Campuchia mới đây đã trải qua tình trạng báo động buộc nước này phải khẩn cấp triển khai hàng nghìn cảnh sát đặc nhiệm để đối phó với các cuộc biểu tình chính trị đang manh nha diễn ra tại đất nước Chùa Tháp. Mục đích những cuộc biểu tình này là gì? Những thế lực đứng sau kích động là ai? Liệu Campuchia có trở thành một “Bangladesh” thứ 2 hay không?
Chuyện gì đang xảy ra tại Campuchia?
Ngày 23/7/2024, nhà hoạt động đối lập Srun Srorn cùng với 3 người khác đã bị cảnh sát tỉnh Xiêm Riệp bắt giữ sau khi đăng một video trực tiếp thảo luận về sự hợp tác giữa khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (gọi tắt là CLV-DTA). Các nhà hoạt động này bày tỏ quan ngại về việc Campuchia có thể bị mất lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc hoặc quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên vào tay Việt Nam.
Không lâu sau đó, nhóm Telegram có tên là “Roub Roum Dermbei Cheat” (“Đoàn kết vì Tổ quốc”) do phe đối lập ở nước ngoài tạo ra nhằm kêu gọi biểu tình trước Cung điện Hoàng gia Campuchia tại thủ đô Phnom Penh vào lúc 16 giờ ngày 18/8. Đáng chú ý, một số phần tử quá khích còn đề xuất trên mạng xã hội về việc người dân nên học theo các cuộc biểu tình vừa diễn ra tại Bangladesh quốc gia đang lâm vào khủng hoảng lâu nay.
Song song đó, ước tính có hơn 16.000 người Campuchia tại Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia đã xuống đường tuần hành và giương cao khẩu hiệu “No CLV With Vietnam”. Ngày 11/8/2024, nhiều người dân Campuchia đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Giao lộ Jonggak, nằm ở thủ đô Seoul, kêu gọi chính phủ đất nước Chùa Tháp rút khỏi dự án Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.
Đến ngày 13/8, Phong trào Dân chủ Khmer có trụ sở ở Mỹ đưa ra tuyên bố rằng, việc Phnom Penh tham gia vào Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam sẽ tạo thành “vỏ bọc” cho phép nước ngoài phá rừng bất hợp pháp, cưỡng chế đất đai và khai thác tài nguyên ở Campuchia. Tổ chức này cũng quan ngại vấn đề người Việt Nam nhập cư trái phép vào 4 tỉnh của Campuchia khiến khu vực này trở thành “chư hầu” nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Hà Nội.
Trước tình hình leo thang đó, chính quyền xứ Chùa Tháp đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn sẵn sàng ứng phó và trấn áp các lực lượng thù địch đang âm mưu kích động người dân, nhất là tại thủ đô Phnom Penh. Trong một thông điệp ghi âm dài 1 giờ chia sẻ trên kênh Telegram vào ngày 12/8, Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen cảnh báo sẽ xử lý mạnh tay các đối tượng có mưu toan kích động gây bạo loạn, đồng thời nhấn mạnh người dân tránh bị lôi kéo vượt “lằn ranh đỏ”.
Song song đó, Thủ tướng Hun Manet cũng tuyên bố nước này sẽ có hành động cứng rắn đối với những kẻ cố gắng chống phá đất nước; khẳng định không cho phép âm mưu do một số ít thế lực thù địch thực hiện hòng chia rẽ đất nước.
Hai ngày sau, người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia cho biết, lực lượng thực thi pháp luật của nước này đã nắm rõ bằng chứng về kế hoạch kích động người dân trong nước biểu tình gắn với âm mưu tiến hành “Cách mạng màu” nhằm lật đổ chính phủ của các phần tử lưu vong đang sống ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Sokha sau đó đã yêu cầu chính quyền các tỉnh thành và lực lượng chức năng địa phương chú trọng công tác an ninh trên địa bàn, đề cao cảnh giác trước âm mưu biểu tình bạo loạn lật đổ chính phủ, đặc biệt là các hoạt động tụ tập di chuyển vào thủ đô Phnom Penh đến hết tháng 8.
Từ ngày 17/8, hơn 1.000 cảnh sát đặc nhiệm đã được triển khai tại thủ đô Phnom Penh, đáng chú ý là con số này tương đương 50% lực lượng cảnh sát ở thủ đô. Chính quyền đất nước Chùa Tháp không muốn viễn cảnh các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn từng diễn ra tại nước này vào năm 2014, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 27 người bị thương.
Từ trang web của Cảnh sát Quốc gia Campuchia, Trung tướng Chuon Narin đã trấn an người dân đừng lo lắng về tình hình trật tự và an toàn công cộng khi an ninh tại thủ đô đã được tăng cường trong nhiều ngày qua. Người dân có thể ra vào thủ đô như bình thường vì đường phố không bị chặn, tuy nhiên với những nhóm người có số lượng lớn tập trung sẽ bị kiểm tra rất nghiêm ngặt. Lý giải về việc triển khai lực lượng an ninh đông đảo, ông Narin khẳng định lực lượng này sẽ nhanh chóng trấn áp bất kỳ nhóm cực đoan nào cố gắng tổ chức một cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Trong đêm ngày 17/8 cho đến sáng hôm sau, cảnh sát địa phương đã đồng loạt bắt giữ ít nhất 30 người, trong đó có 2 phụ nữ tại nhà riêng hoặc khách sạn. Theo tuyên bố của Tòa án thành phố Phnom Penh, hầu hết họ đều bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ, trong khi một số khác được cho là có hành vi kích động gây mất an ninh trật tự. Nổi bật có một số thành viên thuộc Hiệp hội Liên đoàn Sinh viên Khmer Thông minh, 3 viên chức đảng đối lập và 16 nhà hoạt động xã hội. Nhiều vật chứng như xăng, dao, côn, dùi cui, ná cao su và đạn kim loại dùng cho súng hơi đã bị thu giữ. Đồng thời, văn phòng của KLSA cũng bị tòa án yêu cầu đóng cửa.
Đến ngày 19/8, 16 người bị bắt giữ trước đó được phép trở về nhà, trong khi những người còn lại vẫn bị giam giữ để thẩm vấn. Báo chí Campuchia sau đó đã đăng tải thông tin về kế toán viên của KLSA là Lach Tina thừa nhận các sai lầm của mình khi lên kế hoạch tham gia cuộc biểu tình gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bà bày tỏ sự hối hận khi một nhóm đối lập ở nước ngoài đã lợi dụng biểu tình để chống lại chính phủ và kêu gọi sự tha thứ từ Hun Sen và Hun Manet.
Trong thông cáo báo chí cùng ngày, Bộ Quốc phòng Campuchia khẳng định không có hoạt động biểu tình hay chống chính phủ nào đã diễn ra ở nước này, mặc dù lực lượng vũ trang nước này đã được đặt trong tình trạng báo động để ngăn chặn bất kỳ hoạt động gây hỗn loạn nào. Theo Tướng Chhum Socheat, những nỗ lực của phe đối lập nhằm châm ngòi cho một cuộc biểu tình đã thất bại, đồng thời cho rằng đây là một thất bại đáng xấu hổ đối với phe đối lập ở nước ngoài, những người mà ông tuyên bố là đang cố gắng lật đổ chính phủ hợp pháp theo cách phi dân chủ. Ông cũng lưu ý rằng, mặc dù không có sự cố nào xảy ra, lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia vẫn trong tình trạng báo động và sẵn sàng can thiệp nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra có thể đe dọa đến hòa bình và ổn định.
Bên cạnh đó, ông Touch Sokhak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, cũng xác nhận rằng, nhà chức trách đang trong quá trình xác định danh tính và tiến hành bắt giữ những đối tượng liên quan. Ông cũng cảnh báo rằng việc đăng tin nhắn trên mạng xã hội với mục đích kích động biểu tình không phải là hành vi tự do ngôn luận mà là hành vi phạm tội.
Ông Sokhak gọi những hành động phản đối là “cách mạng màu” nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp, đồng thời khẳng định đây là một trong những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất theo luật pháp Campuchia và kêu gọi những kẻ vi phạm phải chấm dứt hoạt động ngay lập tức.
Theo tờ Khmer Times ngày 21/8, Thủ tướng Hun Manet đã có lời cảm ơn đến lực lượng quân đội, cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan có liên quan khác đã nỗ lực duy trì an ninh trật tự và ổn định xã hội ở nước này. Ông khẳng định chính phủ sẽ không cho phép bất kỳ ai phá hoại hòa bình và gây ra bất ổn cho xã hội.
Mặc dù đa phần người dân đều ủng hộ những hành động cứng rắn của chính phủ Campuchia. Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh sự kiện này. Điển hình như việc ông Yong Kim Eng, Chủ tịch Trung tâm Phát triển và Hòa bình Nhân dân, ông Pa Chanroeun, Viện trưởng Viện Dân chủ Campuchia, cho rằng sáng kiến Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam không có gì sai trái, nhưng khẳng định vấn đề diễn ra phát sinh từ việc thiếu hiểu biết và giải thích không đầy đủ cho người dân từ chính phủ.
Trên các diễn đàn quốc tế, vấn đề này cũng sôi nổi không kém. Theo đánh giá của The Diplomat, chính phủ Campuchia đã có những hành động thái quá đối với cuộc biểu tình về sáng kiến Tam giác Phát triển chủ yếu mang tâm lý bài Việt Nam, mặc dù nước này đã có những hành động ngoại giao tách rời khỏi Hà Nội nhiều năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, cựu lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia là Sam Rainsy cũng đã đăng tải trên X cho rằng đây là những phản ứng thái quá khủng khiếp nhưng quen thuộc trong bối cảnh CPP bắt đầu thắt chặt nghiêm ngặt đối với các bài phát biểu chính trị.
Trong một diễn biến mới nhất vào ngày 22/8/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra quan điểm chính thức của Việt Nam trước những sự kiện biểu tình diễn ra gần đây tại nước láng giềng liên quan đến Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị. gắn bó và tin cậy giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam là di sản quý báu đối với cả ba dân tộc và có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, và cả ba nước góp phần vào sự phát triển của cộng đồng ASEAN; khẳng định, trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam đã giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân giữa ba nước.
Tam giác Phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia
Trải qua nhiều thập kỷ loạn lạc, Campuchia với mối quan hệ gắn chặt với Trung Quốc, hiện đã đạt nhiều tín hiệu khả quan trong phát triển kinh tế và xã hội. Trong một thông báo được công bố vào tháng 5/2024, Thủ tướng Hun Manet cho biết nước này đang theo đuổi kế hoạch phát triển hạ tầng toàn diện với tổng số 174 dự án nhằm nâng cấp mạng lưới vận tải và hậu cần quốc gia chỉ trong một thập kỷ, với chi phí ước tính là 36,6 tỷ USD.
Một trong những công trình tham vọng nhất hiện nay là kênh đào Phù Nam, nhằm kết nối khu vực trung tâm của nước này với Vịnh Thái Lan. Lễ động thổ công trình được nước này tổ chức vào ngày 5/8 vừa qua.
Tiếp đến là kế hoạch mở rộng Cảng nước sâu quốc tế Sihanoukville để tăng công suất gấp 3 lần hiện nay. Hay sân bay quốc tế Techo Takhmao với hệ thống đường băng dài 4.000 m, được xây dựng trên một khu vực rộng 26 km² thuộc địa phận tỉnh Kandal và một phần của tỉnh Takeo, sẽ là một công trình tầm cỡ thế giới nếu đi vào hoạt động trong tương lai.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, sự phát triển hiện nay giữa các khu vực của Campuchia là không đồng đều, bởi đa số công trình hạ tầng như đường xá, cầu cống hay các tụ điểm vui chơi giải trí chủ yếu tập trung ở trung tâm phía Tây và phía Nam đất nước.
Ngược lại, khu vực phía Đông Bắc đất nước lại có phần kém phát triển hơn. Vì vậy, không phải tự nhiên mà thủ tướng Hun Sen lại chỉ định khu vực này trở thành một phần của Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.
Đây vốn là sáng kiến mà ông Hun Sen đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba thủ tướng Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ nhất tại Viêng Chăn vào năm 1999, với mục tiêu là tạo ra một khu vực ở ngã ba biên giới của ba nước, nơi triển khai các chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối giữa ba nước láng giềng.
Cụ thể, phạm vi của Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam bao gồm 13 tỉnh, đó là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, và Kratie thuộc miền Đông Bắc Campuchia; tiếp đến là Attapu, Salavan, Sekong, và Champasak ở miền Nam Lào; cuối cùng là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Nhìn chung, đây đều là các tỉnh kém phát triển của ba quốc gia, đồng thời là vùng rất nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, buôn lậu, chất cấm, tập hợp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và nằm xa những khu vực kinh tế phát triển.
Trong số 4 tỉnh thuộc Tam giác Phát triển của Campuchia, Mondulkiri là tỉnh lớn nhất của Xứ Chùa Tháp hiện nay với diện tích 14.288 km². Tuy nhiên, quy mô dân số tại đây lại tương đối nhỏ, chỉ vào khoảng 102.000 người, trong đó 80% là dân tộc thiểu số bản địa. Vì vậy, tỉnh Mondulkiri cũng là địa phương có mật độ dân số thưa thớt nhất cả nước, khi chỉ có khoảng 7 người/km².
Ở vị trí thứ hai là tỉnh Kratie với diện tích 11.094 km² và dân số là 412.000 người. Còn tỉnh Stung Treng, rộng 11.092 km², hiện là nơi sinh sống của khoảng 183.000 người. Cuối cùng là tỉnh Ratanakiri, với diện tích 10.782 km², đây là tỉnh có diện tích nhỏ nhất trong khu vực Đông Bắc của đất nước Chùa Tháp. Hiện đây là nơi sinh sống của khoảng 239.000 người.
Nhìn chung, vùng Đông Bắc rộng khoảng 47.256 km², chiếm khoảng 26,1% diện tích Campuchia, còn dân số là 936.000 người, chỉ chiếm khoảng 5,3% dân số của đất nước Chùa Tháp, nên đây hiện là khu vực có dân cư thưa thớt nhất cả nước, với mật độ dân số chỉ là 20 người/km².
Vì hạn chế về mặt địa hình và nguồn lực mà cơ sở hạ tầng tại đây cũng không phát triển. Vì vậy, đời sống của người dân tại đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn mọi thứ. Cùng với đó là do là khu vực biên giới nằm xa trung tâm đất nước nên các chính sách an sinh xã hội cũng không được chú trọng. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2012, hầu hết cư dân ở bốn tỉnh của Campuchia là nông dân và ngư dân, với tỷ lệ nghèo đói là 46% và tỉ lệ biết chữ là 60%, thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Mặc dù đời sống còn khó khăn và đối mặt với nhiều rào cản, nhưng do là một phần của Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam nên khu vực Đông Bắc của đất nước Chùa Tháp đã và đang đón nhận nhiều dự án tiềm năng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong khu vực Tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia, Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư trên 3,7 tỷ USD. Trong đó, đầu tư vào khu vực Đông Bắc Campuchia có 45 dự án với số vốn gần 1,7 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam tại khu vực này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng và thủy điện. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, có những đóng góp và tác động tích cực đối với phát triển kinh tế của địa phương.
Điển hình như tại tỉnh Kratie, hiện có 6 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nổi bật là Công ty Cổ phần Dầu Tiếng – Kratie đang triển khai dự án trồng và khai thác cao su trên một khu vực rộng 20 km² tại tỉnh Kratie với tổng số vốn đăng ký là 450 tỷ đồng. Vào năm 2022, công ty có sản lượng khai thác gần 2.500 tấn. Điều đặc biệt là các dự án cao su của Việt Nam phát triển tại tỉnh Kratie đều sử dụng 100% công nhân là người Campuchia.
Ngoài các dự án nông nghiệp, Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực thủy điện. Điển hình như Nhà máy Thủy điện Hạ Sesan 2 nằm trên dòng Sesan, một phụ lưu lớn của sông Mê Kông ở tỉnh Stung Treng. Với công suất lên đến 400 MW, đây hiện là công trình thủy điện lớn nhất đã được xây dựng tại Campuchia. Nhà máy có tổng giá trị đầu tư lên đến 816 triệu USD, trong đó Công ty Năng lượng Quốc tế Hydrolancang của Trung Quốc nắm 51% cổ phần, Tập đoàn Hoàng gia Campuchia nắm 39% cổ phần và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm 10% cổ phần còn lại.
Bên cạnh các dự án phát triển kinh tế, Việt Nam trong nhiều năm qua luôn triển khai nhiều dự án và chương trình có ý nghĩa. Điển hình như chương trình thăm khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho người dân tỉnh Kratie vào ngày 23/3/2024 do Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh trực tiếp triển khai với sự đồng hành hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia – công ty con của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hội Khmer – Việt Nam chi nhánh tỉnh Kratie. Đây là hoạt động đầu tiên trong năm 2024 của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh hướng tới người dân còn nhiều khó khăn ở địa bàn vùng sâu vùng xa trên đất nước Chùa Tháp, đặc biệt là người dân ở các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia.
Trước đó, Khánh Hòa cũng là địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ tỉnh bạn khi trao tặng dự án Nhà làm việc Sở chỉ huy Tiểu khu Quân sự tỉnh Stung Treng trị giá gần 15 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng công trình này đã tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ của tỉnh bạn có nơi làm việc, sinh hoạt, học tập và nâng cao tình đoàn kết giữa hai nước cùng nhau giữ vững an ninh chính trị và trật tự biên giới.
Những thế lực nào đang muốn lật đổ cha con ông Hun Sen?
Chính trường đất nước Chùa Tháp đã từng có giai đoạn được ví như một “sàn đấu nảy lửa” giữa Đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen và Đảng Cứu Quốc Campuchia nằm dưới sự lãnh đạo của Sam Rainsy và Kem Sokha. Trong suốt nhiều năm, việc kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vu cáo và kêu gọi chống Việt Nam là chiêu bài quen thuộc của Sam Rainsy để tìm kiếm phiếu bầu trong các cuộc tranh cử.
Kể từ khi Đảng Cứu Quốc Campuchia bị giải thể, thủ lĩnh Kem Sokha bị chính quyền Phnom Penh bắt giữ với cáo buộc phản quốc và có âm mưu lật đổ chính quyền, trong khi thủ lĩnh còn lại là Sam Rainsy nhanh chân bỏ trốn sang nước ngoài.
Trước tình cảnh đó, nhiều đảng viên của đảng này sau đó gia nhập Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen. Tuy vậy, vẫn có một nhóm tách ra, đổi tên thành Đảng Ánh Nến. Kể từ đó, nó nhanh chóng trở thành đảng đối lập lớn nhất với đảng cầm quyền và Đảng Bảo hoàng FUNCINPEC. Bên cạnh Đảng Ánh Nến, còn có 3 đảng đối lập khác nhưng có quy mô nhỏ, đó là Đảng Ý Chí Khmer, Đảng Dân chủ Cơ sở và Đảng Cải cách Campuchia.
Trong bối cảnh đất nước Chùa Tháp tổ chức cuộc bầu cử năm 2023, 4 đảng đối lập này đã tổ chức lễ công bố liên minh nhằm cạnh tranh với Đảng Nhân dân Campuchia. Tuy nhiên, một bước ngoặt đã diễn ra vào ngày 15/5/2023 khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia tuyên bố Đảng Ánh Nến không được tham gia bầu cử vào hồi tháng 7 vì không cung cấp đầy đủ giấy tờ đăng ký hợp lệ.
Việc đảng đối lập lớn nhất không thể tham dự tranh cử đã khiến mọi việc dường như trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đối với Đảng Nhân dân Campuchia. Ông Hun Sen đã giành thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa với tư cách là Thủ tướng Campuchia trong cuộc bầu cử vào tháng 7 năm ngoái, nhưng ông đã nhanh chóng trao lại chức vụ này cho con trai cả của ông, đó là Hun Manet, kết thúc quá trình cầm quyền từ năm 1985 – 2023.
Mặc dù đã rời khỏi vị trí lãnh đạo, nhưng ông Hun Sen vẫn có quyền lực gần như là tối cao, có thể can thiệp trực tiếp vào việc vận hành đất nước nhờ vào chức vụ Chủ tịch Thượng viện Campuchia hiện nay, đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, chính đảng cầm quyền lớn nhất hiện nay.
Những người ủng hộ ông Hun Sen nắm quyền trong thời gian dài đều cho rằng ông đã đưa Campuchia vào thời đại phát triển sau cuộc diệt chủng dưới thời Khmer Đỏ từ năm 1975 – 1979, khiến gần 25% dân số nước này thiệt mạng. Tuy vậy, những người chỉ trích lại khẳng định ông Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia như một chế độ độc tài, đàn áp mọi đối thủ chính trị và tổ chức các cuộc bầu cử thiếu tự do và công bằng.
Cho đến nay, dường như không có đối thủ chính trị nào trong nước Campuchia đủ lớn để thách thức CPP. Do đó, các nhân vật chính trị Campuchia ở nước ngoài đã phát động một phong trào ủng hộ dân chủ mới, đó là phong trào Khmer vì Dân chủ. Được thành lập vào tháng 3/2024 tại tiểu bang Massachusetts của Mỹ, phong trào này có ý định hoạt động như một tổ chức đối lập thực tế với Đảng Nhân dân Campuchia, với mục tiêu buộc chế độ Hun Manet phải chịu trách nhiệm về các cuộc đàn áp của chính phủ đối với các tiếng nói chính trị và các nhà hoạt động trong và ngoài nước hiện nay. Phong trào này được lãnh đạo bởi Mu Sochua, người đã từng được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2005 và là Phó Chủ tịch của Đảng Cứu Quốc Campuchia trước đây. Bà đã rời khỏi đất nước và sống lưu vong ở Mỹ sau khi Thủ tướng Hun Sen đe dọa sẽ bắt giữ thêm các chính trị gia đối lập tại nước này, Mu Sochua cũng là một trong 118 nhân vật đối lập cấp cao đang thụ án cấm tham gia chính trường trong 5 năm, sau phán quyết của tòa án vào ngày 16/11/2017.
Trong một thông cáo báo chí, bà Mu Sochua cho rằng, tình hình hiện tại ở Campuchia là rất đáng sợ, nơi mà những lời chỉ trích chính phủ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, vị lãnh đạo của phong trào Khmer vì Dân chủ cho rằng, tiếng nói của người dân Campuchia hiện nay chỉ có thể vang vọng qua cộng đồng người di cư toàn cầu.
Có thể thấy, các nỗ lực biểu tình được diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 25 năm Sáng kiến Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam được ký kết. Chính sự thiếu hiểu biết và tâm lý “bài Việt Nam” âm ỉ trong một bộ phận cư dân của đất nước Chùa Tháp, cùng vấn đề đàn áp của Đảng đối lập, đã khiến họ dễ bị những phần tử xấu kích động và xúi giục.
Trên thực tế, đây chỉ là một cái cớ để các đảng phái chống đối muốn lật đổ chính quyền của ông Hun Sen và Hun Manet, và đó mới là mục đích thật sự cho những hành vi kích động lần này. Bởi nhìn những gì đã và đang xảy ra tại Bangladesh, không khó hiểu khi những phần tử kích động cũng muốn dựa vào các cuộc biểu tình và tuần hành để tạo sức ép lên chính phủ.
Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, kịch bản này sẽ khó thực hiện được, bởi trên hết, quyền lực và danh tiếng của ông Hun Sen tại chính trường Campuchia sẽ không dễ bị sụp đổ. Đó là còn chưa kể Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất hiện nay của Campuchia, sẽ không để mọi chuyện đi quá xa.
Xuyên suốt quá trình cầm quyền của ông Hun Sen và hiện tại của con trai ông là Hun Manet, quan điểm nhất quán của hai nhà lãnh đạo này là thắt chặt mối quan hệ với Bắc Kinh. Trong trường hợp một chính phủ mới lên nắm quyền ở đất nước Chùa Tháp, mối lo ngại lớn đối với đất nước tỷ dân sẽ xảy ra, nếu như Campuchia lúc này có xu hướng thân phương Tây hơn. Bắc Kinh không muốn các dự án đầu tư trị giá hàng tỷ đô la của nước này tại Campuchia trở nên vô nghĩa.
T.P