Monday, September 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVốn nước ngoài tháo chạy khỏi TQ - Sao vậy?

Vốn nước ngoài tháo chạy khỏi TQ – Sao vậy?

Từ ngày 24 đến 25 tháng 3, Diễn đàn Phát triển Trung Quốc đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Theo thông lệ thì Thủ tướng Trung Quốc nên có cuộc gặp với giới doanh nghiệp nước ngoài, nhưng lần này cuộc gặp của ông Lý Cường đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình dẫn đầu các thành viên của Bộ Chính trị gặp gỡ giới doanh nghiệp nước ngoài.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo từ phía Trung Quốc, Bí thư Ban bí thư là ông Thái Kỳ đã gặp CEO của Blackstone, Stephen Schwarzman. Phó Chủ tịch nước Hàn Chính đã gặp CEO của Exxon Mobil, Darren Woods, và CEO của AstraZeneca, Pascal Soriot…

Việc để các thành viên trong Bộ Chính trị gặp gỡ, trao đổi với giới doanh nghiệp là một việc hết sức kỳ lạ, bởi vì những thành viên này trong Bộ chính trị không chuyên về kinh tế, vậy thì khi họ gặp nhau sẽ trao đổi những gì?

Ông Tập Cận Bình muốn để lại ấn tượng tốt cho ngoại giới là đưa những nhân vật cấp cao trong Bộ Chính trị đi gặp giới doanh nghiệp, nhưng điều này có thể khiến doanh nghiệp nước ngoài ‘sợ hãi’.

Theo phương thức tư duy của người phương Tây thì những người có chuyên môn xử lý những việc chuyên môn, đây mới là điều quan trọng nhất. Vì sao?

Có một câu chuyện nhỏ xảy ra vào thời Trinh Quán. Có một lần, Hoàng đế Đường Thái Tông trò chuyện với Tiêu Vũ. Hoàng đế Đường Thái Tông có võ công rất cao, ông bắn một loại tên gọi là ‘đại vũ tiễn’ rất dài và bắn rất xa. Đường Thái Tông rất dũng cảm, ông xông pha trận mạc như Hạng Vũ, và có một đội quân bất khả chiến bại gọi là Huyền Giáp quân (đội quân áo giáp đen). Từ năm Vũ Đức nguyên niên (năm đầu) đến năm Vũ Đức thứ tư, Đường Thái Tông đã dẹp loạn khắp thiên hạ. Võ công của ông rất cao, bắn tên rất chuẩn xác.

Khi trò chuyện với Tiêu Vũ, ông kể rằng: ‘Trẫm từ nhỏ đã thích cung tên. Trẫm có mười mấy cây cung rất tốt, nhưng khi trẫm mang cung của mình cho những người thợ chuyên làm cung tên xem, họ nói rằng những cây cung này không tốt lắm vì vân gỗ bị lệch. Dù bắn mạnh nhưng tên đi không thẳng’.

Đường Thái Tông cảm thán rằng: ‘Trẫm nhờ cung tên để dẹp yên bốn bể, nhưng phát hiện ra trong số cung tên mà trẫm thường dùng, có rất nhiều cái bị lỗi mà trẫm không biết, huống chi thiên hạ có bao nhiêu chuyện, làm sao trẫm có thể biết hết được?’.

Từ câu chuyện cung tên, Đường Thái Tông nhận ra rằng có nhiều điều ông cần phải học hỏi và suy ngẫm. Hoàng đế Đường Thái Tông là Thánh quân, nhưng ngài vẫn không biết hết mọi điều trong thiên hạ, cho nên xung quanh ngài luôn có những quan cố vấn. Đường Thái Tông thường triệu kiến những người này để hỏi về tình hình dân chúng và công việc triều chính. Đây là một trong những lý do tại sao Đường Thái Tông lại thành công như vậy trong thời kỳ Trinh Quán. Ít nhất, ông đã làm một điều rất thành công, đó là để người chuyên nghiệp làm việc chuyên nghiệp.

Quốc gia đại sự với trăm công nghìn việc, một mình quân vương không thể nào biết và làm hết được, cho nên phải phân quyền cho những người thực sự có chuyên môn để làm thật tốt. Còn nếu người lãnh đạo quyết định mà không cân nhắc thật kỹ sẽ nhận phải sự oán thán của dân chúng.

Khi Vương An Thạch thời Bắc Tống làm biến pháp (cải cách), trong đó có một pháp luật gọi là ‘Thanh miêu pháp’ (青苗法).

Thanh miêu pháp là pháp luật gì? Nghĩa là mỗi năm đến thời kỳ giáp hạt, chính quyền sẽ cung cấp một khoản vay cho nông dân. Bởi vì Vương An Thạch cho rằng, nông dân không có tiền mua hạt giống, họ sẽ không có gì ăn, cho nên có thể đi cướp bóc, thậm chí sẽ tạo phản. Nếu không có tiền mua hạt giống, thì sẽ không trồng được hoa màu cho năm sau… Vậy phải làm thế nào?

Theo chính sách ‘Thanh miêu pháp’ của Vương An Thạch, chính phủ sẽ cung cấp khoản vay cho nông dân không có tiền, sau đó đến mùa thu hoạch, nông dân sẽ hoàn lại một ít lợi tức (利息: tiền lãi) cho chính quyền.

Xuất phát điểm khi chế định chính sách này vô cùng tốt, nhưng khi chấp hành cụ thể thì xuất hiện vấn đề. Đó là quan chức địa phương cảm thấy cho người nghèo mượn tiền, nhỡ họ không trả được thì phải làm sao? Còn nếu đưa tiền cho người giàu, thì không những sẽ lấy lại được tiền, mà còn có thể thu được lợi tức.

Lúc ấy người giàu không muốn vay tiền, nhưng quan phủ lại ép họ vay. Quan phủ phải chấp hành chính sách, mỗi năm phải hoàn thành bao nhiêu chỉ tiêu… cho nên, quan phủ áp chỉ tiêu này xuống cho người dân.

Người nghèo cần tiền, chính phủ không cho vay, còn người giàu không cần thì lại bị ép vay. Vốn dĩ xuất phát điểm của chính sách này là lợi dân, nhưng cuối cùng cả người nghèo và người giàu đều mắng Vương An Thạch.

Tất nhiên, một quyết sách đưa ra luôn có người được lợi và người chịu hại. Người ta cũng không thể nào chế định từng chính sách cho từng cá nhân, chỉ có thể là chế định một chính sách như thế đi từ trên xuống dưới. Đây là vấn đề trị đại quốc. Ở đây chỉ muốn nói rằng, là lãnh đạo thì nên học cách nghe lời ‘nghịch nhĩ’ để điều chỉnh lại chính sách cho tốt.

Tổng thống Mỹ là nguyên thủ quốc gia, nhưng ông ấy cũng không phải muốn gì làm nấy. Thiết kế chế độ chính trị của Mỹ là Tam quyền phân lập, bao gồm: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Các cấp chính quyền của Mỹ được phân thành Liên bang, Tiểu bang và Địa phương. Mỗi cấp chính quyền này cũng có Tam quyền phân lập. Vậy thì tổng thống Mỹ mặc dù có vị trí cao như thế, nhưng ông chỉ nắm được nhánh Hành pháp của Liên bang, tức là nắm giữ 1 ô trong 9 ô quyền lực. Điều này cho thấy quyền lực của ông cũng bị hạn chế.

Hay như một ứng cử viên tổng thống (đây là tôi lấy ví dụ) phạm tội ở tiểu bang, thì cho dù người ấy có đắc cử và làm tổng thống thì cũng không thể tự ân xá cho mình. Bởi vì người ấy là tổng thống liên bang, không thể ân xá cho những tội phạm mà tòa án tiểu bang đã kết án.

Những câu chuyện trên là muốn nói rằng, lãnh đạo không nên cực quyền, mà phải phân quyền cho người có chuyên môn, lắng nghe các ý kiến phản hồi để có được quyết định tốt nhất. Nếu không, khi thiếu góc nhìn toàn diện, muốn gì làm nấy, thì hoàn cảnh chính trị nơi đó sẽ bất định. Mà tiền vốn lại sợ nhất sự bất định. Đây là lý do khiến vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Nói về ‘run’ (chạy) cũng có những câu chuyện rất hay. Câu chuyện thứ nhất là về tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành. Chúng ta biết rằng, bất động sản Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2016, nhưng vì sao ông Lý Gia Thành lại bắt đầu bán bất động sản ở Trung Quốc từ năm 2014? Mãi cho đến năm 2015 khi ở Trung Quốc Đại lục có bài báo viết ‘Đừng để Lý Gia Thành chạy trốn’ thì người ta mới biết ông Lý Gia Thành bán tháo bất động sản ở Trung Quốc. Bối cảnh câu chuyện là sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, sau cuộc gặp giữa ông Tập và giới doanh nhân Hồng Kông, ông Lý Gia Thành đã nhìn nhận ông Tập không quan tâm đến kinh tế và muốn quay về kiểu lãnh đạo cá nhân, cho nên ông Lý Gia Thành cảm nhận được sự bất định từ đó và quyết định bán hết bất động sản ở Trung Quốc từ năm 2014.

Về Hồng Kông, sau khi Bắc Kinh thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông vào ngày 30/6/2020 (trước ngày Hồng Kông trở về với Đại lục 1/7), thì đã biến Hồng Kông thành một tỉnh của Trung Quốc. Các cuộc bầu cử ở Hồng Kông sau đó có tỷ lệ người đi bầu thấp kỷ lục. Vì sao? Bởi vì người Hồng Kông nhìn nhận rằng, cho dù họ có đi bầu thì cũng không thay đổi được gì, cho nên họ không đi bầu. Thế là những người có điều kiện ở Hồng Kông thay vì bỏ phiếu bằng tay thì họ ‘bỏ phiếu bằng chân’, tức là ‘run’ (chạy) sang Anh quốc và Canada.

Còn trong lịch sử cũng có những câu chuyện rất đáng tham khảo. Đây là một trong những câu chuyện mà tôi thích nhất trong thời ‘Hán – Sở tranh hùng’, đó là câu chuyện về Nho sinh Thúc Tôn Thông.

Thúc Tôn Thông là ‘tư tuần quan’ (quan cố vấn) thời nhà Tần. Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Triệu Cao dùng mưu kế để Tần Nhị Thế Hồ Hợi được kế vị. Khi ấy, khởi nghĩa khắp nơi, khí thế của nghĩa quân rất mạnh, đã chiếm được một số vùng đất.

Khi Trần Thắng, Ngô Quảng tạo phản, có người nói với Tần Nhị Thế là: ‘Hoàng thượng, hiện nay có người tạo phản’, Tần Nhị Thế không muốn nghe.

Tần Nhị Thế liền hỏi các quan cố vấn: ‘Ta nghe nói có người tạo phản, các ngươi thấy như thế nào?’. Khi đó có một số người nói: ‘Tạo phản thì lấy quân đội đi bình định thôi’. Sắc mặt Tần Nhị Thế lúc đó rất khó coi.

Sau đó có một người là Thúc Tôn Thông đứng dậy. Thúc Tôn Thông đã nói với Tần Nhị Thế rằng: ‘Tạo phản ư, không thể nào. Thánh nhân Thiên tử ở trên, thiên hạ trở thành một nhà, làm sao có người tạo phản được. Pháp lệnh chúng ta hiện nay nghiêm minh như thế, Hoàng thượng lại anh minh như thế, làm sao có thể tạo phản được. Những người này không phải là quân phản loạn, mà chỉ là một nhóm giặc cỏ cho nên không có gì là ghê gớm cả. Xin Hoàng thượng yên tâm’.

Tần Nhị Thế rất cao hứng, lần lượt hỏi từng người: ‘Ngươi thấy sao?’. Có người nói ‘Có người tạo phản’, có người nói ‘Là bọn ăn trộm thôi’. Tất cả những người nói tạo phản đều bị Tần Nhị Thế trừng phạt, sau đó Tần Nhị Thế đã trọng thưởng cho Thúc Tôn Thông.

Sau khi Tần Nhị Thế rời đi, có người nói với Thúc Tôn Thông rằng: ‘Ông là học trò của Khổng Tử, đọc sách Thánh hiền, sao lại nói những lời không có nguyên tắc như vậy? Rõ ràng là giả mà ông cũng nói’. Thúc Tôn Thông vừa lau mồ hôi vừa nói: ‘Nếu hôm nay tôi nói lời thật, thì hôm nay tôi đã chết rồi’. Sau đó Thúc Tôn Thông đem tất cả những thứ được trọng thưởng bỏ vào một cái bao, rồi đi ngay trong đêm. Ông biết rằng, chính quyền nhà Tần đã không còn hy vọng nữa.

Cá nhân tôi thấy Thúc Tôn Thông là người rất có lý trí, khi ông thấy mình không thay đổi được cục diện thì ông ‘run’ (chạy), để dành sức lực làm việc khác. Ông biết Thiên mệnh đang chuyển từ nhà Tần sang nhà Hán, cho nên sau này ông đầu quân cho Lưu Bang.

Tất nhiên, mỗi người đều phải giữ đạo của mình, quân vương phải Nhân từ, thực hiện trách nhiệm giáo hóa dân chúng, còn bề tôi phải Trung. Nhưng cái Trung của bề tôi không phải là ‘Ngu Trung’ mà là phải Trung với Đạo. Nếu quân vương vô đạo thì bề tôi trước thì can gián, tận trung. Sau đó, nếu quân vương không thay đổi thì không nên phò tá, ‘chim khôn chọn cây lành mà đậu, tôi khôn tìm Chúa Thánh mà thờ’.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới