Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếBiển Đông sẽ ra sao nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng?

Biển Đông sẽ ra sao nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng?

Ngày 28/6/2024, ông Trump và ông Biden đã lần đầu tiên tranh luận trực tiếp trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Với việc ông Donald Trump trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, triển vọng chiến thắng của ông Trump cũng là chủ đề tranh luận của giới tinh hoa Trung Quốc.

Họ lo ngại việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại thậm chí còn nóng hơn, với những thiệt hại kinh tế tiềm tàng rất lớn. Giới chuyên gia nhận định mối lo ngại của Bắc Kinh là điều dễ hiểu bởi ông Donald Trump luôn là người khó đoán định, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính ông Trump là người phát động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và được tiếp tục triển khai dưới thời Tổng thống Biden, khiến Bắc Kinh đối mặt với nhiều khó khăn.

Vậy vấn đề Biển Đông sẽ ra sao nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng cũng được giới phân tích hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc cưỡng ép, bắt nạt láng giềng ven Biển Đông. Chúng ta còn nhớ tại Diễn đàn cấp cao APEC tháng 11/2017, ông Trump chính thức đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Hiện Biển Đông và Eo biển Đài Loan đang trở thành tâm điểm căng thẳng địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do những hành động hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã đảm nhận một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và cân bằng quyền lực.

Tuy nhiên, với những bấp bênh xung quanh khả năng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ có một nhiệm kỳ thứ hai, đã có những câu hỏi quan trọng được đặt ra về định hướng chính sách tương lai của Mỹ trong khu vực. Chính quyền trước đây của Trump đã theo đuổi chiến lược can dự và răn đe chiến lược để chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tự do hàng hải và hiện diện quân sự ở Biển Đông. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông cũng được định hình bởi sự khó đoán và mang tính ngoại giao kiểu giao dịch, làm dấy lên lo ngại về tính nhất quán và hiệu quả trong chính sách của Mỹ.

Trong bối cảnh chính trị thay đổi, các bên liên quan đang theo dõi chặt chẽ đường hướng can dự của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thừa nhận những tác động quan trọng của hành động can dự đó đối với sự ổn định và an ninh khu vực.

Những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra mối lo ngại rộng rãi đối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có lợi cho Philippines và vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ mở rộng của Trung Quốc trong khu vực, Bắc Kinh vẫn khẳng định yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông và luôn tìm mọi cách để thực hiện các yêu sách này. Trong số đó phải kể đến việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự, làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines và Malaysia. Việc Trung Quốc coi thường chủ quyền của các quốc gia khác đã dẫn đến việc quân sự hóa gia tăng và làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra xung đột. Đặc biệt, trong hơn một năm trở lại đây, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động gây hấn với Philippines từ bắn tia lazer cấp độ quân sự nguy hiểm đến việc phun vòi rồng, đâm va vào các tàu công vụ của Philippines, thậm chí gây thương tích cho thủy thủ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines gần khu vực Bãi Cỏ Mây.

Tương tự, căng thẳng ở Eo biển Đài Loan đã leo thang khi Trung Quốc gia tăng áp lực buộc Đài Loan phải chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” của mình. Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan và tăng cường cô lập ngoại giao đối với hòn đảo này nhằm mục đích ép buộc hòn đảo phải tuân theo ý mình. Những hành động như vậy nhấn mạnh quyết tâm của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.

Căng thẳng gia tăng ở cả hai khu vực đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự ổn định và an ninh khu vực, làm dấy lên lo ngại về khả năng đối đầu quân sự và sự cần thiết phải có nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lâu năm này. Để đáp lại những hành động hung hăng của Trung Quốc, Mỹ đã áp dụng chính sách can dự và răn đe chiến lược trong khu vực. Cách tiếp cận này bao gồm việc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và duy trì sự hiện diện quân sự rõ ràng để duy trì luật pháp quốc tế, hỗ trợ các đồng minh và ngăn chặn mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Bằng cách thể hiện cam kết của mình đối với sự ổn định và an ninh khu vực, Mỹ nhắm tới mục tiêu cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Giới phân tích nhận định dù ai là ông chủ Nhà Trắng thì mục tiêu của chính quyền Washington vẫn là bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó tự do biển cả được coi là giá trị lâu nay của Mỹ thì bất cử Tổng thống nào của Mỹ cũng phải bảo vệ. Hơn thế nữa, nhìn lại 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Trump, có thể thấy Washington đã làm được nhiều việc mang tính đột phá đối với Biển Đông

Chính trong thời cầm quyền của ông Trump, Mỹ đã lần đầu tiên đưa ra một quan điểm pháp lý rõ ràng nhất đối với Biển Đông qua việc Washington gửi công hàm lên Liên hợp quốc đầu tháng 6/2020 và ra tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định lập trường pháp lý đối với các tranh chấp Biển Đông, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc và yêu cầu tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực. Điều này đã tạo ra một cuộc chiến pháp lý xung quanh các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với sự tham gia của nhiều đồng minh của Mỹ như Úc, Anh, Pháp, Đức, Newzealand….tạo cơ sở pháp lý cho việc can dự mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh của Mỹ vào Biển Đông trong giai đoạn Donald Trump cầm quyền. Hơn thế nữa, cựu Tổng thống Trump cũng chính là người đã tiến hanh các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và tổ chức liên quan tới việc bồi đắp mở rộng và quân sự hóa các thức thể ở Biển Đông.

Mặt khác, giới phân tích cho rằng hiện quan điểm của những người trong chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Trump trước đây và có thể tiếp tục tham gia chính phủ mới nếu ông Trump tái cử  vẫn rất “thù địch” với Trung Quốc. Tiêu biểu là ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại có ảnh hưởng của Trump. Trong giai đoạn từ 2017-2021, ông Lighthizer đã mở cuộc điều tra về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc và viện dẫn Điều 301 của luật thương mại của Mỹ, để ông Trump trừng phạt các đối tác thương mại không chơi công bằng và tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo quan điểm của ông Lighthizer, Trung Quốc gây ra mối nguy hiểm lớn hơn bao giờ hết đối với nước Mỹ. Trong cuốn sách “Không có thương mại nào là tự do” (“No Trade is Free”) xuất bản năm 2023, ông Lighthizer cho rằng Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất mà nước Mỹ và hệ thống chính phủ dân chủ tự do phương Tây phải đối mặt kể từ Cách mạng Mỹ”. Cuốn sách nêu một số đề xuất cứng rắn, bao gồm sàng lọc các khoản đầu tư của Trung Quốc không chỉ vì lý do an ninh, mà còn vì “tác hại kinh tế lâu dài”; đồng thời đề xuất một đợt tăng thuế lớn nữa với mục tiêu “thương mại cân bằng” – nghĩa là không có thâm hụt thương mại hàng hóa nào cả.

Giới quan sát nhận định một khi ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ 2, ông Lighthizer sẽ là một cánh tay đắc lực của ông Trump và một chính sách cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực, thậm chí thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc có thể lên tới 60%. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức rất lớn hiện nay, điều này sẽ là “một cơn ác mộng” đối với Bắc Kinh và chắc chắn nó sẽ tác động nhiều mặt tới an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.

Tuy nhiên, điều khiến giới quan sát có phần lo ngại là mối quan hệ căng thẳng của Trump với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á có thể làm suy yếu sự gắn kết với họ về chính sách Trung Quốc nếu ông tái đắc cử. Với tư cách ông chủ Nhà trắng trong nhiệm kỳ thứ 2, liệu ông Trump có tiếp tục thúc đẩy những tiểu đa phương đang được hình thành ở khu vực dưới thời Tổng thống Biden hay không đang là câu hỏi được đặt ra đối với các nhà phân tích bởi các tiểu đa phương này đang là những yếu tổ quan trọng ngăn chặn sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong khu vực.

Cách tiếp cận của cựu Tổng thống Trump đối với khu vực đã tạo ra những yếu tố khó lường thông qua chính sách ngoại giao kiểu giao dịch của ông. Trong khi chính quyền trước đây của ông có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc với các biện pháp như áp thuế và trừng phạt các thực thể Trung Quốc, ông Trump cũng theo đuổi mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này gây ra những biến động trong chính sách của Mỹ, với những thời điểm hợp tác xen kẽ với những thời kỳ căng thẳng gia tăng.

Nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử vào tháng 11/2024, chính sách của ông đối với Biển Đông và Eo biển Đài Loan được cho là sẽ tiếp tục duy trì các lợi ích then chốt của Mỹ trong khu vực. Trong số đó sẽ bao gồm những ưu tiên về tự do hàng hải, bảo vệ luật pháp quốc tế và hỗ trợ các đồng minh như Đài Loan. Tuy nhiên, trong khi chính quyền trước đây của Trump thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, quan hệ cá nhân của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm dấy lên lo ngại về tính liên tục trong cách tiếp cận của ông trong nhiệm kỳ thứ hai. Trump gần đây từng nói với Fox News: “Tôi rất thích Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy là một người bạn rất tốt trong nhiệm kỳ của tôi”.

Xu hướng ưu tiên những lợi ích ngắn hạn của Trump và việc ông sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán có đi có lại với các đối thủ có thể làm suy yếu những nỗ lực nhằm duy trì một môi trường an ninh ổn định và có thể dự đoán được trong khu vực. Do đó, mặc dù các mục tiêu chiến lược tổng thể trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan có thể vẫn nhất quán, nhưng cách thức theo đuổi chúng có thể thay đổi tùy thuộc vào các quyết định chiến thuật của Trump cũng như các cuộc đàm phán sâu rộng hơn với Trung Quốc.

Việc quản lý hiệu quả xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng, tập trung vào sự ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và hợp tác giữa các bên liên quan. Mặc dù Mỹ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự cân bằng trong khu vực, nhưng tính nhất quán và rõ ràng về mặt chiến lược trong chính sách của nước này là điều tối quan trọng.

Trong bối cảnh có khả năng ông Trump sẽ có nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, chính sách của Mỹ có thể tiếp tục ưu tiên răn đe và can dự chiến lược với Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận ngoại giao và quan hệ cá nhân của Trump với Tập Cận Bình có thể dẫn tới nhiều điều không chắc chắn, gây nguy hiểm cho cách tiếp cận mang tính nguyên tắc và chiến lược cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ khi nước này thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.  Ông Tập Cận Bình sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới: hai ứng viên có khả năng sẽ đặt ra cho Trung Quốc những thách thức rất khác nhau. Nhưng ngay cả khi chờ đợi kết quả, ông Tập cũng đã biết rằng dù nền chính trị Mỹ có bị chia rẽ đến đâu, sự thù địch đối với Trung Quốc hiện là vấn đề được cả lưỡng đảng ủng hộ và đã ăn sâu vào tâm lý người Mỹ. Đối với ông Tập và đối với nước Mỹ, chu kỳ bầu cử giờ đây là một phần của cuộc đấu tranh lâu dài. Trong dư luận Trung Quốc, có những ý kiến cho rằng Trump sẽ làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh, thậm chí có người còn thốt lên trên mạng rằng thế giới sẽ “không bao giờ hòa bình” khi có ông Trump ở bên cạnh. Tóm lại, một tâm lý lo ngại việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đang lan rộng ở Trung Quốc. Chúng ta cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra đối với Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới