Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của LHQ về Luật biển 1982 trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của Hội thảo Biển Đông lần thứ 6 vừa diễn ra tại Washington DC, Mỹ. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức thu hút hàng trăm chuyên gia và quan chức từ nhiều quốc gia.
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia. Ảnh: VOV.
Mỹ cần duy trì cân bằng quân sự
Diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của LHQ về Luật biển 1982 công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện, toàn bộ sự chú ý đã đổ dồn vào quyết định mà tờ Thời báo New York mô tả là “sự quở trách nặng nề đối với cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông”.
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Dan Sullivan đã gọi phán quyết của PCA là phán quyết lịch sử và nêu rõ phán quyết này sẽ mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho tất cả các nước liên quan, bao gồm cả Mỹ. Ông Sullivan cảnh báo những hành động hung hăng và phản ứng tiêu cực đối với quyết định của PCA chỉ khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập.
Ông Sullivan nói: “Đáng tiếc là những năm qua đã cho thấy dấu hiệu Trung Quốc đang chọn lựa chính sách hăm dọa và cưỡng ép đối với các nước láng giềng tại Biển Đông, Hoa Đông và những khu vực khác. Họ cũng đang chối bỏ vai trò của một biên liên quan có trách nhiệm”.
Trước cách hành xử bất chấp luật pháp của Trung Quốc, Thượng nghị sỹ Sullivan cho rằng, Mỹ cần duy trì sự cân bằng quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, giữ vững cam kết với các đồng minh và bảo vệ tự do hàng hải và thương mại. Mỹ cũng cần thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự để thách thức những đòi hỏi phi lý trên biển, bao gồm hoạt động tự do hàng hải tại khu vực đá Vành Khăn mà Trung Quốc đang chiếm giữ.
Phán quyết có giá trị đạo đức
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN tại hội thảo, thành viên Tòa Trọng tài Thường trực PCA, Erick Franckx cho rằng, một trong những điểm quan trọng nhất trong phán quyết của PCA là khuyến khích các nước tìm kiếm và tận dụng tối đa tất cả các khả năng trong phạm vi Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển, bao gồm những điều khoản về giải quyết tranh chấp.
Ông Franckx nói: “Phán quyết của Tòa trọng tài có tác động sâu rộng. Tất nhiên là quyết định của Tòa chỉ áp dụng đối với các bên liên quan nhưng ngoài vấn đề pháp lý thì nó cũng mang theo một giá trị đạo đức rất lớn. Khía cạnh này hiện đang được tất cả các nước trong khu vực nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về an ninh Đông Nam Á ví phán quyết của tòa PCA như kết quả một trận bóng đá mà phần thắng nghiêng về Philippines. Theo Giáo sư Thayer, Trung Quốc đã thất bại toàn diện, bị đánh gục cả về hệ thống lẫn tính pháp lý. Ông Thayer nhấn mạnh rằng, tất cả các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…đều ủng hộ quyết định của Tòa Trọng tài và Trung Quốc sẽ tiếp tục bị cô lập hơn nữa nếu không tuân thủ phán quyết này.
Giáo sư Thayer nói: “Trung Quốc đang đối mặt với thách thức trước việc Tòa Trọng tài tuyên bố đường 9 đoạn là trái luật và họ đã hành xử không phù hợp. Trung Quốc sẽ không còn lý do để quấy nhiễu ngư dân dù trên thực tế họ vẫn có thể sẽ tiếp tục làm điều này. Giờ thì cuộc chơi đã thay đổi. Trung Quốc từng nấp sau sự mơ hồ về đường 9 đoạn để đưa ra yêu sách nhưng bây giờ chúng ta đều biết là nó trái luật”.
Quả bóng trên sân Trung Quốc
Trước việc Trung Quốc tuyên bố bác bỏ phán quyết từ Tòa PCA, chuyên gia nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu hải quân Mỹ, cựu Đô đốc Michael McDevitt nhận định, Trung Quốc sẽ khó có thể thay đổi lập trường trong một sớm một chiều nhưng ông hy vọng tình hình Biển Đông sẽ được cải thiện.
“Thực tế thì Trung Quốc cũng không muốn bị cộng đồng quốc tế coi là nước bất tuân luật pháp. Hơn nữa, phiên tòa đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới thì đây không phải là chuyện nhỏ mà là vấn đề lớn liên quan đến Biển Đông”, ông McDevitt nói.
Đại diện của Việt Nam tại hội thảo, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Nguyễn Vũ Tùng cho biết, phán quyết của PCA là điểm rất mới và quan trọng tại hội thảo lần này, qua đó giúp các bên liên quan tìm hiểu những cơ hội và thách thức để có thể hoạch định những chính sách phù hợp trong vấn đề Biển Đông.
“Phải thừa nhận rằng đây là sự kiện có tính chất bước ngoặt trong vấn đề Biển Đông. Phán quyết của Tòa là phán quyết cuối cùng và do vậy mà mọi người sẽ phải căn cứ vào phán quyết này để đánh giá tình hình và xây dựng chính sách. Điều được trông đợi hiện nay là Trung Quốc nhận định và hành xử như thế nào về phán quyết. Có vẻ như quả bóng đang ở bên sân Trung Quốc và chúng ta đang trông đợi Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo”, ông Nguyễn Vũ Tùng chia sẻ.