Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là vụ kiện tại Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Để khởi kiện tại cơ chế này, về thủ tục, Philippines phải đáp ứng được các điều kiện: (i) chứng minh có tồn tại tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS giữa Philippines và Trung Quốc; (ii) hai bên đã trao đổi quan điểm về giải quyết tranh chấp mà không đạt được kết quả và (iii) hai bên không chọn cơ chế giải quyết tranh chấp nào khác thay cho UNCLOS. Trung Quốc cho rằng Philippines không được phép khởi kiện vì chưa hoàn thành các điều kiện này. Toà Trọng tài trong phán quyết về thẩm quyền đã khẳng định rằng Phlippines đã hoàn tất các điều kiện về thủ tục và công nhận quyền đơn phương khởi kiện của Philippines.
Bãi cạn Scarborough, nằm trong khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc (Ảnh chụp từ vệ tinh).
Nội dung chính của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc
Về nội dung, để khởi kiện được ra Toà Trọng tài này, các tranh chấp mà Phippines khởi kiện phải là tranh chấp về giải thích và thực hiện UNCLOS và không thuộc các ngoại lệ mà Toà Trọng tài không có thẩm quyền. Philippines đã đưa ra 15 đệ trình để khởi kiện Trung Quốc với bốn nhóm vấn đề chính:
(i) Tính phi pháp của đường lưỡi bò
(ii) Phân loại thực thể và xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm: Scarborough, Chữ Thập, Châu viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan (trong đó có Huy gơ) và Gaven. Theo đó, Philippines lập luận:
– Scarborough, Chữ Thập, Châu viên và Gạc Ma là các đảo đá, chỉ được hưởng vùng biển tối đa 12 hải lý.
– Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven là bãi nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền và chiếm đóng. Trong đó, Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines.
(iii) Các hành động của Trung Quốc đã vi phạm đặc quyền về nghề cá, dầu khí của Philippines trong vùng EEZ và vùng thềm lục địa; vi phạm quyền đánh cá truyền thống của Philippines trong lãnh hải của Scarborough; vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải và làm trầm trọng tranh chấp.
(iv) Trung Quốc không được tái diễn các hành vi vi phạm và không được tuyên bố vùng EEZ và thềm lục địa từ các thực thể tại Trường Sa.
Trung Quốc cho rằng các vấn đề mà Philippines khởi kiện là tranh chấp chủ quyền và phân định biển, vì vậy, không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà Trọng tài.
Tại phán quyết về thẩm quyền toà đã bác lập luận của Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền và kết luận có thẩm quyền với 7/15 đệ trình của Philippines về các vấn đề: (i) phân loại 9 thực thể, (ii) xác định vùng biển và quyền đánh cá truyền thống của Philippines tại Scarborough, (iii) vi phạm của Trung Quốc về bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải.
8/15 đệ trình còn lại về các vấn đề: (i) đường lưỡi bò; (ii) xác định Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines; (iii) các vi phạm khác của Trung Quốc về nghề cá và dầu khí trong vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines và (iv) Trung Quốc không được làm trầm trọng hoá tranh chấp sẽ được tiếp tục xem xét và kết luận tại phán quyết về nội dung của vụ kiện.
Sau phiên tranh tụng về nội dung đã diễn ra vào tháng 11/2015, phán quyết cuối cùng của Toà Trọng tài có thể sẽ diễn ra theo hai kịch bản lớn. Kịch bản thứ nhất là Philippines giành thắng lợi với toàn bộ yêu cầu. Kịch bản thứ hai là Philippines chỉ giành thắng lợi với các vấn đề về: (i) bác bỏ giá trị pháp lý của đường lưỡi bò, (ii) phân loại 9 thực thể, (iii) xác định vùng biển và quyền đánh cá truyền thống của Philippines tại Scarborough, (iv) khẳng định Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ về bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải. Còn lại Philippines có thể không thành công trong việc thu hẹp các vùng biển có tranh chấp do Toà Trọng tài có thể coi một hoặc một số thực thể của Trường Sa có vùng EEZ và thềm lục địa. Từ đó, phát sinh vấn đề phân định biển và Toà Trọng tài không có thẩm quyền để kết luận về liệu các bãi nửa nổi, nửa chìm là Vành Khăn và Cỏ Mây có thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines hay không và không kết luận được về các hành vi vi phạm của Trung Quốc. Cho dù kịch bản nào diễn ra, vụ kiện chắc chắn sẽ có tác động với cục diện tại Biển Đông, tới các bên trong tranh chấp và Việt Nam.
Tác động của vụ kiện tới Trung Quốc
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu ngày 30/10/2015 đã khẳng định lại quan điểm của Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vào vụ kiện do Philippines đơn phương khởi kiện. Đồng thời khẳng định, phán quyết về thẩm quyền của Toà Trọng tài không có giá trị pháp lý và không có giá trị ràng buộc với Trung Quốc. Quan điểm này chắc chắn sẽ tiếp tục được Trung Quốc theo đuổi với phán quyết cuối cùng của Toà Trọng tài.
Nếu kết quả của vụ kiện xảy ra theo kịch bản thứ 2, Philippines không giành thắng lợi hoàn toàn, Trung Quốc sẽ gián tiếp có cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trên biển, đặc biệt trong dài hạn.
Đề phòng kết quả vụ kiện kết thúc theo hướng thuận cho Philippines, Trung Quốc đã thúc đẩy những hành động trên thực địa để thiết lập “chuyện đã rồi” nhằm vô hiệu hoá phán quyết. Nếu thực sự kịch bản thuận cho Philippines xảy ra, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng quyết liệt, leo thang căng thẳng trong ngắn hạn để chứng minh cho quan điểm không tuân thủ phán quyết của mình. Đặc biệt trong bối cảnh luật quốc tế không có cơ chế cưỡng chế thi hành, Trung Quốc sẽ có những hành động như đẩy mạnh hoạt động trong các lĩnh vực về nghề cá, dầu khí; xây dựng công trình trên biển; tuần tra, thiết lập và thực thi các quy định của nội luật Trung Quốc về hàng hải, hàng không, môi trường, nghiên cứu khoa học, hoạt động quân sự…. Tuy nhiên, trong dài hạn, Trung Quốc có thể sẽ tập trung tiến hành củng cố cơ sở tại các thực thể chiếm đóng ở Trường Sa được Trọng tài kết luận là đảo đá gồm: Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động tại Hoàng Sa do quần đảo này nằm ngoài phạm vi phán quyết của Toà Trọng tài.
Tác động của vụ kiện tới các bên tranh chấp khác và các nước thành viên ASEAN
Với Malaysia, do các hành động leo thang đưa tàu chiến của Trung Quốc vào gần bãi cạn Luconia và yêu sách chủ quyền với bãi này, Malaysia đang dần chuyển thái độ công khai và tích cực hơn về tranh chấp Biển Đông. Vì vậy, nếu vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra theo kịch bản A, Malaysia có thể học hỏi kinh nghiệm của Philippines để khởi kiện về quy chế pháp lý của Bãi Tăng Mẫu (James Shoal) và Luconia nhằm đẩy lùi yêu sách vùng biển của Trung Quốc ra khỏi vùng EEZ và thềm lục địa tạo ra từ bờ biển nước này. Ngược lại, kịch bản B xảy ra, vùng biển của các thực thể không được làm rõ, Malaysia có thể quay trở lại với chính sách ngoại giao thầm lặng để hy vọng đạt được một giải pháp thoả hiệp và vẫn giữ được hoà khí trong quan hệ với Trung Quốc.
Với Indonesia, Bộ trưởng các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia phát biểu ngày 11/11/2015 rằng Indonesia có thể kiện yêu sách “đường lưỡi bò” Trung Quốc ra Toà. Trong hội thảo về tình hình Biển Đông do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore tổ chức ngày 5-6/11/2015, Thứ trưởng Bộ các Vấn đề Hàng hải cũng khẳng định Indonesia không công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, và cho rằng do “đường lưỡi bò” chưa được xác định, Indonesia không thừa nhận có chồng lấn giữa vùng biển do “đường lưỡi bò” tạo ra và vùng biển Natuna của Indonesia. Tuy nhiên, dù kịch bản A hay B diễn ra, phản ứng của Indonesia sẽ dừng ở mức có chừng mực vì Trung Quốc đang khẳng định thiện chí đàm phán với Indonesia và trên thực tế, Trung Quốc cũng chưa bao giờ khẳng định tồn tại tranh chấp với Indonesia. Đồng thời, Indonesia cũng muốn tranh thủ nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển sáng kiến Trục hàng hải nhằm tăng cường kết nối giữa các đảo thuộc Indonesia và giữa Indonesia và khu vực.
