Báo chí Trung Quốc hai ngày qua mở chiến dịch rầm rộ phản đối phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA). Họ dùng những lời lẽ cực kỳ điên cuồng, tập trung chỉ trích La Haye- cái nơi ra đòn chí mạng vào mặt họ, và cho rằng ngày 12-7 là “Ngày đen tối” của PCA, là chương buồn trong luật pháp quốc tế.
Các báo đều dẫn đăng lời của giới lãnh đạo chóp bu Bắc Kinh, từ ông Chủ tịch Tập Cận Bình, đến Ngoại trưởng Vương Nghị cho đến vô số lời phát ngôn của các đàn em thân cận trong bộ máy quốc phòng, ngoại giao. Đúng là một dàn âm thanh nổi lên hỗn tạp và méo mó. Dưới tay của phù thủy nhạc trưởng Tập, giai điệu chủ đạo của dàn âm thanh là cái được gọi “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh đối với toàn bộ khu vực Biển Đông đã bị “người ta” rỡ bỏ. Trung Quốc đã vác gậy tầm sét ra chống Thiên lôi bằng cái chiêu “chứng cứ”: Từ xa xưa cho tới nay, tất cả các đảo ở Biển Đông đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Và nước này “có đầy đủ chứng cứ pháp lý về vấn đề này”. Nhưng Trung Quốc không có bất kỳ tài liệu nào đủ sức thuyết phục về việc các đảo, đá trên Biển Đông trước đây đã thuộc chủ quyền của nước này. Việc Bắc Kinh không đệ trình được một tài liệu pháp lý nào trước các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Ngay cả tấm bản đồ dọc, thay “đường 9 khúc” bằng “đường 10 đoạn”, “liếm” trọn biển Đông khiến cho chính người dân Trung Quốc cũng cảm thấy “ngượng”, vì không hiểu sao lãnh thổ nước nhà “đột ngột” rộng thêm nhiều quá(!) Chúng ta thừa biết từ hàng trăm nghìn năm nay Trung Quốc thường rất ma mãnh trong việc tạo ra chứng cứ. Các thầy hủ Nho thường bảo: Không tìm thấy chững cứ không có nghĩa là không có chứng cứ! Vậy xin hỏi các hủ Nho, bao giờ các vị mới đưa ra chứng cứ? Tòa Trọng tài quốc tế đã phải mất hơn ba năm rưỡi để xem xét, đối chứng, liên hệ, tiếp nhận các nguồn tài liệu để tập trung cho sự kiện lịch sử hệ trọng có một không hai trong những năm đầu thế kỷ XXI này. Nhưng cuối cùng Trung Quốc chỉ thay thế chứng cứ bằng những lí lẽ không thể cùn mòn, trơ trẽn hơn!
Không có tuyết rơi giữa ban trưa mùa hạ. Tất cả các chứng cứ đều xua tay với các nhà cầm quyền ở Trung Nam Hải. Hầu như tất cả thế giới, kể cả 8 nước mà Trung Quốc từng tuyên bố họ không ủng hộ PCA ra phán quyết về vấn đề Manila kiện Bắc Kinh, đến giờ này chưa thấy một tín hiệu nào vào hùa với Trung Quốc. Đơn giản là vì các nước này không muốn “dùng đá ghè mắt cá chân mình”. Không ai muốn vừa tự trói vừa đánh khen hay chịu đòn. Thế giới trong tay ai là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng phải xem xét một cách thận trọng. Điều này Trung Quốc đã lầm to khi họ nghĩ tới vị trí siêu cường quá sớm. “Cái ao nhà” Biển Đông trong viễn tưởng Trung Quốc đã nổi cuồng phong hất những kẻ cuồng vọng vào sóng dữ!
Không vác gậy chống trời được thì hun khói chọc mắt thiên hạ. Mấy ngày nay Giới chóp bu Trung Quốc ra sức làm nóng lên bầu không khí chiến tranh. Họ tổ chức tập trận trên biển 9 ngày. Máy bay, tên lửa, tàu chiến quần thảo làm nóng biển Đông. Họ tuyên bố sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Họ tuyên bố kêu gọi chuẩn bị lực lượng, gọi tái ngũ chuẩn bị cho tình huống chiến đấu…Nghĩa là bằng tất cả mọi điều có thể để tiếp tục “kêu gọi” các nước “có thiện chí với Trung Quốc”; tiếp tục đe dọa an ninh trên biển, coi đó là cái lá chắn cho hành động chây ỳ, không chấp nhận phán quyết của PCA.
Một dấu mốc lịch sử 12-7. Sau tiếng bom lớn, cả Washington lẫn Bắc Kinh chắc chắn sẽ tranh thủ mọi cách, mọi kiểu để kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các quan điểm của mình. Và theo đó, lập trường của các nước khác nhau tùy thuộc việc họ là đồng minh của Mỹ hay Trung Quốc. Cuộc chiến ngoại giao dữ dội sẽ đẩy các nước nhỏ hơn và các khối quốc gia khu vực vào thế lưỡng nan, kể cả ASEAN, trong đó có các thành viên đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Nỗ lực của Philippines nhằm thúc đẩy khối ASEAN ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài đã bị ngăn trở bởi những quốc gia đang được hưởng nhiều bổng lộc từ Bắc Kinh. Hãy chờ xem tới đây ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận như thế nào? Chắc chắn là phải nhất trí “tôn trọng triệt để mọi quy trình pháp lý và ngoại giao phù hợp với UNCLOS”. Tuy nhiên, “đêm dài lắm mộng”, chẳng thể tránh khỏi chuyện buồn trong quan hệ ngoại giao, như thái độ trơ trẽn của ông Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới rồi. Có điều sau 12-7, chưa thấy ông Hun gại giọng (!).
Cuối cùng xin nhắc lời ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc: “Phán quyết cuối cùng của PCA… không có giá trị gì, ngoài việc đó chỉ là một tờ giấy lộn!”.
Ông Đới nhầm to. Cách tốt nhất lúc này là Trung Quốc nên nuốt cục tức vào bụng. Mỹ và và Trung Quốc cần phải ém nhẹm những tuyên bố nóng nảy. Hãy xây dựng nền tảng để tháo ngòi nổ trong khu vực. Thế mới đáng mặt nước lớn./.