Friday, October 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự thay đổi đáng lo ngại tại căn cứ hải quân REAM

Sự thay đổi đáng lo ngại tại căn cứ hải quân REAM

Theo giới quan sát những thay đổi nhanh chóng tại căn cứ Ream của Campuchia đã làm thay đổi sự cân bằng chiến lược ở khu vực, gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Một nhóm chuyên gia đã tiến hành phân tích quá trình phát triển và hoạt động trong khu vực căn cứ hải quân Ream trong 2 năm qua kể từ tháng 6/2022 thông qua hình ảnh vệ tinh từ công ty BlackSky và đi đến kết luận rằng trong hơn 2 năm qua, căn cứ hải quân Ream đã được mở rộng nhanh chóng.

Trước đây, Mỹ từng giúp phát triển căn cứ Ream. Tuy nhiên, do sự lôi kéo, mua chuộc của Trung Quốc, chính quyền Phnom Penh đã ngả hẳn theo Bắc Kinh. Năm 2020, Campuchia đã phá dỡ một tòa nhà an ninh hàng hải do Mỹ xây ở căn cứ này để dọn đường cho Trung Quốc xây dựng. Vào thời điểm đó, giới chức Mỹ trả lời trên báo Wall Street Journal rằng Washington đã có được một bản thảo về thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc liên quan đến việc sử dụng căn cứ Ream trong tương lai. Thỏa thuận có nội dung cho phép lực lượng Trung Quốc sử dụng một nửa phía Bắc của căn cứ Ream trong thời gian 30 năm và được tự động gia hạn sau thời gian này.

Vào ngày 8/6/2022, Campuchia đã động thổ cải tạo căn cứ Ream với sự trợ giúp từ Trung Quốc. Phát biểu tại lễ động thổ, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên tuyên bố dự án này là một minh chứng về sự tôn trọng lẫn nhau và tham vấn công bằng giữa Trung Quốc và Campuchia, tuân theo luật pháp của hai nước, luật pháp quốc tế và không nhằm đến bất kỳ bên thứ ba nào. Ông Vương nhấn mạnh dự án này sẽ tăng cường đáng kể mức độ hiện đại hóa và tăng cường năng lực quân sự của Campuchia để đảm bảo chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ và quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Campuchia và thúc đẩy hợp tác quân sự của hai phía lên các tầm cao hơn. Những động thái này càng khiến dư luận lo ngại về việc Trung Quốc biến Ream thành căn cứ quân sự của Bắc Kinh.

Khi đó (tháng 10/2022), ông Hun Sen với tư cách Thủ tướng Campuchia đã khẳng định: “Về việc tiếp cận căn cứ Ream, tôi muốn tuyên bố là chúng tôi chào đón tàu từ tất cả các nước cập cảng hoặc đến tham gia thập trận chung với Campuchia, gồm Mỹ, Pháp, Canada, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Úc, chứ không riêng gì Trung Quốc. Việc cho rằng Campuchia đã trao cho Trung Quốc 50 đến 90 năm độc quyền tiếp cận căn cứ này là không có cơ sở”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tình hình diễn ra tại căn cứ hải quân Ream trong hơn 2 năm qua không đúng với cam kết của ông Hun Sen. Được sự đầu tư lớn của Trung Quốc, các công trình lớn liên tiếp mọc lên ở căn cứ Ream, khiến mạo diện của căn cứ hải quân Ream thay đổi đến chóng mặt.

Theo giới quan sát, có hơn 14 tòa nhà lớn và một cầu tàu đã được xây dựng trong 2 năm qua ở khu vực căn cứ hải quân Ream. Gần như toàn bộ khu vực có diện tích 0,76 km2 hiện có nhà cửa, đường sá và các khối bê tông, chỉ còn khoảng 8% khu vực do cây cỏ bao phủ. Qua các hình ảnh vệ tinh của công ty BlackSky có thể thấy, ở tất cả các khu vực đều có những bằng chứng về sự mở rộng nhanh chóng, cụ thể là:

Ở khu vực phía Bắc, việc dọn đất đã được thực hiện. Chỉ trong khoảng 2 năm kể từ tháng 6/2022, Campuchia đã mở đường mới, xây 4 tòa nhà lớn, ít nhất 4 tòa nhà nhỏ và một số cấu trúc không rõ. Từ tháng 2/2024 đến nay, dường như Campuchia đã đập bỏ một số tòa nhà cũ ở phía ven biển để xây dựng thêm một số thứ khác (mà theo hình ảnh vệ tinh chưa thể đưa ra kết luận là công trình gì).

Ở khu vực phía Nam, việc san ủi đất đã được triển khai nhanh chóng. Vào tháng 10/2023, Campuchia đã dọn dẹp mặt bằng ở phía nam và một năm sau đã dựng lên các trụ bê tông. Một số xà lan xuất hiện ở đây, dường như đang thực hiện nạo vét tại cầu cảng mới xây. Nhà nghiên cứu Thomas cho rằng “những xà lan này có thể chở vật liệu xây dựng hay vật liệu gì đấy”. Vào tháng 6/2024, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một cầu cảng hình chữ U. Ở phần phía Đông Nam, có tổng cộng 6 tòa nhà đã được dựng lên trên mặt bằng đã được dọn dẹp. Cùng với các tòa nhà là sự xuất hiện những con đường rõ ràng và thêm các trụ bê tông bên con đường chính.

Ở khu vực phía Đông, chỉ trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12/2022, Campuchia đã san phẳng diện tích khoảng khoảng 9ha và bắt đầu dựng lên các trụ bê tông. Một năm sau, bốn tòa nhà lớn đã được dựng lên. Trong cùng khu vực, dường như là bốn kho chứa nhiên liệu đã được xây dựng từ tháng 8 đến tháng 12/2023, sau đó sơn phủ xanh vào cuối tháng 4/2024. Theo ông Thomas H. Shugart III, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm An ninh Tân Hoa Kỳ hai tòa nhà bên phải có thể là doanh trại, hai tòa nhà bên trái có thể là tòa nhà hành chính và sân thể thao ở giữa. Về các kho nhiên liệu, chuyên gia Thomas đánh giá đây có thể là kho nhiên liệu cho tàu chiến hoạt động. Hai khối nhà nằm gần đó dường như là bãi đậu xe.

Ở khu vực trung tâm của căn cứ Ream, cầu cảng mới được bắt đầu xây hồi tháng 5/2023 và sau đó tăng tốc phát triển căn cứ trong khoảng từ tháng 11 đến 12/2023. Vào tháng 12/2023, các tàu chiến của Trung Quốc đã cập cầu tàu này trong ít nhất một tháng. Đến tháng 4/2024, những chiếc tàu giống như vậy lại xuất hiện. Hình ảnh từ BlacSky cho thấy những tàu chiến Trung Quốc này đã đậu tại cảng ít nhất trong 7 tháng, tính đến tháng 6/2024.

Hai tàu hộ vệ lớp Giang Đảo (Type 056) được phát hiện ở cầu tàu mới được xây trong khu vực này từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024, theo những hình ảnh từ công ty BlackSky. Theo các nhà quan sát, các con tàu nói trên chỉ rời Ream có ba lần trong khoảng từ ngày 1/12/2023 đến 19/5/2024 và di chuyển cùng nhau, không riêng rẽ từng tàu. “Đây là những tàu hộ vệ lớp Giang Đảo với chiều dài 90 mét và chiều rộng tối đa là 11,14 mét”.

Ông Thomas H. Shugart III, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm An ninh Mỹ, phân tích với tốc độ và quy mô xây dựng hiện tại thì Campuchia không có đủ sức để làm. Hình ảnh vệ tinh chưa đủ bằng chứng để khẳng định về tình hình xây dựng các công trình trên thực tế ở căn cứ Ream. Mục đích xây dựng vẫn là bí mật giữa Phnom Penh – Bắc Kinh và công năng của các tòa nhà mới được xây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Ông Thomas H. Shugart III đánh giá: “Tôi nghĩ rất có thể Trung Quốc đã xây bởi những tòa nhà này làm tôi liên tưởng tới những tòa nhà tôi đã thấy ở các căn cứ nước ngoài của Trung Quốc tại Djibouti và các đảo nhân tạo ở Đông Nam Á. Với quy mô xây dựng như vậy, sẽ là rất đáng ngạc nhiên nếu các công ty Campuchia thực hiện”.

Mới đây nhất, sau khi phân tích các dữ liệu vệ tinh từ Planet Labs, chuyên gia Thomas H. Shugart III còn cho biết Một ụ khô có thể được dùng để bảo hành các tàu ngầm Trung Quốc vừa được xây dựng ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Theo đó, một ụ khô có kích thước khoảng 140 mét độ dài và đường vào cạnh đó; một cầu tàu dài 270 mét đi dọc mép phía nam của căn cứ Ream.

Ông Shugart cho biết: “140 mét là quá ngắn cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc, nhưng đúng kích thước cho tàu ngầm”. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có khoảng 60 tàu ngầm và phần lớn các tàu này có độ dài ngắn hơn 100 mét. Tuy nhiên, các tàu khu trục, tuần dương và tàu hộ vệ mới của Trung Quốc lại có kích thước lớn hơn nhiều. Theo chuyên gia Shugart, ụ khô mới chỉ vừa đủ lớn cho tàu hộ tống Type 056 như loại đã từng có mặt ở căn cứ Ream hồi tháng 12 năm ngoái. Ông cho rằng, đây là một khoản đầu tư lớn nếu chỉ để sử dụng cho tàu hộ tống; đồng thới lưu ý rằng công trình mới ở Ream rất giống như công trình ở căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở Thanh Đảo: khoảng 140 mét độ dài và đường vào cho các tàu nhỏ.

Giới phân tích nhận định việc căn cứ hải quân Ream có thể được dùng cho tàu ngầm Trung Quốc có thể làm thay đổi cân bằng quân sự ở Biển Đông và đây là tính toán mang tính chiến lược của Bắc Kinh bởi lẽ khoảng cách từ Ream đến eo Malaccca chỉ bằng một nửa khoảng cách từ căn cứ quân sự ở đảo Hải Nam, Trung Quốc tới eo Malacca – một điểm chiến lược quan trọng và khoảng cách đến đó rất quan trọng đối với các tàu ngầm không hạt nhân chậm.

Chuyên gia Thomas H. Shugart III cảnh báo trong trường hợp có đụng độ ở Biển Đông, sự hiện diện của các tàu ngầm trong Vịnh Thái Lan có thể cho hải quân Trung Quốc “một hướng tiếp cận khác”. Các chuyên gia quân sự cho rằng trong bối cảnh, các hành động gây hấn hung hăng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Biển Đông khiến leo thang căng thẳng thì rõ ràng việc Bắc Kinh triển khai tàu ngầm ở căn cứ Ream của Campuchia sẽ tạo thêm một nguy cơ mới đối với các nước ven Biển Đông, nhất là đối với Việt Nam.

Một vài ý kiến nhận định đúng là cái âu tàu 140 mét quá ngắn để cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc, nhưng vẫn còn khả năng nó phục vụ cho các tàu nhỏ của Campuchia chẳng hạn như Campuchia có thể mua vài con tàu lớp 56 và Trung Quốc cử tàu tới để huấn luyện trước về mặt hậu cần. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quân sự đều cho rằng khả năng quân cảng Ream cùng các cơ sở thiết bị của nó được dùng cho các mục tiêu quân sự của Trung Quốc thì cao hơn nhiều bởi những thay đổi và công trình mới được xây dựng ở quân cảng này quá lớn so với nhu cầu của hải quân Campuchia.

Chỉ nhìn vào riêng cái âu tàu thì cũng không phải là vấn đề lớn, song nếu đặt nó trong tổng thể cả quân cảng Ream thì lại là điều đáng lo ngại bởi sau 2 năm được Trung Quốc đầu tư xây dựng các chuyên gia quân sự đều thấy quân cảng này quá lớn so với nhu cầu của hải quân Campuchia. Xét năng lực hải quân của Campuchia thì kể cả trong trường hợp được đầu tư hiện đại hoá thì cũng chưa cần đến một quân cảng như vậy. Do vậy, nhiều học giả cho rằng quân cảng đó được xây dựng cho nước khác chứ không phải cho một lực lượng hải quân còn yếu như Campuchia. Và nước khác đó ở đây là Trung Quốc.

Theo một số nguồn tin thì Mỹ và Nhật Bản đã từng yêu cầu được ghé qua căn cứ hải quân Ream nhưng Campuchia từ chối. Tháng 6/2021, Đại tá Marcus M. Ferrara, Tùy viên quân sự Mỹ, đã đến căn cứ Ream. Chuyến đi này được thực hiện theo sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với ông Hun Sen, thủ tướng của Campuchia vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh sau đó thông báo rằng quân đội Campuchia đã không cho Đại tá Ferrara tiếp cận đầy đủ. Lúc bấy giờ, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan đã trả lời rằng quân đội Campuchia có quyền không cho phép việc tiếp cận bất kỳ khu vực nào để không gây tổn hại đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Phay Siphan nói: “Tại các khu vực quân sự ở các quốc gia, người ta sẽ không cho phép bất kỳ ai xem xét từ đầu tới cuối như xem phim được”.

Căn cứ Ream nằm rất gần Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quốc khoảng 30 km Việt Nam cũng có căn cứ tàu ngầm ở Cam Ranh tại tỉnh Khánh Hoà, nơi có sáu tàu ngầm kilo của Nga. Việc tàu ngầm Trung Quốc hiện diện ở căn cứ Ream là nhằm “hoá giải” ưu thế của tàu ngầm Việt Nam ở Cam Ranh. Chuyên gia Nguyễn Thế Phương thuộc Đại học New South Wales ở Australia cảnh báo: “Việt Nam nên theo dõi sát tình hình, đặc biệt nếu Campuchia xây dựng một đường băng gần đó”. Chuyên gia này dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đường băng ở đây để biến Ream thành một căn cứ quân sự hoàn chỉnh của Bắc Kinh ở khu vực. Điều này tạo ra nguy hiểm lớn đối với cả khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới