Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMalaysia không im lặng nữa

Malaysia không im lặng nữa

Không quyết liệt như Philippines, lâu nay Malaysia giữ thái độ ôn hòa với Trung Quốc. Thậm chí Kuala Lumpur còn lên án Mỹ và phương Tây “ép” nước này phải chọn bên. Thế nhưng, gần đây chính phủ Malaysia tỏ thái độ khác hẳn.

Theo các nhà bình luận, những diễn biến chính trị gần đây trên trường quốc tế đã có nhiều thay đổi. Thái độ của các nước trong khối ASEAN, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc đã cứng rắn, kiên quyết hơn, không để Trung Quốc ỷ thế nước lớn chèn ép, bắt nạt. Đặc biệt là, không một quốc gia nào dễ dàng từ bỏ nguồn lợi khổng lồ từ Biển Đông để đổi lấy sự im lặng, tránh mất lòng Trung Quốc.

Hôm 15/10 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định, Công ty năng lượng quốc gia Petronas sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông. Đây là một thái độ dứt khoát của Kuala Lumpur, không hề “run sợ” trước sự đe dọa của Trung Quốc. “Chúng ta sẽ tiếp tục, nhưng chúng ta sẽ không đóng cửa các cuộc thảo luận với bất kỳ quốc gia nào”, ông Anwar cho biết.

Theo Tuyên bố này Công ty Petronas sẽ tổ chức các hoạt động thăm dò tại mỏ khí đốt Kasawari ngoài khơi bang Sarawak, thuộc đảo Borneo – một khu vực được cho là có trữ lượng khí đốt rất lớn (khoảng 3 nghìn tỷ mét khối) và bắt đầu đi vào sản xuất vào tháng 8 /2024.

Trước đó, trong Công hàm do một hãng tin Philippines đăng tải, Bắc Kinh lớn tiếng phản đối khi cho rằng mọi hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Malaysia ở Biển Đông đã xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc.

Chính phủ của ông Anwar Ibrahim giải thích, hiện Malaysia có tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng, bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia, trong đó tập trung nhiều hơn là những bất đồng sâu sắc với Trung Quốc. Tuy đang “có vấn đề”, nhưng những vấn đề này không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại”. Chính phủ sẽ tiếp tục giải thích với Bắc Kinh về lập trường của mình. Malaysia thực hiện đúng luật pháp quốc tế, không xâm phạm biên giới của các nước khác. Đó là một chính sách và nguyên tắc nghiêm ngặt.

Như quý độc giả đã biết, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Họ đã triển khai một đội tàu cảnh sát biển, hoạt động sâu trong vùng Đông Nam Á, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam, làm mất ổn định, phức tạp trong việc hợp tác, thăm dò, khai thác dầu khí và hải sản. Công ty năng lượng nhà nước Malaysia Petronas, hay Petroliam Nasional Berhad, khai thác các mỏ dầu khí ở Biển Đông trong EEZ của Malaysia, và đã có một số cuộc chạm trán với các tàu Trung Quốc.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng thường xuyên làm khách không mời khi ghé thăm các giếng thăm dò của Malaysia ngoài khơi Sarawak, tiến sát các giàn khai thác khí đốt tại Timi, Kasawari và Jerun trong phạm vi 1.000 mét. Đó là hành động phi pháp, ngang ngược mà Malaysia đã kiên quyết phản đối.

Những hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc trước sau không hề thay đổi. Cũng như các nước có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, sau một thời gian dài giữ thái độ ôn hòa, Malaysia nhận rõ rằng, Bắc Kinh đã và đang giẵm lên pháp luật, bất chấp mọi phản đối của các nước láng giềng ở khu vực và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Cùng với những hành động ngăn cản việc khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản, Trung Quốc cũng thường xuyên diễu võ giương oai, tổ chức tập trận, nhưng có khi thiên về tuyên truyền và răn đe hơn là phát động chiến tranh, nhất là ở khu vực Eo biển Đài Loan. Các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc có hàm ý rất nhiều. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, bên cạnh việc cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh là một cường quốc vô địch. Còn ở đây và với mục tiêu độc chiếm Biển Đông, thì những cuộc tập trận “khoe cơ bắp” có hàm ý rằng, nếu quốc gia nào ở khu vực mà có hành động phản kháng, thì sẽ có thể phải đối diện với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Thế nhưng các nước lân cận đã bắt được “bài”. Nếu đơn độc, các nước nhỏ như sẽ không bao giờ xử lý được những vấn đề lớn liên quan tới các cường quốc. Nhưng nếu 10 nước ASEAN đồng lòng, cùng chung sức thì không cường quốc nào có thể đe dọa được.

Và cái cách phản kháng của mỗi nước không giống nhau. Chúng ta cùng chờ xem, sau một thời gian dài nhẫn nhịn, lần này những con sóng biển Malaysia đã nổi giận, chắc chắn Bắc Kinh sẽ tiếp tục tính đến đòn trừng phạt, nhưng chả lẽ lại dằn mặt bằng con bài tập trận để mang đến “lời cảnh báo nghiêm khắc” vốn đã nhàm chán?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới