Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBÀN VỀ LÒNG TIN CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TRONG...

BÀN VỀ LÒNG TIN CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TRONG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Cách đây gần hai năm, vào tháng 10 năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc” nhân chuyến thăm viếng chính thức Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam.

Thỏa thuận khẳng định sẽ dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) làm những cơ sở cho việc giải quyết những tranh chấp trên biển. Trong hội đàm cũng như trong Tuyên bố chung, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Hồ Cẩm Đào lúc đó đã nói đến việc tăng cường “sự tin cậy” và “tình đồng chí anh em chân thành ở cả tầm lãnh đạo cấp cao và tất cả các tầng lớp nhân dân hai nước”.

Hai ông còn khẳng định: Nếu hai bên xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp thoả đáng cho tình hình Biển Đông. Dư luận lúc đó cũng đã tốn khá nhiều giấy mực để viết về chuyến thăm nàycho rằng sau chuyến viếng thăm, Việt Nam và Trung Quốc đã đi đến thống nhất duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên để kịp thời chỉ đạo, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, thể hiện sự tin cậy chiến lược.

Là hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có thể có được lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông hay không? Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những hành động của Trung Quốc sau khi đã ký kết Thỏa thuận nói trên xem sao.

Trong những tháng đầu năm 2012, Biển Đông không có gì khác biệt so với những năm trước, vẫn dậy sóng dữ dội bởi một loạt những hành động đơn phương của Trung Quốc, chẳng có gì là xuất phát từ “tình đồng chí anh em chân thành” giữa hai Đảng Cộng sản. Ngày 21/6/2012, sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam nhằm nội luật hóa UNCLOS và khẳng định lại chủ quyền lịch sử, pháp lý vốn có của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (trước đây đã từng được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia 2003), Trung Quốc đã đồng thời triển khai một loạt các hoạt động dường như đã được tính toán bài bản từ trước, khiến cho tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng và bế tắc trong giải pháp. Từ những phản ứng gay gắt của Bắc Kinh về chính trị, ngoại giao, tuyên truyền đến những hành động ngang ngược vô lối trên biển như ngang nhiên mời thầu quốc tế 9 lô dầu khi nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; công bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” một cách phi pháp, với khu vực hành chính bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và tiếp theo đó là ráo riết triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức bộ máy hành chính, xã hội, bố trí lực lượng quân sự… để củng cố cho cái thành phố có một không hai trên thế giới này.

Đến cuối năm 2012, chính quyền tỉnh Hải Nam thông qua “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013. Điều lệ này được áp dụng cho phạm vi khoảng 2 triệu km2 của Biển Đông bao gồm cả “thành phố Tam Sa”, theo đó cảnh sát biên phòng Hải Nam sẽ có quyền kiểm tra, bắt giữ và trục xuất bất kỳ thuyền bè nước ngoài nào “xâm nhập trái phép các vùng biển do Hải Nam quản lý”. Trung Quốc đã xây dựng đề án chuyển dịch ngư trường đánh bắt cá của tàu cá Quảng Tây (khoảng 11.400 chiếc) từ Vịnh Bắc Bộ đến Biển Đông và trình bày tại Hội nghị hiệp thương lần 1 của Ủy ban Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cuối tháng 1/2013. Từ tháng 11 năm 2012, Trung Quốc đã triển khai đợt đầu việc đưa các đội tàu đánh cá gồm 30 chiếc, có sự hỗ trợ của các tàu hải giám, hải cảnh, thậm chí cả tàu hải quân, đi xuống khu vực quần đảo Trường Sa để đánh bắt cá trái phép trong thời gian trên 40 ngày, tranh chấp ngư trường với ngư dân Việt Nam đã hoạt động lâu đời trong vùng biển này.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Bắc Kinh cho triển khai một loạt các hoạt động trên Biển Đông với tính chất ngày càng ngang ngược, trắng trợn và thâm độc hơn. Đó là việc đẩy vấn đề ngư dân và hoạt động nghề cá trên Biển Đông trở thành vấn đề gai góc, gây bức xúc và tiềm ẩn khả năng đụng độ cao ở Biển Đông. Bắc Kinh đặc biệt gia tăng các hoạt động tuần tra, trấn áp của số lượng lớn các tàu hải giám, hải cảnh, hải quân thường xuyên có mặt ở Biển Đông, cản trở các hoạt động nghề cá bình thường của ngư dân Việt Nam và đã gây ra không ít vụ việc nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng, tài sản và đời sống kinh tế của ngư dân và tàu cá Việt Nam. Chưa ai quên vụ tàu hải quân Trung Quốc số hiệu 786 đã uy hiếp và bắn cháy nóc ca bin của tàu cá ngư dân Quảng Ngãi QNg 96382 ngày 20/3/2013, thì lại đến vụ tàu cá QNg 90917 bị tàu Trung Quốc 3 lần liên tiếp đâm vào đầu tàu, thân tàu và đuôi tàu làm hư hỏng nặng ngày 20/5/2013, và còn nhiều vụ việc tàu Trung Quốc đe dọa, uy hiếp tàu cá Việt Nam mà chưa nói ra hết.

Như vậy, câu trả lời đã quá rõ ràng. Không thể có được lòng tin chiến lược với Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Mọi lời nói của Trung Quốc thể hiện ra trước công luận chỉ là những ngôn từ ngoại giao, ngụy biện cho việc “nói một đằng làm một nẻo” của mình, hoàn toàn không được thể hiện bằng hành động thực tế. Bởi một lẽ Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng và tham lam hơn trên Biển Đông, quyết tâm hiện thực hóa cho được cái yêu sách “đường lưỡi bò” hoang đường và phi lý, cố gắng cho thế giới thấy Trung Quốc có thể quản lý được 80% diện tích Biển Đông; chủ động gây áp lực bằng các mánh khóe ngoại giao, chính trị, pháp lý, quân sự, tuyên truyền… mà không cần đếm xỉa đến luật pháp quốc tế, đến phản ứng và lợi ích của các nước khác trong Biển Đông.

Muốn có được lòng tin chiến lược trên vấn đề Biển Đông thì trước hết, Trung Quốc phải từ bỏ những yêu sách quá đáng của mình ở Biển Đông. Trong phát biểu tại Đối thoại Shangri – La lần thứ 12 tại Singapore ngày 31/5/2013, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh “để xây dựng lòng tin chiến lược, các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia – nhất là các nước lớn, và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Ngày 5/6/2013, tại vòng đối thoại chiến lược quốc phòng Việt – Trung lần thứ tư, ông Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam đã đề xuất việc quân đội hai nước ký Thỏa thuận không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước để “củng cố lòng tin chiến lược giữa quân đội hai nước, góp phần vun đắp lòng tin chiến lược Việt Nam – Trung Quốc”. Ngày 20/6/2013, trong hội đàm với người đồng cấp Tập Cận Bình tại Trung Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cũng nói đến sự tin cậy chính trị để làm phong phú và thực chất hơn nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của dư luận quốc tế thì Trung Quốc dường như không mặn mà với đề xuất của Việt Nam. Trước đề nghị của của ông Nguyễn Chí Vịnh, trưởng đoàn Trung Quốc tại đối thoại quốc phòng Việt – Trung, Trung tướng Phó tổng tham mưu trưởng Thích Kiến Quốc chỉ trả lời lấy lệ là “sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn hai bên nghiên cứu”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Sang, Trung Quốc cũng khước từ việc đưa nội dung “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” vào Tuyên bố chung. Như vậy làm sao mà có thể có được lòng tin chiến lược giữa hai nước cộng sản./.

RELATED ARTICLES

Tin mới