Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Trump trở lại và những kịch bản bất lợi với Ukraine

Ông Trump trở lại và những kịch bản bất lợi với Ukraine

Với sự trở lại của ông Trump, Ukraine đối mặt với viễn cảnh các thỏa thuận hòa bình mong manh, sự ủng hộ của Mỹ giảm dần và một châu Âu phải vật lộn để bảo vệ sườn phía Đông của mình.

Ông Donald Trump không chỉ đang trên đường trở lại Nhà Trắng, mà còn có thể trở lại với tư cách là một trong những tổng thống Mỹ quyền lực nhất trong nhiều thập niên: ông thắng cả về số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri, đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.

Đây có thể là nhiệm kỳ cuối cùng của ông, nên gần như không có điều gì có thể ngăn cản ông ấy thực hiện những tầm nhìn táo bạo nhất của mình. Việc có một “trục dọc mạnh mẽ” cũng sẽ giúp ông có khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và biến chúng thành hành động.

Báo Kyiv Independent của Ukraine đã nêu ra 3 kịch bản bất lợi cho Ukraine khi ông Trump trở lại nắm quyền ở Nhà Trắng.

Ông Trump không thực hiện chính sách về Ukraine như đã tuyên bố

Ông Trump và những người đại diện đã thể hiện sự hoài nghi và phản đối tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Những nhân vật như tỷ phú Elon Musk, người từng hỗ trợ Ukraine với Starlink, đã có những phát ngôn chống lại Ukraine trên mạng xã hội. Ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa J.D. Vance thì cho rằng vấn đề Đài Loan quan trọng với Mỹ hơn là Ukraine.

Tuy nhiên, những tuyên bố công khai của ông Trump không hoàn toàn là những chỉ báo đáng tin cậy về các kế hoạch chính sách của ông. Thông tin về các cuộc trò chuyện và quan điểm riêng tư của ông, bao gồm cả từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hé lộ thêm về quan điểm của Tổng thống đắc cử.

Ông có thể không muốn Ukraine không thắng cũng không thua. Ở một khía cạnh tích cực, một số báo cáo thậm chí còn ám chỉ đến việc Mỹ duy trì, thậm chí là tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chỉ để tăng cường năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Vấn đề ở đây là Nga hiện chiếm ưu thế và có thể sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào để rời bỏ mục tiêu tại Ukraine. Trong khi đó, Mỹ có ít công cụ hiệu quả để gây áp lực lên Nga, và Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hỗ trợ cho Moscow.

Điều này cũng không mang lại cho Kiev một tương lai nhiều triển vọng hơn. Một thỏa thuận hòa bình tồi tệ có thể sẽ kích hoạt bầu cử và hỗn loạn nội bộ. Nó cũng có thể mở cửa biên giới, dẫn đến làn sóng di cư hàng loạt của nam giới. Với một Ukraine suy yếu và phương Tây bị phân tâm bởi các cuộc khủng hoảng mới nổi, Nga có thể sẽ nắm bắt cơ hội để tấn công một lần nữa.

Khi nhậm chức, ông Trump có thể phân tâm bởi hàng loạt vấn đề trong nước và giải quyết cuộc chiến pháp lý của bản thân. Ông Trump phải đối mặt với 4 vụ kiện có mức độ rủi ro cao, có khả năng bị trì hoãn hoặc bác bỏ, tuy nhiên vẫn đòi hỏi thời gian và sự chú ý.

Sau đó sẽ là vấn đề trần nợ công của Mỹ. Chi phí trả lãi nợ công của Mỹ đạt mức kỷ lục 1,2 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 10, thậm chí cao hơn chi tiêu quân sự. Việc đình chỉ trần nợ hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 2/1/2025, ngay trước khi quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1 và lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1.

Ông Trump có thể sẽ cố gắng kiểm soát giá năng lượng, bằng cách giải phóng dự trữ hoặc gây sức ép buộc Ả Rập Xê Út phải làm như vậy. Điều này có thể sẽ tác động lớn đến Nga, hơn bất kỳ sự hỗ trợ trực tiếp nào cho Ukraine.

Cuối cùng, nội bộ nước Mỹ còn những vấn đề khác như các hạn chế về việc phá thai, định hình lại các thể chế chính trị và nhập cư. Việc thảo luận về các cuộc trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép có thể đi theo con đường tương tự “Bức tường Trump” sau năm 2016 – mất nhiều năm để thực hiện và cuối cùng phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.

Tóm lại, ông Trump có thể sẽ giao vấn đề Ukraine cho một phái viên, do nhu cầu chú trọng trong nước hoặc nhận ra rằng không có chiến thắng dễ dàng nào.

Những nhân vật có thể đảm nhiệm vai trò này bao gồm cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Richard Grenell, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, hoặc cựu giám đốc CIA và cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Mỹ cắt giảm viện trợ cho Ukraine

Vị thế đàm phán của Ukraine đang yếu và ngày càng xấu đi, điều này sẽ ảnh hưởng đến các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào. Trong khi đó, Nga đang có tốc độ tiến công ở chiến trường Ukraine nhanh nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Điều này càng củng cố vị thế của Moscow trước lễ nhậm chức của ông Trump.

Chiến lược tiềm năng của Ukraine là hợp tác với đặc phái viên của ông Trump và cố gắng thể hiện Ukraine là một cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn, việc hỗ trợ Ukraine thể hiện sức mạnh và họ có thể giành chiến thắng trong những điều kiện thích hợp. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và những người khác nhấn mạnh tiềm năng của Ukraine trong sản xuất lithium, titan, vàng, uranium và khí đốt.

Ukraine có thể sẽ cố gắng duy trì quyền kiểm soát tiến trình hòa bình bằng cách thúc đẩy tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, có thể diễn ra vào dịp tròn 3 năm nổ ra xung đột với Nga.

Kịch bản có thể xảy ra nhất là Mỹ giảm phần lớn hỗ trợ dành cho Ukraine, để châu Âu lấp đầy khoảng trống. Khi đó, các đối tác, đồng minh châu Âu có thể sẽ cần tăng cường hỗ trợ và không loại trừ khả năng triển khai bộ binh để huấn luyện trên lãnh thổ Ukraine.

Mặc dù gặp nhiều thách thức về mặt chính trị, một số quốc gia Bắc Âu có thể dẫn đầu nỗ lực này cùng với Ba Lan và Séc. Sự hỗ trợ đó có thể giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu cho đến cuối năm 2025 khi nguồn tài nguyên của Nga đứng trước nguy cơ cạn kiệt và cuộc phải chấp nhận một số điều khoản đàm phán.

Một kịch bản khác là ông Trump buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán và đề xuất những điều khoản mà Ukraine có thể chấp nhận, như đóng băng xung đột ở tiền tuyến hiện tại và đưa ra các đảm bảo an ninh gần giống với đảm bảo dành cho một thành viên NATO.

Thách thức chính của kịch bản này là Nga không chấp nhận các điều khoản khiến liên quan đến sự tồn tại và khả năng tái thiết của Ukraine. Moscow sẽ chỉ chấp nhận những điều khoản này nếu họ thấy chúng dẫn đến sự rút lui của phương Tây và sự hỗn loạn trong nội bộ Ukraine, tạo điều kiện cho Moscow tấn công trở lại khi nội bộ Ukraine chia rẽ.

Ở kịch bản tồi tệ nhất, nếu Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine, châu Âu dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại. Khi đó, Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ cả về kinh tế, quân sự. Tình trạng thiếu nhân lực, hao mòn liên tục và nguồn tài chính hạn chế có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn cho nước này.

Kịch bản này tuy xa vời nhưng vẫn có thể xảy ra. Với sự khó đoán trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, cả Ukraine lẫn châu Âu đềần những kế hoạch dự phòng mạnh mẽ.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới