Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự thật về kinh tế TQ đang bị che đậy

Sự thật về kinh tế TQ đang bị che đậy

Nhưng hệ thống thông tin nội bộ của Đảng Cộng sản cũng có thể bị lỗi.

Vào ngày 16 tháng 8 vừa qua, bài viết của Triệu Kiến xuất hiện trên mạng chỉ vài giờ trước khi bị kiểm duyệt xóa. Đối với độc giả phương Tây, nội dung bài viết có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đối với một quan chức Đảng Cộng sản, nó lại chứa đầy những ý tưởng nguy hiểm. Là một nhà kinh tế được kính trọng, Triệu nói rằng ông không thể hiểu tại sao chính phủ Trung Quốc lại không nỗ lực hơn nữa để kích thích nền kinh tế. Cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong một thế hệ đã khiến sự bất ổn về tương lai “quấn chặt lấy trái tim của người dân, ” ông viết. “Thị trường không thể hiểu được logic và những động lực của những người ra quyết định. ”

Trớ trêu thay, việc bài viết này bị xóa lại càng chứng minh quan điểm của Triệu. Đội quân kiểm duyệt internet của Trung Quốc thường xuyên được lệnh xóa các bài đăng trái ngược với chính sách của Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước. Nhưng trong những năm gần đây, phạm vi của những gì được xem là quá nhạy cảm đã mở rộng nhanh chóng và hiện bao gồm nhiều cuộc thảo luận về nền kinh tế. Các học giả và chuyên gia muốn tranh luận về các vấn đề kinh tế tương đối nhỏ nhặt cũng bị bịt miệng. Các dữ liệu công từng có sẵn dần biến mất. Điều này không chỉ hạn chế thêm quyền tự do vốn đã hạn hẹp của dân thường trong việc nói lên suy nghĩ của mình, mà còn gây hại cho sự tăng trưởng bằng cách cản trở đầu tư. Trên hết, nó nhấn mạnh câu hỏi cấp bách của Triệu: chính sách kinh tế được đưa ra trên cơ sở nào? Chính phủ biết những gì mà dân thường không biết – và thông tin mà chính phủ dựa vào để đưa ra quyết định có đáng tin cậy hay không?

Độ lệch chuẩn

Dữ liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc luôn có những sai sót. Thậm chí, cựu thủ tướng Lý Khắc Cường đã từng đặt câu hỏi về tính chính xác của chúng. Các nhà kinh tế từ lâu đã phàn nàn rằng Cục Thống kê Quốc gia (NBS) không cung cấp đủ chi tiết về phương pháp luận của mình. Nhưng các nhà quan sát Trung Quốc vẫn hy vọng rằng dữ liệu sẽ dần trở nên toàn diện và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, thay vào đó, có vẻ như điều ngược lại đang xảy ra. Dữ liệu gần đây về tài khoản vốn của Trung Quốc rất mâu thuẫn – có một sự chênh lệch lớn, đến 230 tỷ đô la giữa số liệu thống kê hải quan và cán cân thanh toán trong những năm gần đây – đến nỗi Bộ Tài chính Mỹ phải lên tiếng kêu gọi các quan chức Trung Quốc làm rõ các số liệu. Lời giải thích được đưa ra rối rắm đến mức chỉ làm mọi thứ phức tạp thêm. Vào ngày 19 tháng 8, các nhà đầu tư đã thất vọng khi các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc ngừng công bố dữ liệu hàng ngày về dòng vốn nước ngoài, một thước đo quan trọng về tâm lý thị trường. Số liệu giờ đây chỉ còn được công bố theo quý.

Trong khi đó, dữ liệu được công bố ngày càng ít nhất quán với trải nghiệm thực tế của các công ty và nhà đầu tư. Các số liệu chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng đã quay trở lại mức trước đại dịch, bất chấp sự trì trệ của thị trường bất động sản và mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng thấp. Logan Wright của công ty tư vấn Rhodium Group nhận xét đây là một tuyên bố nực cười. “Vấn đề đơn giản là dữ liệu không còn phản ánh đúng thực tế kinh tế nữa, ” ông giải thích.

Việc các số liệu thống kê chính thức liên tục bị bóp méo dường như là nhằm che giấu những tin tức có thể khiến chính phủ phải xấu hổ. Ví dụ, vào giữa năm 2023, một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh đã công khai tuyên bố rằng có 16 triệu người trẻ không có việc làm không được tính trong số liệu thống kê thất nghiệp vì họ đã ngừng tìm kiếm việc làm. Nếu họ được tính đến, vị giáo sư khẳng định, tỷ lệ thiếu việc làm ở thanh niên sẽ là hơn 46%. Chỉ một tháng sau, NBS đã ngừng hẳn việc công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên thành thị. Sau đó, vào tháng 1, họ bắt đầu công bố một con số “được cải thiện và tối ưu hóa, ” và tình cờ thay, cũng thấp hơn rất nhiều. Kể từ đó, các học giả và nhà báo gần như chẳng còn gì để nói về chủ đề này.

Kinh tế là trên hết!

Những tuyên bố táo bạo của các quan chức Trung Quốc về nền kinh tế của đất nước thường không bị chất vấn, ít nhất là ở nơi công cộng. Chính phủ đã tuyên bố rằng không còn ai ở Trung Quốc phải sống trong cảnh nghèo đói tuyệt đối nữa – một kiểu khẳng định có thể dẫn đến đủ loại câu hỏi về việc liệu dữ liệu có chính xác và các tiêu chuẩn được áp dụng có đúng hay không. Tuy nhiên, hầu như không có cuộc tranh luận nào về phát biểu này trên các phương tiện truyền thông.

Tương tự, các chủ đề có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế, nhưng lại có bản chất khó xử đối với các quan chức, cũng không bị giám sát. Những nạn nhân lớn nhất của bong bóng bất động sản ở Trung Quốc là khoảng 20 – 30 triệu hộ gia đình được cho là đã trả tiền để mua những căn hộ chưa bao giờ được hoàn thành. Hiểu được những người này là ai, họ đang đối phó với tình hình kinh tế như thế nào, và có thể làm gì để giúp họ là điều quan trọng để phục hồi thị trường bất động sản. Tuy nhiên, dường như không có nhà kinh tế đang tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào về hàng triệu người bị lừa đảo này.

Tác động kinh tế đầy đủ của lệnh phong tỏa hà khắc, kéo dài, và không được lòng dân trong thời kỳ đại dịch tại các thành phố như Thượng Hải và Vũ Hán chưa bao giờ được xem xét công khai. Trong một số trường hợp, các nhà báo và nhà bình luận trên mạng xã hội dám nêu ra những chủ đề như vậy đã bị bỏ tù. Số ca tử vong thực sự do COVID – 19 ở Trung Quốc vẫn chưa được xác định. Hồi đầu năm nay, một nhà khoa học nổi tiếng sinh sống tại Thượng Hải, người đang tìm hiểu về nguồn gốc của COVID, đã bị nhốt bên ngoài phòng thí nghiệm của mình. Các quan chức dường như quan tâm đến việc kiểm soát các cuộc thảo luận về căn bệnh này nhiều hơn là tìm hiểu tác động của nó.

Ngay cả những nhà bình luận nhiệt thành ủng hộ chính phủ đôi khi cũng bị bịt miệng nếu ý kiến của họ không được chính thức chấp thuận. Hồi cuối tháng 7, Hồ Tích Tiến, một nhà báo theo chủ nghĩa dân tộc, đã ca ngợi các chỉ thị kinh tế được ban hành tại một cuộc họp gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng. Nhưng cách ông diễn giải chúng thành một lợi ích cho doanh nghiệp tư nhân rõ ràng đã làm phật lòng nhiều người. Các bài đăng có nội dung này đã bị xóa khỏi các tài khoản mạng xã hội của ông, và kể từ đó, tài khoản cũng không có bài đăng mới. Không hài lòng với việc chỉ điều tiết và quản lý thị trường và nền kinh tế, Đảng dường như cũng đang tuyên bố độc quyền trong việc diễn giải chúng.

