Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNên nhìn nhận thế nào về "đường lưỡi bò" sau phán quyết...

Nên nhìn nhận thế nào về “đường lưỡi bò” sau phán quyết trọng tài?

Con dao UNCLOS 1982 đã cắt bỏ “đường lưỡi bò”, nhưng có thể mọc ra “lưỡi” khác nếu tham vọng không thay đổi.

Đường lưỡi bò vô lý Trung Quốc vẽ trên Biển Đông

Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 (sau đây gọi là Tòa) về vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã mở ra một chương mới trong lịch sử ứng dụng và giải thích Công ước.

Đồng thời phán quyết cũng mở ra một tiền đề pháp lý mới cho việc bảo vệ hòa bình, ổn định, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông nên đã, đang và sẽ tiếp tục được sự đón nhận, bình luận mổ xẻ chi tiết của giới chuyên gia pháp lý quốc tế.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin tiếp tục làm rõ về vấn đề “đường lưỡi bò” sau phán quyết trọng tài, mặc dù về mặt pháp lý được Tòa làm rất sáng rõ vừa qua.

Bởi lẽ dù tuyên bố mới nhất của nhà nước Trung Quốc về vấn đề yêu sách “chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông” không nhắc tới đường lưỡi bò, nhưng trong thực tế nó vẫn hiện diện trong hộ chiếu Trung Quốc, các tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc.

Con dao UNCLOS 1982 đã cắt bỏ “đường lưỡi bò”, nhưng có thể mọc ra “lưỡi” khác nếu tham vọng không thay đổi

Tính chất hợp pháp, thỏa đáng và thuyết phục của phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” và đường lưỡi bò mà 5 thẩm phán Hội đồng Trọng tài đưa ra có lẽ đã đủ thuyết phục, cá nhân tôi cũng không thể nói gì hơn ngoài sự khâm phục, ca ngợi và tán thán.

Nó sẽ là điểm khởi đầu quan trọng, căn cứ quan trọng trong việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc không nhắc đến “đường lưỡi bò” trong “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông” ngày 12/7 (sau đây gọi là Tuyên bố của Trung Quốc) cũng là một diễn biến mới đặc biệt đáng chú ý.

Các bên liên quan cần nghiên cứu, tìm cách tận dụng tối đa diễn biến này, tuyên bố này trong đấu tranh bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là, “đường lưỡi bò” sẽ được ứng xử như thế nào hậu phán quyết của Tòa, cả từ phía Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta?

Có thể thấy, Tuyên bố của Trung Quốc mặc dù không nhắc đến đường lưỡi bò trong yêu sách “chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển” của nước này ở Biển Đông, nhưng thực tế họ vẫn in “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu, bản đồ, thư tịch mà chưa có dấu hiệu nào xóa bỏ chúng, thậm chí có thể vẫn không xóa bỏ chúng.

Việc sau Tuyên bố của Trung Quốc hôm 12/7, Bắc Kinh có còn nhắc đến “đường lưỡi bò” trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu, giao lưu trao đổi học thuật trong và ngoài nước này hay không còn phải có thời gian theo dõi, đánh giá.

Còn về bản chất, yêu sách 4 điểm liên quan đến “chủ quyền, quyền lợi biển” ở Biển Đông nếu theo cách giải thích của Trung Quốc như trước đây thì cũng chẳng khác gì “đường lưỡi bò”, vẫn chỉ là bình mới rượu cũ.

Bởi nếu họ cứ nằng nặc đưa ra yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho các cấu trúc ở Biển Đông mà Trung Quốc tự gọi là “đảo”, thì cũng gần như phủ kín Biển Đông.

Bởi ngoài Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, họ còn yêu sách với cả quần đảo quần đảo Pratas gồm một số đảo nhỏ (họ gọi là Đông Sa) và bãi ngầm Macclesfield chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Trung Sa”.

Nói cách khác, “lưỡi bò” bị cắt thì có thể người ta vẫn cố tình cho mọc ra “lưỡi trâu” hay một thứ “lưỡi” nào đó.

Mặt khác, Trung Quốc mặc dù trước đây có đưa ra một số lập luận để biện bạch cho “đường lưỡi bò” nhưng chúng không nhất quán, không có cơ sở pháp lý và phán quyết của Tòa vừa mới bác bỏ.

Nhưng chính thức về mặt nhà nước, Trung Quốc chưa bao giờ gọi vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” bằng một cái tên cụ thể nào mang tính chất yêu sách nhà nước và có trong định nghĩa của luật pháp quốc tế.

Đó chính là thủ đoạn tung hỏa mù, cố tình làm đối phương cảm thấy rối rắm, lẫn lộn về các khái niệm pháp lý khi tìm hiểu về “đường lưỡi bò” như một yêu sách của Trung Quốc.

Bởi vậy cá nhân tôi thiết nghĩ rằng, kể từ sau phán quyết của Tòa, nên gọi “đường lưỡi bò” là một “âm mưu” thay vì một “yêu sách”.

Thế giới và Việt Nam nên ứng xử ra sao với âm mưu “đường lưỡi bò” sau phán quyết?

Rõ ràng ngay cả khi Tòa chưa ra phán quyết, chúng ta và không một quốc gia nào trên thế giới thừa nhận “đường lưỡi bò” Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc đã sử dụng nó như một cái cớ để xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam và các nước khác ven Biển Đông.

Có thể bây giờ họ không nhắc đến, nhưng trong tương lai nếu họ lặp lại những việc làm tương tự như mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam, cắm giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam…thì sao?

Khi đó chúng ta sẽ phải phản ứng thật sự kiên quyết, và chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ to lớn từ cộng đồng khu vực và quốc tế. Còn trong trường hợp họ không lặp lại điều này thì quá tốt, nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

Hơn nữa, bất kỳ tài liệu, bản đồ, hộ chiếu hay các vật dụng nào từ Trung Quốc hay thông qua quốc gia, vùng lãnh thổ thứ 3 nào khác theo con người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải được kiểm tra và gỡ bỏ.

Chúng ta không thể cho phép có sự hiện diện của biểu tượng “đường lưỡi bò” trên lãnh thổ Việt Nam.

Tôi đã từng nhiều lần nhấn mạnh, COC trước phán quyết không thể ký được là vì Trung Quốc đòi áp dụng trong toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn. Phán quyết của Tòa có thể mở ra cánh cửa mới cho COC.

Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa, nhưng vẫn có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán và ký kết COC được, nếu họ thực sự thiện chí.

Đây là lý do tại sao tôi nhấn mạnh cần nghiên cứu, tận dụng khai thác Tuyên bố của Trung Quốc không có đường lưỡi bò để thúc đẩy Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, ký kết bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo hòa bình, ổn định, giữ nguyên hiện trạng và ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông.

Tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào thiện chí thực sự của họ. Nếu Trung Quốc không có thiện chí, bị cắt “đường lưỡi bò” rồi mà vẫn tìm cách đẻ ra một cái gì đó tương tự thì không bao giờ có COC.

Ngoài ra, với 4 điểm yêu sách “chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển” ở Biển Đông được nêu trong Tuyên bố của Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn có đủ tự tin và căn cứ pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc, tuyên truyền giải thích cho dư luận quốc tế bao gồm người dân Trung Quốc hiểu.

Trong đó xin nhắc lại một lần nữa, vấn đề tranh chấp “chủ quyền lãnh thổ” đối với các đảo và các thực thể phụ thuộc ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở tuân thủ hệ thống luật pháp và thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.

Còn vấn đề “quyền lợi biển” bao gồm các vùng biển có thể được thành lập bởi những đảo và thực thể phụ thuộc này, và các quyền lợi khác Trung Quốc gọi chung là “quyền lịch sử” liên quan đến việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982. 

Riêng vấn đề này phán quyết của Tòa đã cho chúng ta nhiều gợi mở pháp lý rất quan trọng, đặc biệt là giải thích và áp dụng quy chế pháp lý cho các cấu trúc. Do đó cần nghiên cứu rất kỹ nội dung phán quyết của Tòa để có những phương án sẵn sàng.

Tóm lại, cùng với việc nghiên cứu và phân tích kỹ càng phán quyết trọng tài trong vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, chúng ta đồng thời không chủ quan lơ là mất cảnh giác với “âm mưu đường lưỡi bò”, đồng thời tìm cách vận động, giải thích để Trung Quốc hiểu đúng bản chất vấn đề và quay trở lại bàn đàm phán thực chất COC bằng tuyên bố của chính họ hôm 12/7.

Nếu được như vậy thì cho dù Trung Quốc vẫn nói “3 Không” với phán quyết của Tòa, nhưng trong thực tế vì lợi ích của chính họ và khu vực, Trung Quốc vẫn có cách thực hiện từng bước phán quyết của Tòa về thực chất.

Nếu chỉ biết “tự sướng” với phán quyết của Tòa, hơn thế lại dùng phán quyết ấy để công kích, làm bẽ mặt Trung Quốc chắc chắn sẽ chỉ mang lại những phản ứng tồi tệ mà không ai mong muốn.

Đây cũng chính là cái đích mà các bên cần hướng tới. Làm cho Trung Quốc hiểu vấn đề rằng tôn trọng luật pháp quốc tế chỉ càng làm tăng hình ảnh, uy tín, vai trò và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế mà thôi.

Làm được như thế, Trung Quốc cũng mới giải tỏa được chính những bức xúc, tranh cãi, bất đồng trong nội bộ, bởi nhiều nhà khoa học Trung Quốc chân chính, nhiều người Trung Quốc hiểu biết luật pháp quốc tế cũng không bao giờ chấp nhận những yêu sách vô lý xây dựng trên tham vọng, thay vì luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới