Ukraine sẽ tấn công căn cứ không quân, kho đạn dược và các mục tiêu quân sự khác bên trong lãnh thổ Nga một khi phương Tây thay đổi chính sách về việc dùng tên lửa tầm xa. Điều đó có rủi ro và có vượt qua lằn ranh đỏ của ông Putin?
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12-9 gửi lời cảnh báo đanh thép tới các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): Nếu Mỹ và các đồng minh cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của họ để tấn công vào lãnh thổ Nga thì điều đó có nghĩa NATO sẽ trực tiếp “có chiến tranh” với Nga.
Mỹ cân nhắc bật đèn xanh
Bình luận của ông Putin được đưa ra trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington D.C vào ngày 13-9. Dự kiến hai nhà lãnh đạo Mỹ, Anh sẽ thảo luận về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga hay không giữa lo ngại ngày càng tăng về tổn thất của Kiev trên chiến trường.
Hiện tại Mỹ chỉ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu Nga ở các vùng của Ukraine bị chiếm đóng và ở một số khu vực biên giới Nga có liên quan trực tiếp đến các hoạt động chiến đấu của Matxcơva.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ lệnh hạn chế đối với vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp, qua đó để lực lượng Ukraine có thể tấn công các sân bay, kho đạn dược, trung tâm chỉ huy… sâu bên trong nước Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy đã cùng có chuyến thăm hiếm hoi tới Kiev hôm 11-9. Ông Blinken hứa hẹn Washington sẽ nhanh chóng xem xét yêu cầu lâu nay của Kiev và “điều chỉnh khi cần thiết” để giúp Ukraine tự vệ.
Vương quốc Anh đã bắn tín hiệu đến Mỹ, cho thấy London muốn để Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow của mình để tấn công các mục tiêu quân sự Nga xa biên giới Ukraine. Nhưng họ muốn có sự cho phép rõ ràng từ ông Biden để chứng minh chiến lược phối hợp với Mỹ và Pháp. Giới chức Mỹ cho biết ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định.
Trong khi đó, truyền thông Anh đưa tin ông Biden đã sẵn sàng để Ukraine triển khai tên lửa của Anh và Pháp sử dụng công nghệ của Mỹ nhưng không phải tên lửa do Mỹ sản xuất.
Các kịch bản đáng lo
Một số nhà phân tích cho rằng nếu Ukraine đột nhiên dùng vũ khí tầm xa phương Tây để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, điều đó sẽ buộc Nga phải di chuyển máy bay của mình ra xa hơn, hạn chế khả năng của Matxcơva trong việc tiếp cận tiền tuyến và thả bom lượn…
Ukraine tin rằng việc có thể sử dụng những vũ khí tầm xa của phương Tây mà không có bất kỳ hạn chế nào sẽ giúp cuộc chiến mau chóng kết thúc. Một nguồn tin quân sự Ukraine giải thích: “Sự thay đổi chính sách như vậy sẽ cho phép chúng tôi ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga và cung cấp sự răn đe cần thiết. Tất cả đều nhằm đưa chúng tôi đến gần hơn với hồi kết của cuộc chiến”.
Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách như vậy vẫn khó có khả năng làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến, một phần vì Ukraine không sở hữu số lượng lớn vũ khí cần thiết để tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Cùng với đó là các rủi ro. Theo phân tích của báo The Times (Anh), mối nguy hiểm lớn nhất khi phương Tây thay đổi chính sách về vũ khí tầm xa là Matxcơva sẽ trả đũa và Tổng thống Putin có thể sẽ quyết định dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật bên trong lãnh thổ Ukraine – vốn được coi là lằn ranh đỏ đối với NATO. Không rõ NATO sẽ làm gì để phản ứng trong trường hợp đó, khi nguy cơ xảy ra Thế chiến 3 sẽ ngày càng lớn hơn.
Ngoài ra, có thể sẽ xảy ra một kịch bản đáng lo với Washington: Nga có thể sẽ cung cấp sự hỗ trợ, đặc biệt về mặt công nghệ, cho Iran và lực lượng ủy nhiệm của Tehran để tấn công các lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Tuần này chính quyền Mỹ đã cáo buộc Iran chuyển tên lửa đến Nga để sử dụng ở Ukraine – cáo buộc mà Tehran đã phủ nhận.
Hiện tại khó biết được ông Putin sẽ có hành động leo thang hay không và đáp trả tới mức nào nếu Mỹ và phương Tây bật đèn xanh cho Ukraine. Sau cảnh báo của ông Putin, theo báo New York Times, ngay cả với Mỹ, việc đánh giá nên “tin” ông Putin bao nhiêu phần trăm cũng là nhiệm vụ khó khăn.
Còn Thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan (thành viên NATO) ngày 13-9 tuyên bố ông không lo lắng về bình luận của ông Putin. Ông cho rằng những tuyên bố của ông Putin chỉ “cho thấy tình hình khó khăn” mà Nga đang gặp phải trên chiến trường.
Trong gần 31 tháng xung đột, ở nhiều giai đoạn, Tổng thống Biden đều lo ngại rằng việc cung cấp các loại vũ khí mới cho Ukraine hoặc cho phép quân đội Ukraine bắn vào lãnh thổ Nga sẽ vượt qua một trong những lằn ranh đỏ của ông Putin.
Những tháng đầu của cuộc chiến, ông Biden từng do dự cung cấp hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ukraine, sau đó là đối với xe tăng M1 Abrams, tiêm kích F-16 cũng như tên lửa ATACMS tầm ngắn và tầm xa. Nhưng trong mỗi trường hợp, khi chính quyền ông Biden nhận thấy rằng Tổng thống Putin có vẻ ít muốn leo thang chiến tranh so với dự đoán ban đầu, họ lại gỡ rào cản. Và lần này điều đó sẽ lặp lại?
Thông điệp rõ ràng của ông Putin
Ngày 13-9, Điện Kremlin nhắc lại Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp rõ ràng tới phương Tây về hậu quả mà họ sẽ phải đối mặt nếu cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.
“Tuyên bố của Tổng thống Putin đưa ra hôm 12-9 rất quan trọng. Nó cực kỳ rõ ràng, không mơ hồ và không cho phép hiểu theo hai chiều. Chúng tôi tin chắc tuyên bố này đã đến được với những người mà nó hướng đến”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
T.H