Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSau phán quyết của PCA, quân sự hóa biển Đông là "tất...

Sau phán quyết của PCA, quân sự hóa biển Đông là “tất yếu”?

Channel NewsAsia (Singapore) cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng quân sự hóa ở biển Đông, bất chấp phán quyết vụ kiện biển Đông có lợi cho họ hay không.

Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, lên máy bay cảnh báo sớm E-2C khi thị sát tàu sân bay USS John C. Stennis đang lưu thông trên biển Đông hôm 5/6. (Ảnh: Huanqiu)

Channel NewsAsia hôm 4/7 phân tích, các chuyên gia về luật hiểu rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đối với vụ kiện biển Đông do Philippines làm nguyên đơn chỉ là “sự ràng buộc về mặt lý thuyết”.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn sẽ phớt lờ các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 hay phán quyết của PCA.

Theo đài này, gia tăng quân sự hóa là xu hướng hành động tất yếu của Bắc Kinh, bất kể phán quyết có lợi cho bên nào.

Khả năng nước này lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, triển khai máy bay và tên lửa đến Bãi cạn Scarborough hay khởi động xây dựng các đảo nhân tạo mới… là những gì dư luận quốc tế quan ngại những ngày qua.

Phía Mỹ cũng bày tỏ lo ngại đặc biệt trước nguy cơ Trung Quốc thúc đẩy việc chiếm lĩnh Bãi cạn Scarborough về dài hạn.

Channel NewsAsia nhận định, quân sự hóa ở biển Đông gần như không thể tránh khỏi. Chính truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng không né tránh luận điểm này.

Cuộc tập trận phi pháp của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) từ 5-11/7, ngay trước thềm phán quyết của PCA, được quan chức Bộ quốc phòng nước này tuyên bố là “hoạt động quân sự theo lịch trình”.

Tuy nhiên, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngang nhiên tuyên bố tập trận “cũng là một hình thức chuẩn bị về quân sự”, giống như những gì phương Tây chỉ trích Trung Quốc.

CCTV dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã chỉ trích việc quốc tế hóa vấn đề biển Đông và Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra PCA.

Ông này tuyên bố: “Đằng sau tòa trọng tài quốc tế, bản chất vấn đề là cuộc đối đầu giữa các nước lớn, mà việc tổ chức tập trận trên biển Đông ở một mức độ nhất định chính là sự sẵn sàng về quân sự, đồng thời là phản ứng tỏ thái độ (của Trung Quốc).”

Chuyên gia Trung Quốc Hình Ân Thạc của Trung tâm hợp tác đổi mới nghiên cứu biển Đông không ngần ngại khẳng định: “Bản thân cuộc tập trận (phi pháp) ở Hoàng Sa chính là một sự đe dọa (nhằm vào các ‘đối thủ’ của Trung Quốc-PV).”

Tạp chí The National Interest (Mỹ) ngày 4/7 cho hay, Mỹ là quốc gia duy nhất bố trí quân lực ở phần lớn các khu vực của châu Á kể từ sau Thế chiến II, nhưng đến nay Trung Quốc đã tích lũy lực lượng quân sự đủ để cạnh tranh với Washington.

Bắc Kinh muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt khu vực. Tham vọng này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ…

Mỹ đáp trả sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng chính sách “xoay trục châu Á”, Nhật Bản sửa đổi hiến pháp cho phép quân đội chiến đấu ở nước ngoài, trong khi Ấn Độ thực hiện chiến lược “hướng Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới