Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTừ “quan ngại sâu sắc” đến “ngoại giao cay cú”

Từ “quan ngại sâu sắc” đến “ngoại giao cay cú”

Quan hệ Trung Quốc-Đài Loan được xem là một mối quan hệ phức tạp. Tùy tình hình thời tiết chính trị và chế độ chính trị mà các quốc gia trên thế giới có nhận định khác nhau về mối quan hệ này. Nó xuất phát từ quan điểm, quốc gia đó có công nhận chính sách “Một Trung Quốc” hay không?

Chính Bắc Kinh cũng thấm thía mối quan hệ này. Họ thường xuyên nhắc nhau phải kiên trì “dò đá qua sông”, không được nôn nóng thu hồi Đài Loan bằng vũ lực mà làm hỏng đại cục. Bắc Kinh đặc biệt khó xử và cay cú về mối qua hệ giữa Đài Bắc và Washington. Thời nữ Tổng thống Thái Anh Văn còn tại vị, mỗi khi có điều phật ý, Đại lục thường lên tiếng một cách nhuần nhị rằng họ “quan ngại sâu sắc” khi Hòn đảo có xu hướng “chơi trèo”, qua mặt Bắc Kinh để kết thân với Nhà Trắng.

Nhưng nay thì thái độ của Trung Quốc đã khác hẳn. Nay là chính sách “ngoại giao cay cú”, như Hoàn Cầu Thời báo nói toạc giữa thiên hạ. Cố nhiên, Bắc Kinh cay cú nhất vẫn là mối bang giao giữa Đài Loan và Mỹ. Mặc dù Washington luôn nói họ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” nhưng đằng sau thì luôn làm ngược lại. Mỹ chính là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan. Bắc Kinh cho rằng, Washington đã “đánh cắp niềm tin” và bày ra “trò hề chính trị”.

Hôm 1/12 Mỹ cùng lúc bắn ra hai mũi tên khiến Trung Quốc giận dữ. Chẳng là Nhà Trắng đã thông qua hợp đồng bán vũ khí, thiết bị quân sự mới cho Đài Loan. Cũng dịp này Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức được tiếp đón rất trọng thể tại Hawaii trong vòng công du nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ “quyết liệt đối phó” trước việc Bộ Quốc phòng Mỹ vừa phê duyệt kế hoạch bán thiết bị quân sự trị giá hợp đồng lên tới 385 triệu USD cho Đài Loan. Theo thỏa thuận này Đài Loan được phép mua linh kiện cần thiết cho việc bảo trì máy bay tiêm kích F-16 và hệ thống radar mua của Mỹ. Bắc Kinh coi đây là một “tín hiệu sai lệch” và kêu gọi Washington lập tức ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan, ngừng khuyến khích và ủng hộ các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, ngừng tăng cường khả năng quân sự cho “những kẻ ly khai”.

Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc tuyên bố: Bất kỳ nỗ lực nào nhằm “tìm kiếm ly khai bằng vũ lực” sẽ chỉ đẩy Đài Loan đến gần bờ vực xung đột. Hợp đồng mua bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan đã xâm phạm chủ quyền và an ninh Trung Quốc, phát đi tín hiệu “sai lầm nghiêm trọng” đến phe ly khai. Trung Quốc cực kỳ không hài lòng và kiên quyết phản đối hành động đó. Chúng tôi sẽ có biện pháp đối phó với Mỹ và Đài Loan, để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Về việc ông Lại Thanh Đức được tiếp đón trọng thể tại Hawaii, trên lãnh thổ Mỹ nơi ông dừng lại hai đêm trên hành trình công du nhiều quốc đảo ở vùng Thái Bình Dương, Trung Quốc cho rằng, đây là hành động của kẻ gây rối chính trị. Mọi chuyến đi của lãnh đạo Đài Loan tới lãnh thổ Mỹ, dù là với bất kỳ lý do nào, đều là bất hợp pháp. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “mạnh mẽ lên án việc tổ chức để ông Lại Thanh Đức dừng chân trên lãnh thổ Mỹ”. Đáp lại, Chủ tịch Viện nghiên cứu American Institute tại Đài Bắc, bà Laura Rosenberger chọc giận Bắc Kinh: “Mối đối tác giữa Mỹ và Đài Loan vững như bàn thạch” .

Còn Tổng thống Lại Thanh Đức trong một phát biểu đã “bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ” giúp ông thực hiện vòng công du các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Ông nói rằng, không có ai là người chiến thắng trong chiến tranh và hòa bình là vô giá.

Ngoài Hawaii, ông Lại sẽ dừng lại trên đảo Guam trên lộ trình đến thăm quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau. Đáng chú ý, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Lại nhậm chức vào tháng 5/2024. Điều này theo các nhà phân tích chính trị của Trung Quốc, dễ trở thành “tiền lệ xấu”.

Tại sao Mỹ nắm chặt thắt lưng Đài Loan? Điều dễ hiểu, vấn đề của “Hòn đảo tự do” không phải là một vấn đề địa chính trị thông thường. Đài Loan ở một khu vực mà ảnh hưởng và lợi ích của hai cường quốc toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc đang bị đe dọa trực tiếp. Trung Quốc đang cố gắng khẳng định mình là cường quốc hàng đầu. Việc một phần lãnh thổ không nằm trong sự kiểm soát là điều không thể chấp nhận được và là “một sự sỉ nhục quốc gia”. Một vấn đề rất quan trọng, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan có thể giúp Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu thay Mỹ.

Về phía Mỹ, có ba lập luận chính để cố bằng mọi cách bảo vệ Đài Loan, dù luôn giữ vững đường lối “mập mờ chiến lược”. Trước hết là tương lai của sự tự do chính trị trên thế giới. Người dân Đài Loan mong muốn tiếp tục chế độ Dân chủ, nếu Đài Loan trở về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải theo chế độ Cộng sản. Thứ hai, về cán cân quyền lực toàn cầu, việc Trung Quốc thu hồi Đài Loan có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Tây Thái Bình Dương, phá vỡ vòng vây chuỗi đảo đầu tiên và chấm dứt ưu thế của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thứ ba là yếu tố về kinh tế, Đài Loan đóng vai trò cốt lõi trên bản đồ chất bán dẫn thế giới, nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, tương lai thống trị của Mỹ sẽ không thể tiếp tục tồn tại.

Cố nhiên ngoài ba lý do trên đây còn rất nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan địa chính trị thế giới hiện nay.

Cái đầu lạnh của Tập Cận Bình và Joe Biden đã căng thẳng trong suốt mấy năm qua. Và có lẽ tháng 1/2025 khi ngồi ghế ông chủ Nhà Trắng, Donald Trump cũng khó có thể đảo ngược tình hình, khi ông tuyên bố “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới