Saturday, December 28, 2024
Trang chủQuân sựVì sao tiêm kích F-16 'mất hút' trong xung đột Nga -...

Vì sao tiêm kích F-16 ‘mất hút’ trong xung đột Nga – Ukraine?

Gần hai tháng sau khi lô tiêm kích F-16 đầu tiên của phương Tây đến Ukraine, vẫn có rất ít thông tin về những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư này.

Máy bay chiến đấu F-16 bay trên một địa điểm không được tiết lộ tại Ukraine ngày 4/8/2024.


Ông Gabrielius Landsbergis, Bộ trưởng ngoại giao Litva, cuối tháng 7 tuyên bố các tiêm kích F-16 đã đến Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức xác nhận vài ngày sau đó rằng các máy bay phản lực F-16 đang được không quân Kyiv sử dụng.

Ông Zelensky không nói rõ bao nhiêu máy bay đã được giao và đang hoạt động, nhưng ước tính cho thấy có khoảng 10 chiếc đã đến Ukraine trong những tháng gần đây.

Đan Mạch và Hà Lan đã xác nhận rằng họ đã gửi lô máy bay F-16 đầu tiên đến Ukraine. Các quan chức cho biết thêm nhiều máy bay phản lực từ hai nước này sẽ được chuyển đến trong vài tháng tới. Na Uy và Bỉ cũng đã cam kết cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine.

Ukraine đã mất ít nhất một chiếc F-16 vào cuối tháng 8. Lực lượng không quân Ukraine cho biết Trung tá Oleksiy Mes, phi công lái chiếc F-16, đã tử nạn khi “đẩy lùi cuộc tấn công kết hợp giữa không quân và tên lửa Nga”.

“Thật không may, chúng tôi đã mất một chiếc”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu vào cuối tháng 8, ám chỉ đến những chiếc F-16 do Đan Mạch tặng.

Tuy nhiên, vụ việc trên nằm trong số ít thông tin được công khai thừa nhận về việc máy bay F-16 hoạt động chống lại lực lượng Nga, dù Tổng tư lệnh quân đội Hà Lan Otto Eichelsheim cuối tháng 8 tuyên bố các máy bay chiến đấu do nước này cung cấp đang “làm tốt nhiệm vụ” ở Ukraine.

F-16 đang ở đâu?

Ông Greg Bagwell, một cựu chỉ huy cấp cao của Không quân Hoàng gia Anh, nhận định Ukraine có thể đã áp dụng “cách tiếp cận thận trọng” vì họ biết những chiếc F-16 luôn nằm trong tầm ngắm của đối thủ. Ông cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa những chiếc F-16 vào sử dụng.

Một chỉ huy cấp cao của Ukraine hồi tháng 6 cho biết Kiev sẽ đặt một số chiếc F-16 bên ngoài lãnh thổ để tránh các cuộc tấn công của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva sẽ trao thưởng cho ai bắn hạ được F-16.

David Jordan, Chủ nhiệm Viện Hàng không và Không gian Freeman tại Đại học King’s College London (Anh), khẳng định: “Dù chiến tích trên chiến trường còn khiêm tốn nhưng những chiếc F-16 sẽ rất hữu ích cho các hoạt động của quân đội Ukraine, đặc biệt là phòng không”.

Ông Jordan cho rằng Ukraine nên sử dụng số ít máy bay F-16 của mình để phòng không, giải quyết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa trong khi chờ đợi các đợt giao hàng tiếp theo, đồng thời để phi công Ukraine làm quen với máy bay phản lực thế hệ thứ tư này.

“Đây không phải là sự nhút nhát mà rất hợp lý trong khi chờ đợi tăng cường lực lượng. Ukraine có thể đang sử dụng các máy bay phản lực thời Liên Xô như Su-24, Su-25 và MiG-29 để thực hiện các chiến dịch tấn công, trong khi những chiếc F-16 tạm thời ở phía sau. F-16 có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, nhưng thời điểm này Ukraine nên bảo tồn F-16 và để các máy bay phương Tây cho giai đoạn sau”, ông Jordan phân tích.

Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn trước chiến dịch ném bom lượn liên tục của Nga, với những quả bom có ​​sức hủy diệt cao từ ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine.

Tổng thống Zelensky hôm 13/10 tuyên bố rằng chỉ trong một tuần, Nga sử dụng hơn 900 quả bom dẫn đường trên không chống lại Ukraine. Kiev có thể sử dụng máy bay F-16 để tấn công máy bay Nga ném những quả bom này.

James Black, phó giám đốc nghiên cứu quốc phòng và an ninh tại chi nhánh châu Âu của tổ chức nghiên cứu RAND, cho biết việc sử dụng máy bay F-16 để phòng không giúp giảm bớt áp lực lên kho hệ thống phòng không mặt đất vốn đã ít ỏi của Ukraine.

“Các loại vũ khí được phóng từ máy bay F-16, chẳng hạn như tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder hoặc tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120, có thể hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn khi sử dụng chống lại một số mục tiêu đang bay tới “, ông Black nói. “Điều này có nghĩa F-16 có nghĩa cung cấp công cụ mới linh hoạt và tiết kiệm cho hệ thống phòng không của Ukraine”.

F-16 là cam kết viện trợ quan trọng nhất từ những nước ủng hộ phương Tây dánh cho Kiev, được Mỹ bật đèn xanh vào tháng 8/2023. Đối với lực lượng không quân mệt mỏi và chịu tổn thất nặng nề của Ukraine, các máy bay phản lực – kể cả với số lượng nhỏ – vẫn mang lại lợi ích trước lực lượng Nga vượt trội và đông đảo hơn. Tuy nhiên, F-16 không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi, đặc biệt là khi Ukraine đang vận hành tương đối ít máy bay này.

“Số lượng nhỏ máy bay sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn ngay lập tức ngay cả khi mang theo một loạt vũ khí dẫn đường, do đó chúng phải được sử dụng một cách thận trọng”, ông Jordan nói. “Theo những gì chúng ta đã thấy cho đến nay, đó là những gì lực lượng không quân Ukraine đang thực hiện”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới