Monday, September 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Phù Nam Techo có trở thành cơ hội vàng cho Campuchia?

Liệu Phù Nam Techo có trở thành cơ hội vàng cho Campuchia?

Vậy là sau rất nhiều tranh cãi đã không hề có cuộc đàm phán nào cả. Hôm 5/8 Campuchia chính thức khởi công xây dựng kênh dào Phù Nam Techcho. Nhân vật quan trọng nhất có mặt tại sự kiện là Thủ tướng Hun Manet. Chủ tịch Thượng viện Hun Sen không có mặt.

Từ đây người dân xứ sở Chùa Tháp có quyền mơ về một “cơ hội vàng” cho đất nước của họ. Cố nhiên cơ hội ấy có đến không, nhanh hay chậm thì còn phải chờ thời gian.

Tại lễ khởi công có khoảng 10 nghìn người tham dự. Tất cả đều mặc áo thun trắng, phía trước in hình cha con ông Hun Sen và Hun Manet, phía lưng áo in hàng chữ đậm “Hãy ủng hộ Phù Nam Techo!” Điều này cho thấy ý chí bứt phá mạnh mẽ của Campuchia trong việc thực hiện siêu dự án. Không ai nói ra, kể cả trong các diễn văn và trong câu chuyện ngoài lề, nhưng ai cũng đọc được thông điệp này: người Campuchia đang tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào Việt Nam – đất nước có công lớn cứu họ thoát khỏi tội ác diệt chủng của Khơ me Đỏ những năm 80 thế kỷ trước.

Trong Diễn văn, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một “dự án lịch sử”, phải “hoàn thành bằng mọi giá”. Người dân “không nên lo lắng quá khi cho rằng con kênh này sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự”. Còn Phó Thủ tướng Sun Chanthol thì nói rằng, dòng kênh này sẽ “củng cố sự độc lập chính trị trong vận tải đường thủy”.

Theo nhà nghiên cứu độc lập người Camnpuchia Rim Sokvy, Phnôm Pênh xây dựng kênh đào Phù Nam Techo là nhằm giảm sự giàng buộc vào Hà Nội. Ông Rim nói: “Nếu Campuchia nộp tài liệu về kênh đào này cho Việt Nam thì tự cho mình đứng ở vị trí thấp hơn. Và Campuchia đã đẩy nhanh dự án này, bất chấp sự phật ý của Hà Nội”.

Không tán thành ý kiến của Rim Sokvy, ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Năng lượng, Nước và Tính bền vững của Trung tâm Stimson khẳng định: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ Hiệp định sông Mekong 1995. Theo chúng tôi, chính phủ Campuchia cho xây dựng kênh Phù nam Techo là vi phạm Hiệp định quốc tế nêu trên”.

Rõ ràng, khi xây dựng con kênh này sẽ gây ra những tác động tiềm tàng về khả năng gây hao hụt, kiệt quệ nguồn nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong, có khoảng 21 triệu người dân Việt Nam sinh sống.

Trong thời đại ngày nay, an ninh nguồn nước ngày càng trở thành một vấn đề vô cùng cấp thiết. Nguồn nước chính ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam bị đe dọa, do sự biến động bất thường của dòng chảy đầu nguồn.

Khi ấy một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang bị hạn mặn cục bộ là điều khó tránh khỏi. Các trà lúa, vườn cây ăn trái sẽ gặp hạn, cháy rụi, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân trong khu vực.

Do Việt Nam nằm ở hạ lưu, cho nên những tác động này ngày càng trở mạnh và khó lường. Trong trường hợp Campuchia không chỉ sử dụng kênh đào với mục đích giao thông đường thủy mà còn hướng đến đa mục tiêu phát triển nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và thương mại thì hậu quả còn ghê gớm hơn. Lưu lượng khai thác ước tính lên đến 150 m3/giây, chiếm khoảng 30% lưu lượng về sông Hậu trong mùa khô. Tình trạng xâm nhập mặn trong khu vực sẽ trở nên vô cùng gay gắt.

Sau hạn hán là đến cạnh tranh vận tải hàng hoá. Chính các chuyên gia Campuchia cho rằng, người Việt Nam lo ngại về vấn đề lợi ích kinh tế là rất đúng. Nay mai dự án hoàn thành, các tàu chở hàng từ Campuchia sẽ không còn phải ghé qua cảng Cái Mép và Cái Lát trên sông Thị Vải của Việt Nam. Khi ấy Việt Nam sẽ bị “bay hơi” một khoản thu đáng kể từ việc quá cảnh của tàu bè.

Theo một nguồn tin của các chuyên gia Campuchia, ước tính đến nay trên các tuyến đường thuỷ giữa Việt Nam và Campuchia đã có khoảng 20 triệu tấn hàng hoá được vận chuyển kể từ khi hai quốc gia ký kết hiệp định vận tải đường thuỷ năm 2011. Nếu hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu Việt Nam và các cảng biển ở tuyến sông thì sẽ chỉ mất khoảng 300 km đến 375 km nhìn từ góc độ vận tải thuỷ. Còn khi kênh đào Phù Nam Techcho hoàn thành thì hàng hoá vẫn phải đi vòng qua mũi Cà Mau (khoảng 900km) trước khi đến được các nước phía Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vậy là lợi ích của Campuchia sẽ khó có thể như kỳ vọng. Có điều, “ngư ông đắc lợi” là Trung Quốc. Nước này có thể dễ dàng đi từ sông Lancang qua Mê Kông đến Thái Lan và Malaysia mà không cần đi qua Việt Nam nữa. Họ sẽ nối dài cánh tay, có thêm quan hệ kinh kế, thương mại giữa với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Như vậy “cơ hội vàng” của Campuchia vẫn chỉ là một giấc mơ.

Giới trẻ Campuchia thường nói với nhau rằng: đừng có nghĩ một chiều cỏ bên kia đồi luôn xanh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới