Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCHUYẾN THĂM 4 NƯỚC ASEAN CỦA NGOẠI TRƯỞNG TRUNG QUỐC VƯƠNG NGHỊ...

CHUYẾN THĂM 4 NƯỚC ASEAN CỦA NGOẠI TRƯỞNG TRUNG QUỐC VƯƠNG NGHỊ VÀ VẤN ĐÊ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm 4 nước ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei từ 30/4 đến 05/5/2013. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Vương Nghị trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.

Nội dung vấn đề Biển Đông trong các chuyến thăm này là gì và tại sao lại chọn 4 nước này để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên? Chúng ta hãy cùng phân tích để tìm ra câu trả lời.

Mở đầu chuyến thăm, từ ngày 30/4 đến 01/5/2013, Vương Nghị đã đến Thái Lan, nước đang giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc nhằm tranh thủ vai trò điều phối viên của ASEAN trong triển khai yêu cầu của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm, Vương Nghị lấy cớ “do DOC chưa được quan tâm đầy đủ” để biện hộ cho việc Trung Quốc chưa đồng ý cùng các nước ASEAN đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chặng dừng chân thứ 2 của ông Vương Nghị là Indonesia, một nước lớn ở Đông Nam Á và có vai trò quan trọng trong ASEAN từ 01 – 02/5/2013. Trong hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Marty, ông Vương Nghị tiếp tục trì hoãn việc đàm phán chính thức ở cấp quan chức cao cấp (SOM) ASEAN là cơ chế đã được hình thành lâu nay giữa ASEAN và Trung Quốc để trao đổi các vấn đề liên quan. Ông Vương Nghị cho rằng việc xây dựng COC cần được tiến hành từng bước trên cơ sở đồng thuận giữa các bên liên quan. Ông cho rằng ASEAN và Trung Quốc có thể thành lập Nhóm làm việc cấp Tổng, Vụ trưởng nhằm thảo luận về nội dung COC. Mặt khác, ông Vương Nghị tiếp tục nhấn mạnh kiên trì đàm phán giải quyết tranh chấp song phương với từng nước có tranh chấp. Hai bên thoả thuận lập đường dây nóng giữa 2 Bộ Ngoại giao để trao đổi xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Tại Singapore, Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, yêu cầu duy trì hoà bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC, Tuyên bố 6 điểm và sớm ký kết COC. Mặc dù, ông Vương Nghị cũng đồng ý với người đồng nhiệm của Singapore rằng cần tiến tới COC nhưng không nêu rõ thời gian cụ thể nào.

Ông Vương Nghị dừng chân ở Brunei trước khi kết thúc chuyến công du 4 nước Đông Nam Á. Tại Brunei, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và xây dựng COC không có gì mới. Ông Vương Nghị chỉ nhắc lại những nội dung ông đã nêu với Thái Lan, Indonesia và Singapore, khăng khăng đòi giải quyết song phương tranh chấp ở Biển Đông, không chấp nhận giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông. Ông Vương Nghị chọn Brunei nước Chủ tịch ASEAN để kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên nhằm tranh thủ Brunei trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN năm 2013. Đáng chú ý là trước chuyến thăm của ông Vương Nghị chưa đầy 1 tháng, Quốc vương Brunei đã thăm Trung Quốc và hai bên đã đạt được thoả thuận về nhiều nội dung liên quan đến Biển Đông, bao gồm cả ý tưởng về “cùng khai thác”. Tuy không bán đứng các nước ASEAN như Campuchia năm 2012, nhưng trước sức ép của Trung Quốc Brunei đã có nhiều động tác chiều theo Trung Quốc, như lần đầu tiên nhất trí với Trung Quốc rằng “một số tranh chấp hiện nay không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN cần do các nước liên quan trực tiếp thông qua hiệp thương giải quyết”.

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều diễn biến mới ở Biển Đông đang làm đau đầu những người Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh (Philippines kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và tiến trình vụ kiện đang diễn biến đúng kế hoạch bất chấp sự phản đối, không tham gia của Trung Quốc; Hội nghị cấp cao các nước ASEAN cuối tháng 4/2013 ra Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng đàm phán về COC; Hoa Kỳ cũng thúc ép Trung Quốc sớm thảo luận với ASEAN xây dựng COC, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ phản đối sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực hoặc gây sức ép với các nước ở Biển Đông…). Việc ông Vương Nghị chọn 4 nước ASEAN để thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là nhằm tháo gỡ những khó khăn cho đối ngoại của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Ông Vương Nghị muốn qua chuyến thăm này để trang trải với các nước ASEAN về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, thể hiện sự coi trọng quan hệ với các nước ASEAN để khai thông cửa ngõ phía Nam cho Trung Quốc vươn ra thế giới.

Trong chuyến thăm 4 nước ASEAN, ông Vương Nghị tỏ ra ôn hoà hơn trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông vẫn không có gì thay đổi. Trung Quốc chưa hưởng ứng lời kêu gọi của những nhà Lãnh đạo cấp cao ASEAN về việc cần nhanh chóng xây dựng COC mà đang cố tình dẫn dắt vấn đề này theo ý muốn của Trung Quốc như chỉ đồng ý thảo luận một mục riêng về COC trong khuôn khổ Nhóm công tác chung thực hiện DOC, đồng thời thuyết phục Brunei và Indonesia về thành lập Nhóm chuyên gia học giả để trao đổi bổ trợ về COC để “phi chính thức hoá” tiến trình xây dựng COC. Như vậy, Trung Quốc vẫn chưa có hứa hẹn gì về việc tiến hành đàm phán chính thức với ASEAN về COC. Ông Vương Nghị đã dùng “thủ thuật khôn ngoan” để trì hoãn việc thảo luận về COC, kéo dài thời gian có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để Trung Quốc có thời gian phá vỡ nguyên trạng, tăng cường củng cố thế đứng của Trung Quốc trên thực địa ở Biển Đông. Ông Vương Nghị là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã từng tham gia nhiều diễn đàn đàm phán về biên giới lãnh thổ nên cách ứng xử của Ông Vương Nghị tỏ ra mềm dẻo là nhằm lấy lại hình ảnh “Trung Quốc phát triển hoà bình” đang bị mất dần đi trong con mắt của các nước láng giềng xung quanh sau những hành động quá khích của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua.

Nhiều nhà phân tích cho rằng mục đích chuyến thăm 4 nước ASEAN lần này của ông Vương Nghị còn nhằm phân hoá, chia rẽ nội bộ ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Ông Vương Nghị tập trung tranh thủ những nước không liên quan hoặc ít liên quan đến tranh chấp Biển Đông nhằm cô lập các nước có nhiều vấn đề trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, trước hết là Philippines và Việt Nam. Trong khi ông Vương Nghị đang đi ve vãn 4 nước này thì Trung Quốc tiếp tục có những hành động mở rộng xâm lấn trên thực địa như lần đầu tiên tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; yêu cầu Philippines rút ra khỏi 8 cấu trúc mà hiện Philippines đang đóng giữ ở quần đảo Trường Sa, đồng thời tiếp tục cử các tàu chấp pháp (Hải giám, Ngư Chính) tuần tiễu ở Biển Đông; đưa nhiều tàu đến bao vây bãi Cỏ Mây, thậm chí quấy rối hoạt động của các tàu Philippines… Trong khi đó, báo chí Trung Quốc tiếp tục có nhiều bài viết chĩa mũi nhọn vào Philippines và Việt Nam với những giọng điệu hết sức trắng trợn, thậm chí đe doạ sử dụng vũ lực.

Trong chuyến thăm ông Vương Nghị không đề cập đến chuyện kiện tụng của Philippines, cũng không đưa ra điều kiện loại bỏ Philippines ra khỏi tiến trình xây dựng COC vì ông hiểu quá rõ rằng các nước ASEAN có nhất trí cao trong việc cần tách bạch giữa vụ kiện của Philippines với tiến trình COC và phải tiến hành đàm phán về COC giữa cả 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Đây thuộc về vấn đề nguyên tắc của ASEAN. Hơn thế nữa, bên cạnh việc kiên trì theo kiện, Philippines luôn khẳng định tích cực phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng COC nên không có lý do gì để Trung Quốc có thể đòi gạt bỏ Philippines ra khỏi tiến trình COC.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi 4 nước của ông Vương Nghị còn nhằm mục tiêu lôi kéo các nước này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, qua đó gây sức ép để Philippines phải từ bỏ vụ kiện. Trung Quốc đang ở thế khó khăn trong vụ kiện này.

Chuyến đi của ông Vương Nghị diễn ra trước các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) và giữa ASEAN với các đối tác cũng như Hội nghị ARF dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới và đưa ra một số đề xuất mang tính chiến thuật về COC nhằm giảm sức ép đối với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông tại Hội nghị ARF sắp tới với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ và nhiều nước lớn khác (Ấn Độ, Nga, Nhật, EU, Úc…). Nhưng cộng đồng quốc tế cũng đã hiểu rõ bản chất chính sách cường quyền của Trung Quốc nên không cảm thấy lạc quan trước những cử chỉ khôn ngoan và rất thiện nghệ của ông Vương Nghị.

Trung Quốc đánh giá kết quả chuyến thăm của ông Vương Nghị khá thành công vì những lời nói của ông Vương Nghị ít nhiều đã “ru ngủ” được các nước này về cái gọi là “thiện chí” của Trung Quốc và các nước này, nhất là Brunei đã có một số cử chỉ làm hài lòng Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng Brunei sẽ không lặp lại những gì Campuchia đã làm tại các Hội nghị ASEAN tháng 7/2012 vì Brunei là nước chịu ảnh hưởng của những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và Brunei không có khó khăn về tài chính như Campuchia.

Vấn đề Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường, chưa thể hy vọng sớm có được COC như mong muốn của các nước ASEAN và các nước ngoài khu vực vì thực chất quan điểm của Trung Quốc về COC vẫn không có gì thay đổi. Trung Quốc chưa muốn có COC có thể tiếp tục hoành hành ở Biển Đông, xâm phạm vùng biển của các nước ven Biển Đông./.

 
RELATED ARTICLES

Tin mới