Tập Cận Bình cùng lực lượng tham mưu của ông luôn tạo ra những khác biệt khiến cho cả đối thủ cũng như đối tác không thể đoán biết được ý định của họ.
Từ nửa cuối năm 2015 đến nay, người Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng đột biến trong việc mua bán, sở hữu bất động sản ở nước ngoài, bao gồm cả nhà và đất, tạo ra những xáo trộn trên thị trường bất động sản thế giới, nhất là tại những quốc gia phát triển và người dân có thu nhập cao, theo VOA ngày 27/4.
Thực ra, việc người Trung Quốc mua nhà đất ở nước ngoài đã diễn từ những năm trước nhưng nó rộ lên trong thời gian gần đây.
Người Trung Quốc ưa thích mua bất động sản tại Mỹ, Anh, Australia và Canada, từ đó hình thành nên làn sóng săn lùng bất động sản của người Trung Quốc ở nước ngoài, khiến cho chính quyền tại các nước này phải có những điều chỉnh để hạn chế sự gia tăng ấy.
“Australia sẽ áp thêm thuế với người nước ngoài mua nhà ở Sydney, sau khi bang New South Wales nhận ra cần phải có biện pháp đối phó trước làn sóng người Trung Quốc đổ xô đến đây mua nhà, khiến giá bất động sản tăng chóng mặt”, theo VTV ngày 21/6.
Theo đó, thuế phụ trội mà những người nước ngoài khi mua nhà tại Sydney sẽ phải đóng thêm là 4% giá trị căn nhà. Còn tính từ năm 2017 trở đi, mức thuế đóng thêm sẽ là 4,75%. Dự kiến hai loại thuế phụ trội sẽ mang lại cho New South Wales hơn 1 tỷ đô la Australia trong vòng 4 năm.
Trước đó, làn sóng đầu tư bất động sản của người nước ngoài đã đẩy giá nhà đất ở Sydney tăng gần gấp đôi kể từ cuối năm 2008, khiến người dân địa phương lo ngại không đủ khả năng chi trả bằng thu nhập của mình.
Như vậy, có thể nhận diện việc người Trung Quốc tăng cường việc sở hữu nhà đất ở nước ngoài không những phục vụ nhu cầu của họ mà còn làm lũng đoạn thị trường bất động sản thế giới.
Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì phía sau động thái này của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc là kế sách quan trọng của Trung Nam Hải, nhằm giải nguy cho thị trường bất động sản tại nước này.
Phía sau “nghịch lý” của chiến dịch đả hổ diệt ruồi
Có thể thấy rằng bất động sản và thị trường bất động sản ảnh hưởng rất quan trọng tới sức mạnh của một nền kinh tế và sức phát triển của một quốc gia.
Ngược lại bất động sản và thị trường bất động sản ảnh có thể làm cho nền kinh tế nhỏ đi, rối loạn phát triển và thậm chí kết thúc bằng khủng hoảng, sụp đổ. Cùng với đó là sự sụp đổ về chính trị, bất ổn xã hội.
Nền kinh tế càng phụ thuộc vào bất động sản hay thị trường bất động sản thì càng dễ trở thành “bong bóng xà phòng” và nguy cơ suy thoái, khủng hoảng, sụp đổ càng lớn.
Điều đó thể hiện rõ nét nhất qua cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu năm 2008, khi nó bắt đầu từ bất động sản, thị trường bất động sản tại Hoa Kỳ. Gần một thập kỷ trôi qua, hậu quả của cơn địa chấn này vẫn còn là ác mộng với kinh tế toàn cầu.
Như người viết đã từng phân tích, tăng trưởng nóng của Trung Quốc là nhờ nợ vay, sức mạnh thực sự của nền Trung Quốc là vay nợ cả dưới hình thức tín chấp và thế chấp.
Khi nợ vay tăng nhanh thì tín chấp – bảo lãnh của chính phủ trung ương, chính quyền địa phương – sẽ giảm công hiệu và phải vay thế chấp.
Từ vay trực tiếp ngân hàng đến phát hành cổ phiếu, trái phiếu đều cần phải thế chấp. Bất động sản được xem là tài sản thế chấp lớn nhất tại Trung Quốc.
Theo Business Insider thì cơ cấu nợ công tại Trung Quốc là: nợ địa phương/tổng nợ công = 1/4 và nợ trung ương/tổng nợ công = 3/4. Trong khi đó nợ địa phương tại Trung Quốc phần lớn là nợ vay thế chấp bằng bất động sản.
Còn theo Forbes, những bất động sản thế chấp thường được định giá cao hơn giá thị trường rất nhiều, điều này nhiều khiến cho nợ xấu như một quả bom nổ chậm trong nền kinh tế Trung Quốc và nợ xấu mất khả năng thu hồi chiếm tỷ trọng rất cao.
Chắc chắn đội ngũ tham mưu của Tập Cận Bình nhìn thấy rõ điều ấy và sự nguy hại của nó nên đã giúp ông chuẩn bị những biện pháp giải quyết vấn nạn nguy hiểm này ngay khi vừa nhậm chức.
Rõ ràng với thực trạng kinh tế hiện tại thì Bắc Kinh không thể tự giải quyết được tình trạng bong bóng trong thị trường bất động sản tại Trung Quốc. Hoặc nếu giải quyết thì kinh tế Trung Quốc cũng phải trả giá rất đắt cho vấn nạn này.
Như vậy là Trung Quốc phải nhờ tới các định chế, tổ chức và cá nhân nước ngoài trợ giúp giải quyết tình trạng nguy hiểm của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Chờ đợi tiền nước ngoài đổ vào thị trường Trung Quốc là không dễ và cũng rất nguy hiểm nếu khối đầu tư ngoại quốc bán tháo khi nhận ra sự bất thường, phi lý của thị trường thứ cấp này tại Trung Hoa đại lục.
Chính mình không tự giải quyết được, nhờ người ngoài cũng không xong. Vậy phải làm sao?
Kết hợp “nội công ngoại kích” chắc chắn là giải pháp phải tính tới và Tập Cận Bình cùng đội ngũ tham mưu đã chọn giải pháp đó.
Tuy nhiên, bằng cách nào để có được giải pháp kết hợp đầy công hiệu đó là một vấn đề không hề đơn giản chút nào.
Bởi lẽ, bất cứ chính sách nào được chính phủ Trung Quốc ban hành trong thời điểm nhạy cảm này đều có thể khiến cho tình hình nguy hại hơn. Đó là niềm tin của giới đầu tư bị đặt trước hàng loạt câu hỏi mà không dễ đưa ra lời giải đáp.
Như vậy là phải xuất phát từ ngước ngoài và người Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc phải là người gánh vác nhiệm vụ ấy. “
Mang chuông đi đánh xứ người” có thể nhận diện là phương thức mà Tập Cận Bình lựa chọn trong việc tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp Trung Quốc hoàn thành nhiệm vụ “thoát hiểm” này.
Và qua đây lại thể hiện tài năng vượt trội của người được xem là hạt nhân trong thế hệ lãnh đạo thứ năm tại Trung Nam Hải.
Có thể thấy rằng, ngay từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực, chính phủ Trung Quốc đã có những chủ trương và ban hành những chính sách nhằm thực hiện kế sách của ông. Cụ thể nhất là việc hạn chế kiểm soát việc người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo giới phân tích, đây là bước đầu trong chiến lược “Tây tiến” của người dân và giới doanh nghiệp Trung Quốc dưới sự hậu thuẫn gián tiếp của chính phủ nước này.
“Tháng 12/2013, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) thay đổi quy tắc nộp hồ sơ và phê duyệt dự án đầu tư ngoài nước – được gọi là các “biện pháp mới”. Theo đó NDRC bãi bỏ quy định, bất kỳ khoản đầu tư ra bên ngoài vượt quá 100 triệu USD phải được sự chấp thuận của của NDRC”, theo tài liệu của lexology.com.
Đây là dấu mốc quan trọng nhất trong việc chính phủ Trung Quốc giúp người dân, doanh nghiệp chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản nhằm thực hiện ý đố của Bắc Kinh.
“Từ khi chính quyền Bắc Kinh xóa bỏ quy định phải xin phép trước nếu số tiền cần chuyển ra nước ngoài vượt quá 100 triệu USD thì số thương vụ mua bán và đầu tư ở nước ngoài của giới doanh nghiệp Trung Quốc tăng đáng kể.
Năm 2014 có 272 thương vụ mua bán và đầu tư với tổng số tiền lên tới 103 tỉ USD, tăng 72 vụ so với năm 2013”, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ.
“Mỗi năm người Trung Quốc chuyển ra nước ngoài hơn 1.000 tỷ USD.