Sự e dè khi thảo luận về nền kinh tế đã mở rộng đến các trao đổi riêng tư với người nước ngoài. Về lý thuyết, chính quyền đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư để giúp kích thích tăng trưởng. Các doanh nhân đến thăm Trung Quốc xác nhận rằng họ được mời đến rất nhiều cuộc họp. Nhưng nội dung thảo luận lại thiếu thực chất, họ phàn nàn. Một người trong nhóm doanh nhân này tiết lộ rằng bài thuyết trình của các quan chức địa phương nhằm thu hút đầu tư vào khu vực của họ ngày càng trở nên mơ hồ và rập khuôn. Có rất ít thông tin chi tiết về điều kiện kinh tế địa phương. Và việc đảm bảo các cuộc họp thực chất hơn với các cơ quan quản lý đã trở nên khó khăn hơn nhiều.

Các học giả nước ngoài cũng báo cáo những trải nghiệm tương tự. Các trường đại học rất muốn thuê các giáo sư có chuyên môn trong ngành từ nước ngoài đến để lấp chỗ trống của những người đã di cư trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, các cuộc trao đổi không chính thức đã trở nên căng thẳng hơn. Những người nước ngoài có nhiều kinh nghiệm ở Trung Quốc cho biết họ có thể gặp lại những người liên lạc cũ, nhưng các cuộc gặp gỡ của họ phải được báo cáo và được chính quyền chấp thuận. Hoàng Diên Trung của Đại học Seton Hall ở Mỹ cho biết việc tiến hành công tác thực địa ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì việc tiếp xúc với người nước ngoài có thể gây rủi ro cho người dân địa phương. Ông nói “Bạn cảm nhận được môi trường chính trị đang căng thẳng và bạn không muốn khiến mọi người gặp rắc rối. ”

Những hạn chế như vậy cũng mở rộng đến các nhà báo nước ngoài. Nhiều người đã trở về Trung Quốc sau đại dịch và nhận thấy rằng tương tác của họ với các công ty đã bị các quan chức giám sát chặt chẽ. Tại Hợp Phì, một thành phố công nghiệp, các công ty lớn của Trung Quốc đã được hướng dẫn không được trò chuyện với báo chí nếu không có sự cho phép của chính quyền địa phương. Các nhà báo được yêu cầu nộp lịch trình đi lại, chi tiết đến từng giờ, cùng với tên tuổi và thông tin liên lạc của những người mà họ dự định phỏng vấn. Một số nhà ngoại giao cũng bị đối xử tương tự.

Đối với những người ở bên ngoài Trung Quốc, việc tiếp cận thông tin về nền kinh tế thậm chí còn khó khăn hơn. Chính quyền dường như đã yêu cầu các công ty Trung Quốc chuyên bán dữ liệu doanh nghiệp hạn chế bán một số số liệu thống kê nhất định cho người nước ngoài. Chẳng hạn, một công ty trong nhóm này, Wind, đã ngừng cung cấp thông tin về chi tiêu trực tuyến vào năm ngoái cho người dùng bên ngoài Trung Quốc. Một cơ sở dữ liệu về quyền sở hữu doanh nghiệp do Qichacha, một công ty tình báo doanh nghiệp, biên soạn, hiện đã không còn có thể truy cập được từ nước ngoài. Công ty này cũng từng cung cấp dữ liệu về tình trạng phá sản, nhưng hiện tại, họ nói rằng thông tin này “quá nhạy cảm. ”

Vào đầu năm nay, khi một đặc khu kinh tế ở Thượng Hải đặt ra các quy tắc để quản lý việc sử dụng dữ liệu, họ đã cấm rõ ràng việc chuyển bất kỳ thông tin nào về giá cổ phiếu hoặc xu hướng thị trường ra nước ngoài, một quy định đáng ngạc nhiên đối với nơi mà xét cho cùng chính là trung tâm tài chính của Trung Quốc. Các nhà môi giới chứng khoán ngày càng chần chừ không muốn giao nộp các báo cáo của các nhà phân tích; những quan điểm tiêu cực về nền kinh tế hoặc chính sách của nhà nước đang dần trở nên hiếm hoi. Wright nói rằng một số loạt dữ liệu chính thức về sản lượng công nghiệp đã biến mất. Còn Rory Truex của Đại học Princeton cho biết một cơ sở dữ liệu pháp lý xuất hiện trực tuyến cách đây một thập kỷ đang trở nên kém toàn diện và khó truy cập hơn. Khi nói đến việc thu thập dữ liệu, ông nhận xét “Không có gì tốt đẹp ở Trung Quốc có thể tồn tại lâu dài. ”

Việc tiếp cận các trường đại học của Trung Quốc cũng đang trở nên hạn chế hơn, theo đó tác động đến một trong những cách chính mà người nước ngoài và người dân địa phương cải thiện hiểu biết của họ về nền kinh tế Trung Quốc. Trong thời kỳ đại dịch, các trường đại học, giống như hầu hết các không gian công cộng khác, đã bị đóng cửa; và cần phải có giấy phép đặc biệt để vào trường. Nhưng khi phần lớn Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm ngoái, cánh cửa của một số trường đại học vẫn đóng chặt. Cho đến tận hôm nay, khách đến thăm vẫn phải xin phép trước khi đặt chân vào các trường đại học này. Các học giả tại một số tổ chức đã được thông báo rằng họ phải xin phép để nói chuyện với báo chí nước ngoài. Ở một số khu vực, giấy phép này được cấp không phải bởi các quan chức của trường đại học, mà bởi các quan chức cấp tỉnh.

Kể từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012, các điều kiện hoạt động của giới học thuật đã trở nên hạn chế hơn nhiều. Vào năm 2019, một số trường đại học hàng đầu đã sửa đổi điều lệ của mình để nêu rõ lòng trung thành của họ với Đảng Cộng sản, và điều này đã gây ra một vài cuộc biểu tình nhỏ trên các khuôn viên trường. Năm ngoái, các ủy ban giám sát của đảng tại một số trường đại học đã chính thức sáp nhập với ban quản lý nhà trường. Điều đó có nghĩa là đảng đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn cách thức hoạt động của các trường đại học. Đây là một phần trong những gì Tập gọi là “giáo dục xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc,” bao gồm ưu tiên phục vụ nhu cầu của đảng hơn là các mục tiêu học thuật. Tự do học thuật đang ở một trong những mức thấp nhất kể từ Cách mạng Văn hóa, giai đoạn cuồng tín vào những năm 1960 và 1970, theo Tôn Phái Đông của Đại học Cornell.

Nhiều nghiên cứu hàn lâm vẫn tương đối không bị ràng buộc bởi các liên kết chính trị vì chúng không liên quan gì đến xã hội Trung Quốc đương đại. Chính phủ đã đổ tiền vào khoa học tự nhiên, kỹ thuật, và y học, từ đó giúp biến Trung Quốc thành một cường quốc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các học giả cho biết, việc nghiên cứu bất cứ điều gì liên quan đến các điều kiện chính trị, kinh tế, hoặc xã hội trong nước Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề dưới thời Tập.

Các trường đại học của Trung Quốc có rất nhiều giảng viên tài năng, một vài người trong số họ vẫn đang tìm cách viết về các chủ đề gây tranh cãi. Một phương pháp là gói gọn các ý tưởng quan trọng bên trong một lớp vỏ “đúng đắn về chính trị.” Chẳng hạn, tham nhũng thường là một chủ đề quá nhạy cảm để làm trung tâm của một dự án nghiên cứu, một học giả giải thích. Nhưng một dự án tập trung vào một sáng kiến nổi bật của chính phủ có thể bao gồm một phần về cách sáng kiến đó đã bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Về cơ bản, cốt lõi của nghiên cứu đã được che giấu trong một bài báo dài dòng. Tuy nhiên, những người đọc các bài báo học thuật đã quen với việc ngụp lặn trong các báo cáo dài để tìm ra những viên ngọc nhỏ của sự sáng suốt.

Các chủ đề gây tranh cãi có thể được thảo luận miễn là chúng bỏ qua bất kỳ phân tích nào về các chính sách của chính quyền trung ương. Một nhà kinh tế chuyên về Đài Loan chia sẻ rằng ông thường viết các bài báo phân tích lập trường của chính quyền Đài Loan và Mỹ, nhưng chỉ đơn giản loại trừ hầu hết thông tin về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với chủ đề đang thảo luận. Một số nhà nghiên cứu kinh tế đã xoay sở để tiến hành các cuộc khảo sát tại địa phương về các chủ đề gây tranh cãi, nhưng hiện không có ý định công bố chúng. Thay vào đó, họ đang giữ những phát hiện của mình với hy vọng rằng sẽ đến lúc an toàn để công bố chúng, Tôn tuyên bố.

Việc bóp nghẹt dòng thông tin về nền kinh tế không chỉ gây khó chịu cho các nhà đầu tư và nhà kinh tế nước ngoài. Nó cũng đặt ra cùng một câu hỏi mà Triệu đã đặt ra trong bài báo bị kiểm duyệt của mình: vậy thì Tập và các quan chức cấp cao khác đưa ra quyết định về cách quản lý nền kinh tế dựa trên cơ sở nào? Chắc chắn, họ không mò mẫm trong bóng tối. Trung Quốc từ lâu đã duy trì một hệ thống bí mật nhằm thu thập thông tin từ giới học thuật, phương tiện truyền thông, và các viện chính sách. Các nhà báo, nhà nghiên cứu, và nhà kinh tế được yêu cầu viết các báo cáo “tham khảo nội bộ”, hay nội tham trong tiếng Trung. Các tài liệu này được giao cho mọi cấp chính quyền. Các quan chức địa phương có quyền truy cập vào các phân tích do các nhà nghiên cứu địa phương thực hiện. Trong khi đó, các học giả đáng tin cậy tại các trường đại học và viện chính sách hàng đầu sẽ viết báo cáo cho các nhà lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh.

Nội dung của các tài liệu nội tham có thể gay gắt hơn nhiều so với các tài liệu dành cho công chúng. Chẳng hạn, một báo cáo có thể chứng minh rằng dù các quan chức địa phương đã rất hào hứng về sự bùng nổ của các công nghệ kỳ diệu như robot, nhưng lợi ích thực sự đối với nền kinh tế của các ngành công nghiệp này lại vô cùng nhỏ bé. Các học giả và nhà báo có thể đang sống hai mặt, vừa sản xuất các báo cáo công khai, vừa sản xuất các báo cáo chỉ dành cho giới quan chức. Ví dụ, một phóng viên tại hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã có vẻ như chỉ đang viết ra những lời nịnh hót vô nghĩa, nhưng đằng sau hậu trường, người này có thể đang viết các bài báo gây chấn động, vạch trần các công ty gây ô nhiễm hoặc các quan chức tham nhũng. Một phóng viên kiểu này nói rằng việc được phép viết các báo cáo nội bộ là một đặc ân, đồng thời lưu ý rằng việc này cũng có sự cạnh tranh gay gắt.

Các viện chính sách là trụ cột của nội tham. Dưới thời Tập, trong lúc các viện chính sách độc lập buộc phải đóng cửa, thì số các viện có liên kết với nhà nước đã tăng lên gấp bội. Cánh cửa của viện chính sách thị trường tự do nổi bật cuối cùng ở Trung Quốc, Unirule, thực sự đã bị hàn kín vào năm 2019, khiến một số nhà nghiên cứu của viện này bị nhốt bên trong trong một thời gian ngắn. Nhưng hàng trăm “viện chính sách đặc sắc Trung Quốc” đã được chính quyền thành phố và tỉnh, các bộ, và thậm chí một số công ty nhà nước thành lập. Từ năm 2018 đến năm 2020, số lượng các viện này đã tăng gần gấp ba lần, từ 507 lên 1.413. (Tuy nhiên, xu hướng này đang giảm dần: đến cuối năm ngoái chỉ còn 1.096 viện.) Hầu hết các nghiên cứu mà họ thực hiện chỉ để tham khảo nội bộ. Một nhà nghiên cứu cho biết sản phẩm của họ có thể giúp các quan chức hiểu rõ về các khía cạnh cục bộ, địa phương của các vấn đề như sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Một người khác khẳng định rằng ông có thể trình bày cởi mở về các vấn đề hành chính như khó khăn trong việc thực hiện các sắc lệnh mâu thuẫn của chính phủ.

