các doanh nghiệp châu Âu bị ảnh hưởng, với doanh số bán hàng ở khu vực có thị trường Trung Quốc đã giảm 14% trong quý II.
Việc người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu ít hơn cho hàng hóa châu Âu đã tác động nghiêm trọng đến lợi nhuận, cũng như gây rủi ro cho giá cổ phiếu, định giá của các công ty châu Âu. Đơn cử, nhà sản xuất đồng hồ và đồ trang sức Thụy Sĩ Swatch Group đã chứng kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 30% trong nửa đầu năm nay và hãng này đang cắt giảm sản lượng.
Các giám đốc điều hành doanh nghiệp châu Âu hy vọng sụt giảm doanh số vừa qua chỉ là sự cố ngắn hạn, nhưng điều họ lo lắng lúc này là chưa rõ Trung Quốc sẽ xoay chuyển tình hình kinh tế ra sao.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đến chi tiêu của người tiêu dùng đang chững lại và căng thẳng thương mại gia tăng.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế này trong quý II/2024 tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,1% mà các nhà kinh tế dự báo với Reuters.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc cũng không đạt kỳ vọng do chỉ tăng 2%, so với dự báo tăng trưởng 3,3%. Còn dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đạt tăng trưởng nhanh nhất trong 15 tháng khi tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, nhập khẩu bất ngờ giảm 2,3% trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu.
Các chiến lược gia từ Goldman Sachs đang khuyến nghị các nhà đầu tư bán ra cổ phiếu của các công ty châu Âu mà có phần lớn doanh số bán hàng đến từ Trung Quốc.
“Chúng tôi lo ngại về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc”, ông Arun Sai, chiến lược gia đa tài sản cấp cao tại công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management, cho biết.
Ông Sai cũng lưu ý rằng: “Cảnh báo lợi nhuận từ các công ty châu Âu một lần nữa xuất hiện trong mùa báo cáo tài chính này đã báo hiệu rủi ro về nhu cầu yếu hơn dự kiến từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt là người tiêu dùng”.
Trong ngắn hạn, nhu cầu của thị trường Trung Quốc chững lại đã tác động đến lợi nhuận của các công ty, báo hiệu điều không lành khi các doanh nghiệp dồn dập công bố báo cáo tài chính trong những ngày tới.
Những năm gần đây, các thương hiệu đồ xa xỉ nước ngoài đã gắn vận may của họ với Trung Quốc – thị trường tỷ dân béo bở, nhưng nhu cầu nội địa “suy thoái” đang tạo áp lực cho họ.
Cổ phiếu của Hugo Boss và Burberry nằm trong số những cổ phiếu bị ảnh hưởng vào tuần trước khi hai hãng thời trang này đưa ra cảnh báo về lợi nhuận. Tương tự, cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô Đức Porsche đã lao dốc vào ngày 23/7 sau khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung làm gia tăng áp lực từ doanh số bán hàng chậm lại ở Trung Quốc.
Danh sách các công ty châu Âu bị ảnh hưởng còn có sự góp mặt của các nhà sản xuất công nghiệp. Điển hình, tập đoàn công nghệ điện và tự động hóa ABB (Thụy Sĩ) cho biết các đơn đặt hàng từ Trung Quốc sụt giảm hai con số là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh quý vừa qua kém hiệu quả, Bloomberg đưa tin.
Kể từ đầu năm nay đến, rổ cổ phiếu doanh nghiệp châu Âu của Goldman Sachs đã hoạt động kém hơn thị trường chung, bởi doanh số bán hàng của họ phần lớn đến từ thị trường Trung Quốc.
Các nhà chiến lược gia của Goldman Sachs, bao gồm bà Lilia Peytavin, đã khuyến nghị nhà đầu tư bán ra các cổ phiếu châu Âu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chững lại ở Trung Quốc, để quay sang mua các cổ phiếu phụ thuộc nhiều hơn vào doanh số bán hàng của Mỹ.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 3 khóa XX), giới chức nước này đã công bố một số biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, nhưng họ tỏ ra không mấy cấp bách trong việc thúc đẩy nhu cầu hoặc ngăn chặn tình trạng suy thoái bất động sản. Điều đó có nghĩa là các công ty châu Âu từng được hưởng lợi trong thời kỳ bùng nổ trước đây của thị trường Trung Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ bên ngoài tiếp tục chững lại.
Doanh nghiệp ngành ngân hàng, khai khoáng, ô tô chịu ảnh hưởng lớn
Đức có vẻ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi theo ước tính của các nhà chiến lược UBS, nước này chiếm một nửa lượng hàng xuất khẩu của Liên minh châu Âu sang Trung Quốc. Báo cáo của UBS chỉ ra rằng các công ty khai khoáng BHP và Rio Tinto, ngân hàng Standard Chartered và nhà sản xuất ô tô Volkswagen là những công ty kiếm được hơn 40% doanh thu từ thị trường Trung Quốc.
“Sự suy yếu (nhu cầu – BTV) trong nước của Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm nhưng đã bị lu mờ trước sức mạnh ở Mỹ”, nhóm chiến lược gia của UBS do ông Gerry Fowler đứng đầu, đánh giá. “Bây giờ khi nhu cầu của cả hai quốc gia dường như đang chậm lại, sự phục hồi mới chớm nở của châu Âu lại dễ bị tổn thương trước các yếu tố bên ngoài”, ông Fowler nhận định.
Để ứng phó với sự sụt giảm nhu cầu ở Trung Quốc, Swatch Group – nhà sản xuất đồng hồ Omega, Blancpain và Tissot – quyết định cắt giảm sản lượng từ 20 – 30%. Hãng này cũng đang cắt giảm chi phí, nhưng không cắt giảm đáng kể số lượng công nhân tại Thụy Sĩ.
Tổng giám đốc điều hành Swatch Group cho biết tập đoàn này sẵn sàng tăng sản lượng khi nhu cầu của Trung Quốc phục hồi, mặc dù ông không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi đáng kể trong năm nay.
Sự lo lắng của nhà đầu tư về thuế quan của phương Tây áp lên hàng hóa Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML (Hà Lan), công ty lớn thứ ba châu Âu theo giá trị thị trường.
Gần một nửa doanh số của ASML phụ thuộc vào Trung Quốc, nên cổ phiếu của hãng này đã “bốc hơi” 17% vào tuần trước sau thông tin Mỹ có thể áp dụng các biện pháp hạn chế mới đối với các công ty cung cấp công nghệ chip tiên tiến cho Bắc Kinh.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng là một vấn đề đối với một số nhà sản xuất châu Âu khi nước này nổi lên như một đối thủ cạnh tranh, đe dọa lợi nhuận của họ trong nhiều lĩnh vực, từ chất bán dẫn đến hóa chất. Sự cạnh tranh đó đang diễn ra dưới hình thức thuế quan, với việc EU áp đặt thuế tạm thời đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Động thái này đã ảnh hưởng đến hãng xe Thụy Điển Volvo và họ buộc phải hạ dự báo doanh số bán ô tô trong năm nay, do xe điện của họ được sản xuất tại Trung Quốc.
Ông Sunil Krishnan, giám đốc quỹ đa tài sản tại công ty quản lý đầu tư Aviva Investors (Vương quốc Anh), lưu ý: “Mọi người sẽ đặc biệt chú ý đến báo cáo triển vọng của những công ty châu Âu nhạy cảm với xuất khẩu, chỉ tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào chỉ ra tác động của Trung Quốc như một thị trường cuối cùng (end market), nhưng cũng như một đối thủ cạnh tranh”.
Thuật ngữ “thị trường cuối cùng” được sử dụng để chỉ nơi giao dịch cuối cùng diễn ra trong chuỗi giá trị, thông thường đó là nơi đặt trụ sở của người dùng cuối.
T.P