Biển Đông trong những ngày vừa qua đang diễn ra hết sức căng thẳng khi Trung Quốc đưa cả hạm đội tàu sân bay xuống dằn mặt Philippines và cả Hoa Kỳ. Việt Nam, với tư cách là một trong những quốc gia có tranh chấp và lợi ích trực tiếp tại Biển Đông, đã quan sát sự việc này từ đầu tới cuối. Tuy nhiên, không tốn thời gian trước mấy cái micro, Việt Nam có cách hành động riêng của mình. Vậy Việt Nam đã làm gì?
Đầu tiên, quay lại với khoảng thời gian của tháng 6 khi Trung Quốc và Philippines còn đang bận solo võ mồm với nhau trên truyền thông. Chỉ trong năm 2024, Trung Quốc và Philippines đã đụng độ nhau trực tiếp 6 lần. Đỉnh điểm là mới đây nhất, tờ Bưu điện Hoa Nam của Trung Quốc đã đưa tin rằng tàu sân bay Sơn Đông của họ đã thực hiện một cuộc tuần tra ngoài khơi quần đảo của Philippines, một hoạt động mà các nhà quan sát cho là một thông điệp cứng rắn nhằm dằn mặt Manila và Washington.
Cùng với đó, theo thông tin từ Philippines, 4 tàu quân sự, bao gồm 1 chiếc thuộc lớp Type 052B, 2 chiếc Type 054A và 1 chiếc Type 055 của Trung Quốc cũng đã di chuyển vào vùng 12 hải lý thuộc khu vực quần đảo Palawan. Hành động này là có chủ đích khi vào năm 2023, Philippines đã cho phép Hoa Kỳ mở thêm 4 căn cứ quân sự tại đây giới quan sát bình luận Trung Quốc muốn nắn gân và thử thách mối quan hệ đồng minh giữa Philippines và Hoa Kỳ trong lúc đang có quá nhiều điểm nóng trên thế giới.
Đứng trước tình thế này, Philippines đã bắt đầu phải hạ giọng tại Biển Đông. Phía Manila cho biết: “Cuộc đụng độ giữa cảnh sát biển Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Cỏ Mây không phải là cuộc đụng độ vũ trang. Nó không kích hoạt hiệp ước phòng thủ với Mỹ, chúng tôi chưa coi sự việc này là một cuộc tấn công vũ trang. Tôi cho rằng đó là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết. Nếu Trung Quốc muốn phối hợp với Philippines, chúng tôi sẵn sàng làm việc với họ”.
Vài ngày sau, Tổng thống Marcos cũng tuyên bố đất nước của ông không có ý định kích động chiến tranh và sẽ luôn hướng tới việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Tuy những hành động này không chĩa mũi dùi về phía Việt Nam hay Malaysia, nhưng nó cũng làm cho tình hình ở đây sôi lên khi Trung Quốc cũng cho 2 tàu hải giám xâm phạm vào bãi Tư Chính và vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Như mọi khi, Việt Nam vẫn cho lực lượng chấp pháp biển ra truy cản tàu Trung Quốc. Nhưng lần này thì khác, Việt Nam đã đi xa hơn. Vào thời điểm Trung Quốc xua tàu xuống vùng tranh chấp với Philippines, hải quân Việt Nam đã tiến hành luôn diễn tập quân sự phòng thủ đảo tại ít nhất 9 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo những gì được báo Hải quân công bố, từ ngày 25 – 30/6, Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã ra kiểm tra quần đảo Trường Sa. Ngoài ra còn có một số nhân vật tai to mặt lớn khác. Chuyến đi này được đánh tiếng là kiểm tra các đảo của thủy phi cơ DHC-6 và trực thăng K32 thuộc Lữ đoàn Không quân Hải quân 954.
Đáng chú ý, tham gia hộ tống chuyến thăm còn có sự góp mặt của tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo thuộc biên chế Lữ đoàn 162. Đây được xem là điển hình cho kiểu ngoại giao “tay bắt chân đạp” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc tập trận này diễn ra cùng khoảng thời gian khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến công tác tham dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đại Liên 2024, và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 – 27/6. Cùng với đó là gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, đồng thời gặp cả đại diện các tập đoàn xây dựng lớn nhất Trung Quốc, khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Báo chí Trung Quốc và Việt Nam nhìn chung đều đánh giá cao chuyến thăm này và coi đây là việc củng cố mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, tay bắt là thế thôi nhưng chân thì vẫn phải đạp khi ngoài Biển Đông, Trung Quốc dù đang dồn tổng lực vào Philippines, nhưng cũng không quên tranh thủ tạo bất ngờ cho Việt Nam bằng cách cho tàu xâm phạm vào bãi Tư Chính. Việt Nam cũng chẳng vừa khi cho tập trận hải quân luôn tại đây. Hà Nội chỉ để duy nhất một bài báo của Hải quân đưa tin, chứ chẳng cần phải làm ầm ĩ.
Điều này cũng giống như gửi đi một thông điệp, Việt Nam có thể im lặng ngoài mặt với Trung Quốc, bắt tay với Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng chân vẫn lặng lẽ đá liên hồi kỳ trận trên Biển Đông với mục tiêu tối thượng là vừa đảm bảo hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh nhưng vẫn giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia quan điểm và phương châm đó cho tới nay vẫn phát huy tác dụng.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Việt Nam làm điều này. Năm 2022, khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được mô tả là đạt những mốc chưa từng có trong lịch sử, thì ngay trong năm đó, Việt Nam cũng bắt đầu trang bị UAV cho lực lượng cảnh sát biển. Đặc biệt nhất là gần đây vào tháng 4/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ về lập đường dây nóng giữa Quân chủng Hải quân Việt Nam với Chiến khu Miền Nam Trung Quốc. Sự kiện này không chỉ là một dấu mốc ngoại giao giữa hai nước mà còn giúp hai bên có những điều kiện thuận lợi để trao đổi những thông tin nóng, giúp giải quyết kịp thời những tranh chấp, không để xảy ra đụng độ, giảm thiểu căng thẳng, thông qua đó giữ gìn hòa bình và ổn định đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không.
Vậy nhưng ngay cả khi ký xong, Việt Nam thay vì thở phào một cái nhẹ nhõm. Đúng như vậy, chỉ hai tháng sau, Việt Nam đang ngăn chặn tàu HD26 của Trung Quốc xâm nhập vào Vịnh Bắc Bộ.
Vào thời phong kiến, Việt Nam chấp nhận sắc phong của Trung Quốc và cho sứ thần sang cống nạp, thể hiện sự tôn trọng với thiên triều theo đúng phương châm “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Nhưng đồng thời, dù nhận được sự chấp thuận, các vua Việt Nam vẫn luôn cho sắm sửa binh khí, tích trữ lương thảo, động viên nhân dân. Chỉ cần giặc phương Bắc có ý định động binh là cả nước đều sẵn sàng vào tình trạng chiến tranh. Điều cốt lõi để Việt Nam chống lại được giặc phương Bắc xâm lược không chỉ đến từ việc vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục mà còn vì tâm thế của Việt Nam luôn trong trạng thái sẵn sàng cho mọi cuộc xung đột với ngoại bang.
T.P