Với các nước ASEAN khác, cho dù vụ kiện kết thúc thắng lợi cho Philippines, các nước này sẽ không tỏ thái độ rõ ràng do không có lợi ích trực tiếp với tranh chấp tại Biển Đông và không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Trong khi đó, nếu Philippines thua kiện, các nước khác trong ASEAN sẽ có cơ sở để ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, khai thác chung và quản lý Biển Đông thông qua ký kết COC.
Tác động của vụ kiện đối với Việt Nam
Về mặt pháp lý, bản chất của vụ kiện của Philippines và Trung Quốc không phải là vụ kiện về các vấn đề chủ quyền. Vì vậy, bất kỳ bên nào giành lợi thế sau phán quyết, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa vẫn chưa được giải quyết.
Bản chất của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là nhằm thu hẹp các vùng biển tranh chấp qua 4 lập luận pháp lý chủ yếu:
– Bác bỏ giá trị pháp lý của yêu sách lịch sử của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò”.
– Thu hẹp vùng biển tranh chấp về phạm vi 12 hải lý của các thực thể là đảo đá tại Trường Sa.
– Quy thuộc các bãi nửa nổi nửa chìm nằm ngoài 12 hải lý của các đảo về vùng EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
– Từ đó, xác định các hành vi hiện thực hoá “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông là các hành vi vi phạm luật quốc tế.
Với kết quả được đa số các học giả dự đoán hiện nay, việc Philippines có khả năng cao giành thắng lợi trong việc bác bỏ giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” sẽ tạo ra tác động tích cực chung cho các quốc gia ven Biển Đông, buộc Trung Quốc phải đưa ra yêu sách về các vùng biển phù hợp với quy định của UNCLOS.
Đồng thời, nếu Tòa Trọng tài kết luận các cấu trúc tại Trường Sa căng lắm chỉ là đảo đá và chỉ được hưởng vùng biển tối đa 12 hải lý thì vùng biển tranh chấp tại Biển Đông sẽ được thu hẹp, và gián tiếp ta có thể hạn chế được vùng biển có tranh chấp, đẩy phần lớn vùng biển có tranh chấp ra ngoài EEZ và thềm lục địa của ta.
Tuy nhiên, nếu Trọng tài kết luận rằng có 1 hoặc nhiều cấu trúc tại Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đến 200 hải lý thì có thể một phần vùng EEZ và thềm lục địa 200 hải lý được tạo ra từ bờ biển của Việt Nam sẽ bị coi là vùng biển có tranh chấp do có chồng lấn với vùng biển của các đảo của Trường Sa.
Về mặt chính trị, nếu Philippines giành thắng lợi toàn bộ, dư luận quốc tế có cơ sở để thể hiện lập trường ủng hộ Philippines và qua đó ủng hộ Việt Nam, lên án “đường lưỡi bò” và các yêu sách, các hành động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngược lại, nếu Philippines không giành thắng lợi, dư luận quốc tế có thể phản ứng có chừng mực do vùng biển tạo ra bởi các thực thể tại Biển Đông (chiếm phần lớn diện tích Biển Đông) sẽ bị coi là vùng biển có tranh chấp. Và do đó cần đến các biện pháp kiểm chế và quản lý tranh chấp.
Trên thực địa, cho dù phương án kịch bản nào của vụ kiện xảy ra, trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành leo thang trên thực địa để khẳng định sự tồn tại của yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển và trên không. Trong dài hạn, Trung Quốc có thể đẩy mạnh các biện pháp trên thực địa tại Hoàng Sa do quần đảo này nằm ngoài phạm vi phán quyết của Toà Trọng tài. Điều này sẽ tạo ra căng thẳng trực tiếp với ta, gây khó khăn cho ta do hiện Trung Quốc nắm giữ quyền quản lý thực tế tại Hoàng Sa, trong khi thế giới và khu vực thường nhìn nhận đây là vấn đề song phương giữa ta và Trung Quốc./.