Một hầm chứa vàng khổng lồ nằm ở sân bay Changi của Singapore vừa đi vào hoạt động vào tháng trước, một tín hiệu cho thấy nhu cầu đầu tư vàng đang tăng mạnh.
Hầm lưu trữ vàng “The Reserve” mở cửa vào tháng trước nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ vàng ngày càng tăng của giới siêu giàu trên khắp thế giới. Hầm chứa 6 tầng này được thiết kế để chứa 10.000 tấn bạc, tức hơn 1/3 nguồn cung toàn cầu mỗi năm, và 500 tấn vàng, tương đương một nửa lượng vàng mà các ngân hàng trung ương đã mua vào năm 2023.
Silver Bullion Pte Ltd. là công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở rộng 16.700m2 này. Họ cho biết đây là một trong những cơ sở lưu trữ kim loại quý lớn nhất thế giới, sau khi nhà kho trước đó của công ty hết chỗ chứa. Công ty cho biết hiện tại, nhà kho mới đã nhận được rất nhiều yêu cầu của khách hàng.
“Phản hồi mà chúng tôi nhận được phần lớn là khách hàng cần nhiều kho chứa hơn”, người sáng lập công ty Gregor Gregersen cho biết.
Đây là một khoản đặt cược lớn vào triển vọng dài hạn đối với vàng vật chất tại thời điểm giá kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục. Giá vàng đã vượt 2.500 USD/ounce vào tuần trước. Giá bạc cũng tăng hơn 20% và được dự đoán sẽ duy trì xu hướng tăng trong tương lai.
Silver Bullion được thành lập bởi Gregor Gregersen, một cựu chuyên viên dữ liệu tại Commerzbank (ngân hàng lớn thứ 2 của Đức) sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mục tiêu của công ty này là xây dựng một nơi lưu trữ an toàn nhất cho các kim loại quý, chủ yếu là vàng và bạc, nhằm giúp khách hàng bảo toàn tài sản trước hậu quả thảm khốc của các cuộc khủng hoảng như vậy.
Nhu cầu từ các văn phòng gia đình ở châu Á đối với tiền xu vàng và vàng thỏi đang bùng nổ. Hoạt động mua vàng trên thị trường phi tập trung ghi nhận quý thứ hai mạnh nhất trong ít nhất 25 năm trở lại đây.
Lượng mua vào trên thị trường phi tập trung, nơi thu hút những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, các quỹ đầu tư quốc gia và các quỹ đầu cơ, đã tăng vọt lên 450 tấn vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng thêm trong năm nay. Nhu cầu đã đặc biệt mạnh kể từ năm 2019, mặc dù giảm nhẹ vào năm 2022 khi nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi đại dịch, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới.
Xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trong giai đoạn rủi ro địa chính trị gia tăng, ngân hàng trung ương tăng mua và nhu cầu từ người tiêu dùng Trung Quốc lên cao. Bối cảnh vĩ mô hiện cũng hỗ trợ nhiều cho thị trường kim loại quý, bởi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuyển sang nới lỏng tiền tệ ngày càng cao.
T.P