Giải thích cho làn sóng đổ tiền vào bất động sản ở nước ngoài cũng như di cư của giới nhà giàu Trung Quốc, các chuyên gia nhận định rằng nguyên nhân của hiện tượng đó chính là do sự giàu có lên nhanh chóng của một lớp người, cho tới các yếu tố và môi trường, văn hóa, chính trị…”, theo thống kê và nhận định của The National Post, Canada, ngày 20/8/2014.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ sẽ nhận ra đây là sự nghịch lý, tạo ra kẽ hở “chết người” trong chiến dịch “ đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình. Bởi lẽ trọng tâm của chiến dịch này là chống tham nhũng, vô hiệu hoá khả năng sử dụng những “của chìm” tại Trung Hoa đại lục.
Vậy nhưng khi nới lỏng hạn chế kiểm soát việc người dân và doanh nghiệp chuyển tiền ra nước ngoài thì vô hình chung Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho việc chuyển “của chìm” ra nước ngoài và sử dụng.
Tóm lại, những người làm lợi bất chính có thể bị thanh trừng, nhưng nguồn lợi bất chính thì lại có thể được sử dụng vào việc “cứu nguy” kinh tế đất nước, đó là có thể chuyển ra nước ngoài và làm tăng sức mạnh cho kinh tế đối ngoại của Trung Quốc.
Việc tăng sở hữu bất động sản tại nước ngoài vừa làm tăng tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc, vừa mang ngoại tệ về cho kinh tế Trung Quốc qua hoạt động kinh doanh bất động sản tại nước ngoài.
Chỉ có điều là, khi kinh tế nội địa đang cần vốn đầu tư nhưng chính phủ Trung Quốc lại tạo điều kiện cho dòng vốn chảy ra ngoài, vậy bản chất của vấn đề đó là gì?
Trung Quốc không thiếu vốn? Nợ vay của Trung Quốc không đáng lo ngại? Lý giải theo hướng nào, góc nhìn nào cũng “có vẻ rất có lý”.
Điều đó khiến cho giới đầu tư sẽ thay đổi cách nhìn về thực trạng kinh tế Trung Quốc cùng với đó niềm tin của họ vào khả năng quản lý kinh tế của chính phủ Trung Quốc sẽ được cải thiện.
Trung Quốc tăng cường sở hữu bất động sản ở nước ngoài – mũi tên nhiều đích
Có thể nhận định rằng, nỗi lo lớn nhất của chính phủ Trung Quốc đó chính là niềm tin của giới đầu tư, bởi lẽ nó có thể là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế xẹp hơi nhanh chóng, cùng với đó là nguy hại khôn lường.
Vì vậy, tạo niềm tin cho giới đầu tư là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các chủ trương, chính sách kinh tế của Bắc Kinh.
Đại lý bất động sản LuLu Sun (phải) đưa Bao Fang, một khách hàng tiềm năng từ Thượng Hải, xem một bất động sản mở bán ở Vaucl. Ảnh: VOA. |
Khi kinh tế trong nước khát vốn mà lại tạo điều kiện cho vốn chảy ra nước ngoài thì giới đầu tư đang bị Trung Hoa lục địa thuyết phục rằng, Bắc Kinh đã nguôi cơn khát.
Nợ vay đang như quả bom nổ chậm của nền kinh tế nhưng Trung Nam Hải không giảm nợ vay mà lại tạo điều kiện cho đầu tư ra nước ngoài.
Đây có thể coi như “hiểm kế” của đội ngũ quân sư cho Tập Cận Bình để chứng tỏ với thế giới bên ngoài rằng, nền tảng tài chính của kinh tế nội địa đã khả quan và nợ công chưa đến mức làm đảo điên nền kinh tế.
Bất động sản trong nước đang dược xem ở xa giá trị thực mà Bắc Kinh lại không dùng công cụ tài chính để kéo nó về với giá trị thực, mục đích cũng là để chứng tỏ với giới đầu tư, bong bóng bất động sản tại Trung Quốc chỉ là suy diễn của giới chuyên gia.
Có thể thấy rằng nỗi lo bong bóng bất động sản xì hơi tại Trung Quốc cũng là nỗi lo lắng nhất của giới đầu tư quốc tế đối khi đổ vốn vào nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai này.
Tuy nhiên, dù thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán Trung Quốc có chao đảo, hỗn loạn và bốc hơi nhiều tài khoản của kinh tế Trung Quốc, nhưng giới chuyên gia và phân tích không thể đưa ra dự báo về thị trường bất động sản tại Trung Quốc bởi chính những “hiểm kế” mà cánh quân sư của Tập Cận Bình đang giăng ra.
“Những tài sản này có thể trở thành công cụ bành trướng và thọc sâu vào nền kinh tế của nước sở tại khi chính quyền Bắc Kinh cần đến. Điều khiến người ta luôn lo ngại là nguồn tiền có sạch sẽ không và mục tiêu đầu tư có thuần túy kinh tế hay không”, theo báo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, lũng đoạn thị trường bất động sản thế giới, phá hoại kinh tế toàn cầu không phải là mục đích quan trọng nhất qua việc người Trung Quốc tăng cường sở hữu bất động sản ở nước ngoài.
Ngược lại, làm sao “cứu nguy” thị trường bất động sản tại Trung Hoa lục địa mới là mục đích quan trọng nhất trong tình huống này. Bởi lẽ, nếu “phá người” mà không “cứu được mình” thì sẽ là đại hoạ với kinh tế Trung Quốc.
Do vậy, việc tạo điều kiện cho nguồn vốn chảy ra nước ngoài một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho người Trung Quốc giàu lên ở nước ngoài một cách dễ dàng là nhắm tới ổn định thị trường bất động sản trong nước.
Thị trường bất động sản phải sôi động, giá bất động sản phải tăng thì nguy cơ bong bóng bất động sản xì hơi mới được đẩy lùi. Khi Bắc Kinh không cần giữ vốn để giải nguy nợ xấu được thế chấp bởi bất động sản thì chứng tỏ nguy cơ chưa hiển hiện.
Đó là điều quan trọng nhất khiến giới đầu tư có niềm tin và hướng vào thị trường bất động sản tại Trung Hoa lục địa. Cùng với đó là việc thị trường nhà đất ở các nơi tăng giá và khan hiếm khiến cho thị trường nhà đất tại Trung Quốc vô hình chung trở nên hấp dẫn hơn.
“Sự phục hồi của thị trường bất động sản của Trung Quốc kể từ cuối năm ngoái đã là một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này” theo Reuters ngày 16/7.
“Theo báo cáo của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, giá đất ở Trung Hoa lục địa tăng nhanh hơn trong quý II/2016. Giá đất ở tại 105 thành phố được khảo sát tăng 1,95% trong quý II/2016 so với quý I/2016, trong khi quý I/2016 đã tăng 1,27% so với quý IV/2015.
Còn theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/7, đầu tư bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015”, Reuters cho biết.
Như vậy là khó có thể có hiện tượng tháo chạy khỏi thị trường bất động sản Trung Hoa lục địa như nhiều chuyên gia bình luận, khi người dân và doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô đi săn lùng và sở hữu bất động sản ở nước ngoài.
Nếu Bắc Kinh không nới lỏng việc kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài mà lại giữ chặt tại nội địa để cứu nguy bong bong bất động sản thì có thể sẽ gây hiệu ứng ngược, và chắc chắc được nhận diện là sự lo lắng của chính phủ.
Khi bất động sản mất giá, nợ xấu gia tăng sẽ khiến cho nền kinh tế Trung Quốc mất đi khoản tiền hàng ngàn tỷ USD từ lĩnh vực này.
Bắc Kinh sẽ phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng, như ngưới viết từng phân tích chi tiết qua bài “Bắc Kinh đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát nền kinh tế”.
Nay qua hành động “mang chuông đi đánh xứ người” với việc người dân và doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường sở hữu bất động sản tại nước ngoài, nguy cơ ấy dường như đang dần được đẩy lùi.
Tóm lại, việc tạo nghịch lý trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng săn lùng và sở hữu nhà đất ở nước ngoài là một kế sách mà đội ngũ quân sư của Tập Cận Bình đã tìm ra nhằm cứu nguy cho thị trường bất động sản trong nước.
Nước cờ này đảm bảo sự an toàn cho nợ công khi hệ số nợ đã gia tăng nhanh chóng và đang nằm ở mức nguy hiểm.
Tập Cận Bình cùng lực lượng tham mưu của ông luôn tạo ra những khác biệt khiến cho cả đối thủ cũng như đối tác không thể đoán biết được ý định của họ. Một chủ doanh nghiệp Pháp đã phải thốt lên với báo L’Observateur rằng: “Thật khó biết người Trung Quốc nghĩ gì, làm gì” trong những bước đi của họ.