Tổng thống Philippines cử Cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc đàm phán sau phán quyết PCA về Biển Đông.
Hôm 14/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo sẽ cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để đàm phán sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết phản đối những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Tổng thống Duterte cho biết sẽ đề nghị ông Ramos “tới Trung Quốc để khởi động đàm phán” với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Duterte không thông báo cụ thể thời gian diễn ra hoạt động này.
Trước đó, Mỹ đã có ý định giải quyết hòa bình sau phán quyết của Tòa PCA nhằm kiềm chế Trung Quốc và các bên có hành động khiêu khích.
Một quan chức nước này tiết lộ thông điệp ngoại giao từ Mỹ đã gửi tới các đại sự quán và phái đoàn ngoại giao ở Washington còn số khác được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gửi trực tiếp tới các các quan chức cấp cao các nước châu Á.
Việc Mỹ gửi thông điệp ngoại giao chung thay mặt cho nhiều bên được vị quan chức trên cho là một lời “kêu gọi điềm tĩnh” chứ không phải là nỗ lực đoàn kết các lực lượng khác nhằm chống lại Trung Quốc. Điều này càng rõ ràng rằng Mỹ không phải là bên dẫn dắt một liên minh kiềm chế Trung Quốc.
Dù vậy, điều này càng cho thấy ý tưởng Mỹ trong khu vực là hòa bình chứ không hề kêu gọi căng thẳng.
Thực chất, xét trên nhiều bình diện, mâu thuẫn trên Biển Đông vẫn là lợi ích cốt lõi giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc tranh chấp tại khu vực có căng thẳng hay không vẫn là những tuyên bố từ hai phe này.
Theo nhà nghiên cứu Bill Hayton từ Chương trình Châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) tại London, sau phán quyết ở Tòa Trọng tài thường trực PCA, nếu để một Trung Quốc tức giận vì bị mất mặt sẽ không phải là điều tốt cho các nước trong khu vực và cho cả Hoa Kỳ.
Bởi vậy, một lộ trình bền vững hơn là yếu tố hòa bình, ổn định cần phải được cân nhắc khéo léo bởi các phát ngôn.
Nói cách khác, Trung Quốc cần một lối thoát trong danh dự. Còn những điều mà thế giới cần làm là cố gắng thuyết phục nước này không nỗ lực thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Google Maps xóa tên Trung Quốc khỏi bãi cạn Scarborough
Google vừa tiến hành cập nhật bản đồ về một bãi cạn đang có tranh chấp ở Biển Đông, cụ thể là xóa bỏ cái tên mà Trung Quốc dùng để gọi nơi này.
Theo đó, Google Maps gọi địa điểm trên theo tên gọi quốc tế của nó là bãi cạn Scarborough. Trước đó nơi này được gọi là một phần của quần đảo Zhongsha.
Google Maps đã xóa tên Trung Quốc khỏi bãi cạn này sau khi cư dân mạng Philippines mở chiến dịch kêu gọi việc gỡ bỏ cái tên. Họ nói rằng việc đặt tên Trung Quốc đã làm tăng sức nặng cho tuyên bố chủ quyền của nước này với bãi cạn Scarborough.
Được biết, Trung Quốc gọi bãi cạn trên là đảo Huangyan, trong khi Philippines gọi đây là bãi Panatag.
“Chúng tôi thấu hiểu rằng các tên gọi địa lý có thể khơi gợi những cảm xúc sâu xa và đó là lý do vì sao chúng tôi nhanh chóng xử lý ngay khi phát hiện vấn đề,” Google nói trong thư gửi tới hãng tin BBC.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép với một phần lớn của Biển Đông, gồm cả bãi cạn Scarborough, vốn nằm cách Philippines có 160km và cách Trung Quốc tới cả 800km.