Lượng vàng dự trữ của Nga đạt mức 188,8 tỷ USD, trong đó tỷ trọng vàng thỏi trong dự trữ quốc tế của nước này lần đầu tiên vượt mức 30% sau gần 1/4 thế kỷ.
Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Nga, tỷ trọng vàng thỏi trong dự trữ quốc tế của nước này lần đầu tiên vượt mức 30% sau gần 1/4 thế kỷ. Giá trị vàng tiền tệ trong dự trữ quốc tế cũng tăng hơn 9 tỷ USD, tương đương 5,1%, kể từ đầu tháng 8. Giá vàng tăng 3,6% trong tháng 8 và đạt mức 2.513 USD/oz vào cuối tháng, đánh dấu một mức tăng đáng chú ý.
Đây vẫn là tỷ trọng vàng tiền tệ cao nhất trong tài sản quốc tế của Nga kể từ tháng 1/2000. Mức dự trữ cao nhất trong lịch sử hiện đại của Nga được ghi nhận vào tháng 1/1993, ở mức 56,9%.
Theo ngân hàng trung ương, dự trữ quốc tế của Nga cũng tiếp tục tăng, đạt 613,7 tỷ USD tính đến ngày 1/9, tăng hơn 11 tỷ USD so với tháng trước.
Dự trữ quốc tế của Nga được định nghĩa chính thức là tài sản nước ngoài có tính thanh khoản cao do Ngân hàng Nga và chính phủ nước này nắm giữ, bao gồm ngoại tệ, quyền rút vốn đặc biệt tại IMF và vàng tiền tệ.
Gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga đã bị đóng băng ở phương Tây vào đầu năm 2022 như một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine. Ngân hàng Nga chưa cung cấp thông tin chi tiết về những tài sản này.
Phần dự trữ của Nga không bị đóng băng bao gồm vàng và ngoại tệ được nắm giữ trong nước, cũng như lượng nhân dân tệ Trung Quốc nắm giữ.
Thống đốc Ngân hàng Nga Elvira Nabiullina cho biết sự ổn định tài chính của đất nước sẽ không bị ảnh hưởng nếu phương Tây tịch thu tài sản bị đóng băng của nước này. Theo ông Nabiullina, cơ quan quản lý này đã đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình trong nhiều năm và hiện đang tiến hành các hoạt động với các khoản dự trữ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Moskva đã lên án việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương là bất hợp pháp, nói rằng nỗ lực này đang “làm xói mòn uy tín” của các nước phương Tây. Điện Kremlin đồng thời cảnh báo đáp trả nếu các nước phương Tây có ý định tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga.
T.P