Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới tăng tốc phát triển điện hạt nhân

Thế giới tăng tốc phát triển điện hạt nhân

Tốc độ phát triển điện hạt nhân trên thế giới đang nóng dần, khiến Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự báo lĩnh vực này sẽ tăng mạnh trong nhiều thập niên tới.

Reuters ngày 28.11 dẫn các nguồn thạo tin cho hay giới chức Pháp đang hoàn tất kế hoạch cung cấp khoản vay không lãi suất cho Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) để hỗ trợ xây 6 lò phản ứng hạt nhân. Động thái mới phản ánh xu hướng tăng tốc phát triển điện hạt nhân (ĐHN) ở nhiều nước, trong đó ĐHN tại Pháp hiện chiếm đến 62,6% sản lượng điện cả nước, tỷ lệ cao nhất thế giới.


Điện hạt nhân “nóng” trở lại

Cộng hòa Czech hồi tháng 7 đã thông qua kế hoạch tương tự nhằm thúc đẩy dự án ĐHN. Các nước khác như Anh và Ba Lan cũng dự định xây nhà máy ĐHN mới nhằm đáp ứng nhu cầu tự chủ năng lượng. Chính phủ Anh gần đây cam kết hỗ trợ hơn 5,5 tỉ bảng Anh giúp phát triển sơ bộ dự án ĐHN Sizewell C có công suất 3,2 GW.

Tại Mỹ, Bộ Năng lượng ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 200 GW ĐHN để theo kịp nhu cầu đến năm 2050. Trong hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan (11 – 22.11), Mỹ đặt mục tiêu tăng thêm 35 MW ĐHN vào năm 2035 và mỗi năm tăng thêm 15 GW. Tại Trung Quốc, Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA) cho biết nước này có 56 lò phản ứng hoạt động với tổng công suất 54,3 GW, bên cạnh 30 lò phản ứng khác với tổng công suất 32,5 GW đang được xây.

IAEA hồi tháng 9 dự báo công suất ĐHN thế giới sẽ tăng gấp 2,5 lần vào năm 2050, trong đó có sự đóng góp đáng kể từ các lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR). “Dự báo mới của IAEA phản ánh sự hiểu biết gia tăng về ĐHN là nguồn cung cấp năng lượng sạch và an toàn, cũng như sự quan tâm gia tăng đối với SMR nhắm tới các ứng dụng điện và phi điện năng, giúp đạt các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững”, theo Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi.

Tính đến cuối năm 2023, thế giới có 413 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất 371,5 GW. Theo mức dự báo cao nhất, IAEA cho rằng công suất này sẽ tăng lên 950 GW vào năm 2050. Tại hội nghị COP28 năm ngoái ở UAE, 22 quốc gia lần đầu tiên cam kết tăng gấp 3 mức sử dụng năng lượng hạt nhân vào giữa thế kỷ này để giúp kiềm chế sự ấm lên toàn cầu. Đến COP29, có thêm 6 nước tham gia cam kết.

Động lực mới

Theo bà Bilbao y Leon, Tổng giám đốc WNA, ngày nay có thêm rất nhiều người cởi mở với việc đề cập ĐHN như một giải pháp năng lượng và chống biến đổi khí hậu. “Đó là một động lực hoàn toàn mới”, bà nhận định. ĐHN được sử dụng tại Mỹ trong 60 năm qua và là nguồn năng lượng sạch lớn nhất cả nước, giúp tránh phát thải hơn 470 triệu tấn CO2 hằng năm, tương đương lượng phát thải của 100 triệu ô tô trên đường, theo trang web của Bộ Năng lượng Mỹ.

Bang Pennsylvania (Mỹ) mới đây công bố kế hoạch mở cửa lại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, dự kiến tạo 3.400 việc làm và doanh thu thuế 3 tỉ USD. “Khí đốt đang bị công kích. Than đang đóng cửa trên khắp đất nước này. Bạn phải có nguồn năng lượng cơ bản và hạt nhân có lẽ là nguồn hiệu quả nhất mà chúng ta có”, theo AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng xây dựng và thương mại Pennsylvania Robert Bair.

Giới chuyên môn cho rằng cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm tăng vọt nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, thúc đẩy các gã khổng lồ điện toán đám mây tìm kiếm thêm các nguồn năng lượng carbon thấp. Tập đoàn Microsoft, cổ đông lớn nhất của OpenAI, hồi tháng 9 ký hợp đồng mua điện từ nhà máy ĐHN Three Mile Island trong 20 năm. Tháng trước, Công ty Kairos Power (California, Mỹ) đạt thỏa thuận xây 6 hoặc 7 lò phản ứng hạt nhân nhỏ để cấp điện cho Google nhằm phục vụ nhu cầu AI. Ngoài ra, Tập đoàn Amazon đã mua một trung tâm dữ liệu chạy bằng năng lượng hạt nhân vào tháng 3 từ nhà sản xuất điện độc lập Talen Energy.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới