Tờ Lenta dẫn nguồn từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Cộng nghệ của Nga (CAST) cho biết, Việt Nam đang đàm phán với Nga để mua 4 tiểu đoàn S-400.
Đồn đoán
Thông tin này được tờ Lenta dẫn nguồn từ Tạp chí Kanwa cho biết, Nga và Việt Nam đang gấp rút đàm phán thương vụ hệ thống tên lửa phòng không S-400. Nếu không có vấn đề gì thì vào cuối năm 2016 này Việt Nam sẽ chính thức ký hợp đồng mua ít nhất là bốn tiểu đoàn S-400 Triumph.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tờ Kanwa đăng tải thông tin về việc Việt Nam mua hệ thống S-400 của Nga. Hồi tháng 12/2015, nguồn tin này cũng đã đưa ra những đánh giá về việc Trung Quốc sẽ được trang bị tên lửa S-400 và việc cả Ấn Độ và Việt Nam cũng sắp trang bị các hệ thống tên lửa tối tân này.
Nga có thể cung cấp 4 tiểu đoàn S-400 cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tương lai gần và gần như chắc chắn rằng những hệ thống này sẽ được đặt ở Vịnh Bắc Bộ và dọc theo Biển Đông, từ đó phía Việt Nam có thể tạo ra những đòn đáp trả tương xứng và gây nên áp lực lớn cho kẻ địch.
Cùng với thông tin trên, nguồn tin quân sự Nga cũng cho biết, sau khi Nga xuất khẩu các hệ thống tên lửa đánh chặn S-400 năm 2015 cho Trung Quốc, phía Việt Nam đặt mua từ 4-6 tiểu đoàn tên lửa S-400, nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ vững chắc đất nước trước mọi tình huống.
Phát biểu với phóng viên của Russia Today hồi tháng 1/2016, ông Igor Novoselov, Trợ lý Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Viện Duma Liên bang Nga cho biết Việt Nam sẽ sớm nhận được tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400.
Đại tá về hưu Igor Novoselov cho biết: “Quân đội Việt Nam hiện đang trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-300. Trong tương lai không xa, thay thế chúng sẽ là S-400, những tổ hợp tên lửa hiện đại nhất. S-400 bắn hạ mục tiêu ở các độ cao lớn và nhỏ, bao trùm phạm vi rộng”.
Không chỉ có Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng muốn mua S-400 Triumf, một hệ thống phòng không đa tầng có thể bắn hạ máy bay tàng hình, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey phát triển, đây là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa S-300.
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trong tầm kiểm soát đến hơn 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
Tổ hợp S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và đồng thời bắn hạ 36 mục tiêu. Đặc biệt, S-400 có khả năng chiến đấu gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Nâng cấp siêu mạnh
Cùng với việc đàm phán mua S-400, rất có thể trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến hành nâng cấp những tổ hợp S-300PMU1 của mình bởi đã hơn 10 năm, chúng ta tiếp nhận tổ hợp S-300PMU1, và theo tiêu chuẩn được nhà sản xuất Nga đặt ra về thời gian bảo quản và nâng cấp với S-300PMU1 của Việt Nam là 10 năm.
Theo đó, đạn tên lửa 48N6E được lắp trong thùng kín là ống phóng kiêm ống bảo quản, có thời gian khai thác sử dụng tới 10 năm mà không cần bảo dưỡng.
Đến nay, việc kiểm tra và tăng hạn sử dụng đạn là yêu cầu bắt buộc, giúp tăng niên hạn thêm 10 năm nữa. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, các tiến bộ khoa học công nghệ cũng đã đưa những phương tiện tiến công đường không có bước phát triển mới, do vậy S-300PMU1 của Việt Nam cũng cần có những nâng cấp, cải tiến để duy trì sức mạnh phòng thủ.
Tuy nhiên, việc cải tiến và nâng cấp hệ thống S-300PMU1 lên chuẩn nào còn phải căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể. Theo nhận định của hãng thông tấn TASS, rất có thể trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nâng cấp những tổ hợp S-300PMU1 lên chuẩn V4. Và nếu được nâng cấp theo chuẩn S-300V4, sức mạnh của các tổ hợp S-300 trong lực lượng phòng không Việt Nam sẽ mạnh ngang với S-400.
Theo Tập đoàn Almaz-Antey, các tính năng kỹ thuật chính giữa S-300V4 và S-400 Triumph cơ bản giống nhau, thậm chí S-400 Triumph còn thua kém ở một số tính năng.
Đại tá Sergey Vlasov, người phát ngôn lục quân Nga cho biết: Tính năng chiến đấu của S-300V4 hơn bản tiêu chuẩn từ 1,5 tới 2,3 lần. Điều này có được là do S-300V4 được áp dụng nhiều công nghệ sử dụng trên tổ hợp tên lửa S-400 Triumph.
Cụ thể, S-300V4 có khả năng tiêu diệt không chỉ mọi loại mục tiêu khí động như máy bay, trực thăng, máy bay không người lái mà cả tên lửa chiến thuật. Vị quan chức này cho biết thêm, mỗi hệ thống S-300V4 sử dụng cùng lúc 2 loại tên lửa phòng không để đảm bảo khả năng tiêu diệt các mục tiêu.
Tổng giám đốc Tập đoàn Almaz-Antei, ông Yan Novikov cho biết: “Hệ thống S-300V4 so với các hệ thống thế hệ trước có diện tích bảo vệ chống tấn công đường không mở rộng gấp 2-3 lần và tầm bắn mục tiêu bay lớn hơn. Các tham số này cho phép đánh chặn chắc chắn đầu đạn tên lửa tầm trung”.
S-300V4 đã được nâng cao khả năng chiến đấu thông qua việc trang bị thêm các thành phần mới như phần cứng máy tính và phần mềm điều khiển hiện đại, cho phép cải thiện các thông số kỹ thuật và hoạt động của hệ thống đáp ứng các điều kiện làm việc của các đơn vị chiến đấu.
Và từ tầm 400 km, một hệ thống S-300V4 có khả năng đồng thời bắn và tiêu diệt chắc chắn 24 mục tiêu khí động, trong đó có các mục tiêu có độ bộc lộ thấp như máy bay tàng hình, hay 16 tên lửa đường đạn bay với tốc độ đến 4.500 m/s.
Các tên lửa tầm ngắn và tầm trung thậm chí phóng từ cự ly 2.500 km lập tức bị bắt bám, các thông số của chúng được nạp vào hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu.