Cục diện Trung Đông sau một năm chiến tranh Gaza bùng nổ sẽ ra sao? Tương lai của Trung Đông thời gian tới sẽ ra sao? Đó những câu hỏi đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu thế giới.
Ngày 7/10/2023, xung đột Israel – Hamas bùng nổ. Lực lượng Hamas bất ngờ tấn công qua biên giới, khiến khoảng 1.200 người ở Israel thiệt mạng và 250 khác bị bắt làm con tin. Theo các cơ quan y tế ở Gaza, các đòn tấn công trả đũa của Israel đã khiến gần 42.000 người Palestine thiệt mạng và 90% số dân ở dải đất này phải di dời.
Một năm đã trôi qua với những diễn biến phức tạp, căng thẳng. Máu của người dân vô tội tiếp tục đổ xuống. Bệnh tật và chết chóc đe dọa từng ngày đời sống người dân trên Dải Gaza. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Và nguy hiểm nhất là một cuộc chiến tranh toàn diện có nguy cơ lan khắp Trung Đông. Muốn ngăn chặn nguy cơ chiến tranh lan rộng thì phải hiểu sâu sắc lịch sử và những nguyên nhân của mối thù hận lâu dài để tìm cách hóa giải, tìm tiếng nói chung.
Hàng trăm năm nay, lịch sử Trung Đông là sự xoay tròn của những mâu thuẫn khi ngấm ngầm lúc cao trào về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo. Mâu thuẫn và xung đột xảy ra chủ yếu giữa người Ả Rập với người Do Thái, điển hình là xung đột của nhà nước Israel với các nhà nước Hồi giáo chung quanh.
Trong nhiều thập niên Israel cũng từng phải đối mặt với cuộc chiến tranh được tiến hành bởi thế giới Ả Rập. Người Do Thái đã không dễ dàng bị khuất phục. Sang thế kỷ 21, tuy mâu thuẫn giữa hai dân tộc còn tồn tại dai dẳng nhưng đã được kiềm chế để tránh nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Không xảy ra chiến tranh quy mô lớn, thế nhưng, liên tiếp xuất hiện các nhóm vũ trang liên kết với nhau, tạo nên “trục kháng chiến”. Trục này do Iran làm nòng cốt có xu hướng không đội trời chung với Israel. Dần dần hình thành nên một cục diện Trung Đông ẩn chứa nhiều bất ổn, nhiều khi như một thùng thuốc súng, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện. Những hành động tấn công vào thường dân của Israel cũng đã bị chỉ trích tại Liên hợp quốc, vì nó vi phạm luật pháp quốc tế và có thể cấu thành tội ác chiến tranh”.
Đó là chuyện đã và đang xảy ra. Còn tình hình sắp tới sẽ ra sao?
Nhận định về hai nhân tố đối đầu chính là Iran và Israel, có thể thấy căng thẳng tiếp tục gia tăng. Song, thời gian tới, ít nhất còn ba tháng nữa kết thúc năm 2024, khó có thể diễn ra cuộc đối đầu quân sự trực diện giữa Tel Aviv với Tehran.
Thử phân tích tình hình Iran. Với rào cản hơn 2000km giao tranh qua lại bằng vũ khí tầm xa sẽ tối ưu hơn so với đổ bộ. Iran lại có các đồng minh cật ruột là lực lượng Hamas, Hezbollah, Houthi. Do vậy Iran có thể tấn công Israel lần nữa nhằm khẳng định: Israel không bao giờ đánh bại được Hamas, Hezbollah! Hôm 8/10, Tehran tuyên bố: “Nếu Israel có hành động, chắc chắn Iran sẽ phản công. Chúng tôi có danh sách nhiều mục tiêu của Israel và có thể san phẳng bất kỳ nơi nào mà chúng tôi muốn”.
Đây là cách Iran trấn an cho các nhóm trong “Trục kháng chiến”. Họ cần một hành động thực tế để chứng minh khả năng lãnh đạo Trục này của mình. Cố nhiên, lợi ích dân tộc là trên hết. Tehran không thể vì các nhóm này mà phải chiến đấu với Israel bằng mọi giá. Cũng như “Trục kháng chiến” hoạt động vì lợi ích nhìn thấy ở nhau, chứ không phải sự gắn kết chặt chẽ, bài bản. Chưa kể, Iran với Hamas, Hezbollah, Houthi có sự khác biệt trong tôn giáo, giữa một bên là dòng Shia và bên kia là Sunni.
Nếu so sánh về tiềm lực quân sự giữa Israel và Iran thì không có quá nhiều chênh lệch. Mỗi bên đều có những lợi thế riêng. Ai biết tận dụng lợi thế thì sẽ giành thế chủ động và chiến thắng. Do khoảng cách địa lý, sức mạnh bộ binh của Iran bị giới hạn ngược lại. Nếu chiến đấu trên không, Israel sẽ chiếm ưu thế hơn khi được cung cấp các loại máy bay hiện đại của Mỹ. Israel cũng luôn tự hào về hệ thống Vòm sắt, biểu thị sức mạnh phòng không vượt trội, tránh được sự tấn công bất ngờ.
Đó là vũ khí, còn con người thì sao? Hiện tại, nội bộ của Iran đang phân nhóm, sau khi nước này có Tổng thống mới Masoud Pezeshkian. Ông thuộc phe cải cách, luôn có chủ trương cải thiện quan hệ với phương Tây. Có điều, ở Iran, Tổng thống không phải người quyền lực nhất. Quyền lực tối cao thuộc về Giáo chủ Ali Khamenei và Hội đồng An ninh quốc gia. Giáo chủ mới có quyền xem xét và quyết định phương hướng hành động của đất nước.
Ngược lại, ở Israel, Thủ tướng Netanyahu lại nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, binh lính Israel về cuộc chiến ở Gaza, Liban. Người dân Israel cho rằng, người Do Thái buộc phải nổ súng là hành động tự vệ chính đáng vì họ bị tấn công trước (!).
Một vấn đề nữa về tương quan lực lượng, Israel cho rằng, Hamas, Hezbollah và Houthi chỉ là tổ chức khủng bố với tiềm lực được các nhà nước Hồi giáo tài trợ. Họ không đủ sức chiến đấu lâu dài để đe dọa đến lợi ích cốt lõi của Israel tại khu vực. Jerusalem không ngần ngại chuẩn bị cho chiến tranh lâu dài. Họ cho rằng, chính cuộc chiến ở Gaza tạo ra cơ hội để Israel tiến hành tiêu diệt tận gốc các tổ chức cản đường. Còn Iran không phải mục tiêu để Israel phải chiến đấu đến cùng, vì một lẽ đơn giản: lợi ích đạt được sẽ thấp hơn những gì phải bỏ ra.
Qua phân tích nêu trên thấy rằng, điều đáng quan tâm hiện nay là, nếu Israel lại điên đầu tấn công trả đũa thì Trung Đông sẽ bị đẩy vào kịch bản tồi tệ, lặp lại – “ăn miếng trả miếng”. Và nếu như cuộc chiến Israel – Iran không xảy ra, thì tình hình tại Liban cũng thật sự lo ngại.
Về giải pháp căn cơ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài qua nhiều thập niên giữa Palestine và Israel chỉ có thể được giải quyết dựa trên Giải pháp hai nhà nước. Đây cũng được coi là con đường duy nhất chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza hiện nay. Việc kết nạp Palestine trở thành thành viên chính thức, đầy đủ của Liên hợp quốc sẽ là bước đi có lợi nhất cho giải pháp hai nhà nước, tạo nền tảng cho đàm phán bình đẳng giữa các bên và là bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình bền vững ở Trung Đông.
H.Đ