Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHÌN LẠI MỘT SỐ HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG QUỐC TRÊN...

NHÌN LẠI MỘT SỐ HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã có nhiều động thái phiêu lưu, sử dụng tàu hải giám, máy bay, tàu hải quân thường xuyên quấy nhiễu vùng biển của Việt Nam.

Đi liền với việc quấy nhiễu, Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép bệnh viện, trường học, trạm xăng, nhà máy nước, xử lý rác thải và hệ thống đường xá, cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, đồng thời tiến hành khảo sát trái phép các tài nguyên phục vụ du lịch, đóng tàu du lịch cỡ lớn ra Hoàng Sa.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 28/4/2013, Trung Quốc đã bất chấp mọi nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đưa tàu du lịch trái phép đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tờ Đại Công Báo xuất bản tại Hồng Kông dẫn lời Đới Bân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc tuyên bố: “Phàm những chỗ khách du lịch có thể đặt chân đến (thăm quan trái phép trên Biển Đông) là những nơi ngành du lịch Trung Quốc đã hiệp đồng chặt chẽ với ngoại giao và quân đội Trung Quốc”, tức là nhận được sự “đảm bảo an toàn” từ 2 cơ quan này.

Sau khi tiến hành hợp nhất các cơ quan hải giám, Trung Quốc liên tục đưa ra những tuyên bố như tăng cường các hoạt động tuần tra, giám sát trên Biển Đông nói riêng và các vùng biển tranh chấp nói chung. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tổ chức nhiều đợt diễn tập quân sự lớn ở Biển Đông với sự tham gia của tàu tên lửa, tàu ngầm… Những đợt tập trận này có mục tiêu cụ thể là chiếm đảo với mục đích răn đe các nước có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thậm chí Phó đô đốc Jiang Weilie, chỉ huy hạm đội Nam Hải, còn không ngần ngại tuyên bố tập trận trên các vùng biển quốc tế sẽ trở thành thông lệ cho hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung Quốc gia tăng việc cản trở, xua đuổi tàu cá của Quảng Ngãi khi đang khai thác hải sản trên các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tuy không bắt giữ tàu như những năm trước nhưng Trung Quốc thường xuyên dùng tàu rượt đuổi, cản trở không cho ngư dân Việt Nam khai thác hải sản, sử dụng vòi rồng phun nước làm cho hỏng máy, ném đá, bắn thẳng vào tàu của ngư dân ta để uy hiếp. Khi tiếp cận được tàu thì cướp, phá tài sản, thu máy thông tin liên lạc, ngư lưới cụ, nhiên liệu, chỉ để lại một ít nhiên liệu để về đến Quảng Ngãi. Nổi bật nhất là ngày 20/3/2013, tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn cháy tàu cá Qng 96382 của ngư dân Bùi Văn Phải (ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn). Vụ việc đã thể hiện sự ngông cuồng, vô nhân đạo bất chấp luật pháp quốc tế và sự tiến bộ mà nhân loại đạt được về tôn trọng quyền con người của Trung Quốc. Đây là chuỗi hành động kéo dài, có hệ thống của phía Trung Quốc từ những việc gây khó khăn, cản trở sản xuất, uy hiếp và đến nay đã dùng vũ lực đe dọa tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam nhằm thực hiện ý đồ lớn hơn là chiếm đoạt biển đảo của Việt Nam.

Ngày 13/5, tàu cung cấp hậu cần F8138 trong số 32 chiếc của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã đến địa điểm đánh cá đầu tiên thuộc vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi di chuyển trong vòng 8 ngày (mất khoảng 173 giờ), với hơn 860 hải lý, đội tàu cá 32 chiếc của tỉnh Hải Nam đã đến địa điểm đánh cá này. Trước đó, ngày 9/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 6/5, Trung Quốc cử đoàn 32 tàu cá đi đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan. Ông Nghị còn nhắc lại: “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Thế nhưng, trước vụ việc tàu cảnh sát biển Philippines nổ súng vào một tàu cá Đài Loan ngày 9/5, giới truyền thông và cánh học giả Trung Quốc lại “to mồm”, khai thác tối đa nhằm “đục nước béo cò” trên Biển Đông, lấy cớ leo thang và cổ súy các hành động làm căng thẳng, phức tạp tình hình tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.

Ngày 13/5, Thời báo Hoàn Cầu đã đăng bài phân tích của La Viện, một viên học giả đeo lon Thiếu tướng nổi tiếng “diều hâu” trên các diễn đàn quân sự và báo điện tử Trung Quốc kêu gào giới chức Bắc Kinh cần đánh chiếm các đảo Philippines chốt giữ (trái phép) ở quần đảo Trường Sa để “trả đũa” vụ bắn tàu cá Đài Loan.

Âm mưu, ý đồ và tham vọng của giới chức Bắc Kinh là muốn độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế. Từ năm 1974 lợi dụng chính quyền Việt Nam cộng hòa suy yếu, Trung Quốc đã chớp cơ hội dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, nhân cơ hội Nga giảm ảnh hưởng ở khu vực tập trung cho vấn đề nội bộ, Trung Quốc lại sử dụng vũ lực chiếm một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa. Tiếp đó năm 1995 nhận thấy Mỹ lơ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Kinh lại đưa quân xâm chiếm bãi cạn Vành Khăn. Vậy là Trung Quốc rất biết cách chớp cơ hội làm lợi cho mình. Tuy nhiên hiện nay Mỹ đã “quay trở lại Châu Á”, Nga có lợi ích sát sườn ở khu vực, ASEAN ngày càng có tiếng nói, cộng đồng quốc tế cũng chú ý tới hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông, giới chức Bắc Kinh không thể cứ “thích làm gì thì làm”. Các nước và cộng đồng quốc tế sẽ không chịu ngồi yên để xem Trung Quốc tác oai tác quái như những gì viên học giả “diều hâu” La Viện kêu gọi.

Tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông ngày 8/5 có bài phân tích cục diện Biển Đông cũng nhận định, từ đầu năm 2013 Trung Quốc liên tục đẩy mạnh “thế tấn công” trên bàn cờ Biển Đông và trong năm 2013 Bắc Kinh có thể giành được nhiều “thành quả”. Kết luận bài báo, tờ Văn Hối cao giọng khẳng định, năm 2013 sẽ trở thành năm quan trọng của “trận giao tranh” giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông trong khi “Bắc Kinh đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tấn công liên tục, không ngừng”.

Trung Quốc đang tạo dựng một chính sách mới “quyết đoán kiểu bị động”, tức là không gây xung đột trước, nhưng một khi một số nước bị Trung Quốc đưa vào bẫy thì khi đó Bắc Kinh sẽ đưa ra “đáp trả mạnh mẽ”.

Hẳn là mọi người cũng đã biết về “Chiến thuật cây gậy nhỏ” của Trung Quốc. Chiến thuật này được tổng kết sớm nhất từ phó giáo sư James Holmes và Toshi Yoshihara, Học viện chiến tranh Hải quân Mỹ. Hai chuyên gia quân sự Mỹ này cho rằng, “chiến thuật cây gậy nhỏ” thể hiện đầy đủ “chiến lược đâu vào đấy” của Bắc Kinh. Họ còn chỉ ra, “cây gậy nhỏ” của Bắc Kinh không chỉ là tàu chiến tác chiến biển gần của Hải quân Trung Quốc, mà còn có các tàu chấp pháp dân sự như tàu hải giám, tàu ngư chính.

Theo James Holmes và Toshi Yoshihara, “cây gậy nhỏ” vừa có thể thể hiện, thực ra là loè bịp dư luận thế giới rằng “Trung Quốc đang duy trì trị an ở vùng biển chủ quyền của họ”, vừa tránh được bị bên ngoài cho là lấy mạnh hiếp yếu. Hai chuyên gia này nhấn mạnh, từ động thái chế tạo lượng lớn tàu hộ vệ Type 056 của Hải quân Trung Quốc có thể thấy, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấy tàu chiến mặt nước biển gần làm chủ lực của “chiến thuật cây gậy nhỏ”, áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

Trefor Moss, biên tập viên tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh thì cho rằng, ý đồ của Trung Quốc là cho khu vực thấy “chiến thuật cây gậy nhỏ hoàn toàn không phải là “việc xấu” đối với một số nước Đông Nam Á bởi vì nó cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không muốn làm tình hình nóng quá. Từ đó sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan của các nước mà Trung quốc coi là đối tượng”.

Dựa trên thực lực quốc gia tổng hợp, hải quân Trung Quốc muốn sử dụng “chiến thuật cây gậy nhỏ” để hiện thực hoá dã tâm chiếm toàn bộ Biển Đông, giành lấy ưu thế địa – chính trị ở khu vực này nhưng lại không gây ảnh hưởng tới hình tượng vốn đang được Bắc Kinh ra sức tuyên truyền là “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc – một chính sách đầy toan tính mà đối với một số học giả Trung Quốc thì nó “vẹn cả đôi đường”.

RELATED ARTICLES

Tin mới