Một số chuyên gia suy đoán rằng nền kinh tế kỹ thuật số rộng lớn của Trung Quốc đã cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách khả năng truy cập vào kho dữ liệu chất lượng cao về các công ty và người tiêu dùng theo thời gian thực. Nhà nước đang xây dựng các sàn giao dịch nơi dữ liệu mà các công ty thu thập được từ các giao dịch có thể được mua và bán. Nhưng các nền tảng này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tương tự, các cơ quan an ninh của Trung Quốc điều hành một hoạt động giám sát toàn quốc quy mô lớn, mà cốt lõi của nó là theo dõi sự di chuyển của con người và hàng hóa, cũng như các ý kiến do người dân bày tỏ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các quan chức sử dụng thông tin đó để cải thiện sự hiểu biết của họ về nền kinh tế.

Sai lầm nảy sinh trong bóng tối

Câu hỏi cuối cùng là, có bao nhiêu trong số tất cả những thông tin này đến được các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản? Thật khó để nói. Các tác giả thường khoe khoang về ảnh hưởng của các báo cáo nội tham của họ, Hoàng nói, nhưng không có dữ liệu đáng tin cậy nào cho thấy ai mới là người có tác động đến chính sách công. Một nhà nghiên cứu cho biết ông sẽ được thông báo nếu một quan chức cấp cao có ghi chú nào về một trong những báo cáo của ông, nhưng không được biết ghi chú đó cụ thể là gì. Sự xuất hiện tràn lan của các viện chính sách có thể cung cấp một số lượng lớn khuyến nghị cho các bộ phận khác nhau của chính phủ. Nhưng Bob Chen, một nhà đầu tư sống tại Thượng Hải, gần đây đã lập luận trên một podcast địa phương có tên là Bạch quan (Baiguan) rằng: việc tập trung quyền lực ở đỉnh cao của đảng có nghĩa là những người nhận không còn thẩm quyền để thúc đẩy bất kỳ cải cách nào mà các báo cáo có thể ủng hộ.

Hơn nữa, cũng dễ hiểu khi các báo cáo nội tham có xu hướng nịnh hót các nhà chức trách. Một nhà nghiên cứu của nhà nước tiết lộ rằng phân tích của ông càng tích cực thì sẽ càng được tiếp nhận. Điều đó tạo ra động lực rõ ràng để đưa ra quan điểm lạc quan về mọi thứ. Nhưng, điều ngược lại cũng đúng: nhà nghiên cứu đã nói rằng ông được tự do thảo luận về các vấn đề hành chính cũng thận trọng nói rằng ông không bao giờ chỉ trích trực tiếp các sắc lệnh chính sách từ cấp cao.

Không ai bên ngoài vòng tròn quyền lực tối cao hiểu chính xác những gì Tập đọc được và cách ông hành động dựa trên thông tin đó. Quá trình hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc luôn có phần mơ hồ, nhưng điều đó ít quan trọng hơn khi tăng trưởng còn mạnh và các nhà hoạch định chính sách còn thực dụng. Xét đến việc tăng trưởng đang xấu đi và bộ máy hành chính dần mang nặng tính ý thức hệ, tình trạng thiếu thông tin chính xác về nền kinh tế trở nên đáng lo ngại hơn nhiều. Sau cùng, nó có thể trở thành vấn đề lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cũng như đối với những người nước ngoài đang bối rối.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới