Thursday, December 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCách chặn “cơn lũ” hàng giá rẻ TQ của Nhật

Cách chặn “cơn lũ” hàng giá rẻ TQ của Nhật

Người tiêu dùng thường hướng đến các sản phẩm rẻ hơn, đặc biệt là các mặt hàng thông dụng như khăn tay. Tuy nhiên, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Nhật Bản đã chứng minh rằng sản phẩm đắt tiền hơn vẫn có thể được người tiêu dùng ưa chuộng.

Được sự hậu thuẫn của công ty mẹ Itochu, FamilyMart đã ra mắt dòng sản phẩm quần áo Convenience Wear vào tháng 3/2021. Mặc dù Itochu có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh hàng dệt may, một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về việc bán tất, khăn tay và khăn tắm tại các cửa hàng tiện lợi.

Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Dòng sản phẩm Convenience Wear đã thành công rực rỡ, đạt mức tăng trưởng doanh số 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả là nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với “khăn tay”, loại vải cotton hình vuông 25×25 cm.

Mặt hàng này được sản xuất tại Imabari, tỉnh Ehime của Nhật Bản, nổi tiếng với nguồn nước lý tưởng để nhuộm vải. Dù vậy, các nhà sản xuất khăn địa phương đang phải vật lộn với dòng khăn nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Khăn tay Imabari trở thành thương hiệu quốc gia với sự hỗ trợ của chính quyền trung ương. Giám đốc nghệ thuật nổi tiếng Kashiwa Sato cũng được mời để thiết kế logo riêng cho dòng sản phẩm này.

FamilyMart đã tham gia vào thị trường vào năm 2021, đặt mặt hàng khăn tay Imabari bên cạnh những sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Nhiều khách hàng thích khăn của Nhật đến mức sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua.

Có hai yếu tố chính đằng sau thành công của khăn tay FamilyMart/Imabari đó là giá cả và xu hướng tiêu dùng.

Mỗi sản phẩm có giá bán là 600 yên (4 USD), cao hơn 100 yên so với các sản phẩm của Trung Quốc. Mức giá này khiến khách hàng cảm thấy sản phẩm Imabari chất lượng hơn.

Nhu cầu chung về khăn tay ở Nhật Bản cũng tăng lên kể từ khi Covid-19 bùng phát vào năm 2020, khiến mọi người rửa tay thường xuyên hơn. Nhiều phòng vệ sinh công cộng và văn phòng không cung cấp khăn giấy. Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng mang theo những chiếc khăn nhỏ để lau mặt hoặc lau mồ hôi trong mùa hè nóng nực và oi bức của Nhật Bản. Những thói quen này khiến người tiêu dùng sẵn sàng đầu tư vào chiếc khăn chất liệu mềm mại và tốt hơn.

Kết quả là, trong khi các mặt hàng quần áo không đóng góp đáng kể vào doanh số chung của công ty, khăn tay và tất đã trở thành sản phẩm đặc trưng. Trong ba năm rưỡi kể từ khi các mặt hàng này ra mắt, 7 triệu chiếc khăn tay và 20 triệu đôi tất đã được bán ra.

Năm nay, khăn tay do FamilyMart hợp tác sản xuất với Fuji Rock Festival gần như đã bán hết. Một số mặt hàng được giao dịch trực tuyến với giá cao gấp đôi giá gốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới