Trong bối cảnh những thách thức an ninh ngày càng gia tăng trong khu vực, Trung Quốc gia tăng các hoạt động hung hăng, gây hấn nhằm vào Philippines ở Biển Đông, ngày 7/10/2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr đã nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược.
Trong cuộc hội đàm tại Phủ tổng thống Philippines, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt vấn đề, từ tranh chấp Biển Đông đến tình hình Bán đảo Triều Tiên, sau đó chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác về tuần tra trên biển và năng lượng hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Yoon Suk Yeol nói: “Tổng thống Marcos và tôi đã mở ra một chương mới trong quan hệ đối tác giữa hai nước bằng việc nâng mối quan hệ lên đối tác chiến lược”. Tổng thống Yoon nhấn mạnh ông và người đồng cấp Philippines đã nhất trí quan điểm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, bao gồm bảo đảm an toàn hàng hải trên Biển Đông. Ông nói: “Chúng tôi chia sẻ sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an toàn ở Biển Đông. Hai nước chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với nhau để thiết lập một trật tự hàng hải dựa trên luật lệ và vì quyền tự do hàng hải và hàng không theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ở Biển Đông”. Tổng thống Yoon cho biết Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia vào giai đoạn cuối cùng của chương trình hiện đại hóa lực lượng của Philippines, với mức đầu tư nhiều tỷ USD.
Giới quan sát nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Philippines cho thấy tham vọng của Seoul trong việc đóng vai trò chủ động hơn với tư cách là một cường quốc tầm trung và chống lại chủ nghĩa bành trướng khu vực của Trung Quốc, cũng như ý định của Seoul thắt chặt quan hệ với các quốc gia “cùng chí hướng” như Mỹ, Nhật Bản và Australia, để đảm bảo một khu vực Tây Thái Bình Dương “tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ”.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc song nêu rõ: “Hàn Quốc và Philippines chia sẻ quan ngại về các hành động ở Biển Đông không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, làm suy yếu sự hòa bình và thịnh vượng. Hai nước phản đối việc quân sự hóa các thực thể được cải tạo, việc sử dụng nguy hiểm các tàu cảnh sát biển và dân quân biển, cũng như các hoạt động cưỡng bức”. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Hàn Quốc và Philippines cũng đã ký thỏa thuận không ràng buộc về hợp tác an ninh hàng hải, bao gồm chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn chung. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc thể hiện quan điểm mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông với một quốc gia Đông Nam Á – nước đang chịu sức ép lớn nhất từ các hành vi hung hăng của Bắc Kinh.
Theo nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill, giảng viên nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, chuyến thăm phản ánh cam kết ngày càng tăng của Hàn Quốc trong việc đưa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào thực tiễn. Ông Don McLain Gill cho biết chuyến thăm là một chỉ dấu quan trọng về sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ giữa Philippines-Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng Philippines-Trung Quốc gia tăng ở Biển Đông và vấn đề Biển Đông đang là “mối quan tâm cấp bách” đối với Philippines. Ông nêu rõ: “Manila và Seoul nhận ra mối đe dọa từ Trung Quốc và Seoul đã trở nên quyết đoán hơn trong lập trường chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là một sự thay đổi tích cực cho thấy Seoul nhận ra rằng nước này không thể chỉ đứng ngoài cuộc”.
Ông Sherwin Ona, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học De La Salle ở Manila, cho rằng sự hiện diện của Tổng thống Yoon tại Philippines đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Ông Sherwin Ona dự đoán rằng chuyến thăm sẽ dẫn đến tăng cường hợp tác an ninh, có khả năng mở đường cho việc ký kết Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng giữa hai nước. Năm 1999, Philippines đã ký Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng với Mỹ, theo đó cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn và triển khai tạm thời các lực lượng quân sự Mỹ tại Philippines. Trong những tháng gần đây, Philippines cũng đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. Mới đây, hai nước đã ký Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng nhằm tạo điều kiện cho việc huấn luyện quân đội giữa hai nước và hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với các thảm họa thiên nhiên, mở đường cho các cuộc tập trận quân sự lớn hơn giữa các lực lượng Philippines và Nhật Bản.
Ông Abdul Rahman Yaacob, chuyên gia về an ninh và quan hệ với các cường quốc thuộc Viện Lowy có trụ sở tại Australia, cho rằng Hàn Quốc là đối tác an ninh quan trọng của Philippines và chuyến thăm này sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này. Theo chuyên gia Yaacob, Hàn Quốc là nhà cung cấp thiết bị quân sự quan trọng cho lực lượng vũ trang Philippines, nên trong tương lai, Philippines mua thêm nhiều thiết bị và hệ thống quân sự của Hàn Quốc vì chúng có xu hướng rẻ hơn so với các lựa chọn thay thế do Mỹ sản xuất. Ông Yaacob nhận định, xu hướng này phù hợp với mong muốn hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Philippines, đặc biệt là khi các nền tảng của Hàn Quốc như máy bay FA-50 vừa có giá phải chăng vừa có năng lực chiến đấu.
Hàn Quốc đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới vào năm 2027. Cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình hình căng thẳng ở châu Á và chiến tranh ở Trung Đông tạo cơ hội cho Seoul ký thêm những hợp đồng bán vũ khí mới. Seoul đã bán cho Manila các máy bay chiến đấu FA-50, tàu hộ tống và tàu khu trục. Trong giai đoạn thứ 3 của kế hoạch hiện đại hóa, quân đội Philippines dự kiến sẽ mua những khí tài hiện đại như máy bay chiến đấu, tàu ngầm và hệ thống tên lửa, nhằm tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển.
Ông Kang Jun-young, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul cho rằng, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Philippines có ý nghĩa quan trọng vì nó được định vị ở mức hợp tác cao nhất. Ông Kang Jun-young đánh giá: “Bằng cách hình thành quan hệ đối tác chiến lược, các vấn đề khác ngoài quan hệ song phương luôn có thể được thảo luận trong chương trình nghị sự chính thức. Hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Philippines cũng có thể được tăng cường, đặc biệt khi Mỹ theo đuổi liên minh theo mô hình “mạng lưới” và tăng cường quan hệ với Philippines về vấn đề Biển Đông”.
Theo ông Stephen Nagy, chuyên gia khách mời tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, Philippines đang cố gắng gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng “Philippines có các đồng minh mạnh mẽ”; tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh như vậy, Bắc Kinh vẫn có khả năng đáp trả. Ông nhận định, mặc dù Trung Quốc dự kiến sẽ “tạm thời” giảm áp lực, nhưng ngay khi những đồng minh rời khỏi vùng lân cận Philippines, Trung Quốc sẽ có xu hướng thăm dò và leo thang hành động của họ bằng cách sử dụng các chiến thuật kết hợp. Ông Nagy nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ thấy tình trạng này tiếp tục diễn ra cho đến khi Philippines, các đối tác và đồng minh của nước này tạo ra mạng lưới hợp tác lâu dài trong khu vực để đẩy lùi hành vi quyết đoán của Trung Quốc, hoặc cho đến khi Trung Quốc thành công trong việc đảm bảo lợi ích lãnh thổ”.
Ông Collin Koh, chuyên gia kỳ cựu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định, thỏa thuận với Philippines đánh dấu một bước ngoặt đối với Hàn Quốc trên Biển Đông. Ông Koh nói: “Trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc phần lớn đã bị kìm hãm bởi những lo ngại an ninh ở Bán đảo Triều Tiên. Với những ưu tiên chiến lược hiện nay, Hàn Quốc đang tăng cường hiện diện ở khu vực Biển Đông”. Ông Koh tiết lộ thêm rằng, Manila cũng muốn ký một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại với Seoul giống như đã làm với Tokyo hồi tháng 7/2024, để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các thiết bị quân sự và quân đội Philippines đến lãnh thổ nước khác huấn luyện chiến đấu và ứng phó thảm họa.
Theo ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington), sự thất vọng của Seoul và Manila trước hành vi của Bắc Kinh đã thúc đẩy họ tăng cường liên minh. Ông Poling nhận định: “Hàn Quốc là đối tác quốc phòng hàng đầu của Philippines về mặt thương mại. Đặc biệt, các nền tảng tiên tiến nhất của cả Hải quân và Không quân Philippines đều do Hàn Quốc sản xuất. Do đó, nhiều khả năng mối quan hệ hợp tác mới được thiết lập sẽ khiến quân đội hai bên tăng cường việc chia sẻ thông tin, tập trận chung và huấn luyện”.
Một số chuyên gia nhận định quan hệ đối tác giữa Seoul và Manila không nhắm trực tiếp vào Trung Quốc mà nhằm vào các mối nguy hiểm ở Biển Đông. Đi theo định hướng chiến lược của Mỹ và để chia sẻ trách nhiệm đồng minh với Mỹ, Hàn Quốc đang thông qua Philippines để can dự sâu hơn vào Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines có thể sẽ đối mặt với một số phản ứng từ Trung Quốc do hợp tác với đồng minh của Mỹ để thách thức sự thống trị của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau khi thăm Philippines, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới thăm Singapore và tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mở rộng tại Lào. Ở cả Singapore và Lào, ông Yoon Suk Yeol đều khẳng định tầm quan trọng của an ninh hàng hải và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ việc duy trì nguyên trạng và giải quyết những tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong bài phát biểu tại Singapore, ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh: “Tôi chắc rằng mỗi người trong số các bạn ở đây đều đánh giá cao giá trị của việc không bị ép buộc, không bị đơn phương thay đổi hiện trạng, không phải chứng kiến tin tức giả mạo và thông tin sai lệch làm méo mó dư luận”. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tận dụng Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc tại Lào để khuyến khích các quốc gia bảo vệ hòa bình, ổn định, thịnh vượng và trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; nhất trí với lãnh đạo các nước ASEAN nâng cấp quan hề Hàn Quốc-ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện.
Đánh giá về kết quả chuyến công du Đông Nam Á của Tổng thống Yoon Suk Yeol, hôm 15/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các bước đi của ông Yoon trong chuyến công du phản ánh “ý chí tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trên mọi phương diện” của Hàn Quốc, bao gồm “thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng”; nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục giúp duy trì an ninh hàng hải trên cơ sở trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông trong lúc xây dựng lòng tin và tăng cường liên lạc chiến lược với Trung Quốc.
Ông Rahman Yaacob, nghiên cứu viên của chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy Australia nhận định Hàn Quốc “có thể đóng một vai trò thích hợp trong việc nâng cao năng lực phòng thủ của các quốc gia trong khu vực để bảo vệ vùng biển của họ trước sự xâm nhập của Trung Quốc”. Ông Yaacob cho rằng: “Các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc rẻ hơn của Mỹ và đang được một số quốc gia NATO sử dụng. Do đó, Seoul có thể là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho các nước trong khu vực thay thế cho vũ khí của Mỹ”.
Giới phân tích nhân định việc Tổng thống Yoon Suk Yeol cam kết giúp hiện đại hóa quân đội Philippines, đồng ý để Hàn Quốc tham gia tích cực vào các cuộc tập trận đa phương ở khu vực và Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc can dự sâu hơn vào Biển Đông. Ngay sau chuyến đi Đông Nam Á, ngày 15/10/2024 Hàn Quốc đã lần đầu tiên cùng với Mỹ, Philippines, Australia, Anh, Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung mang tên Kamandag ở Biển Đông. Đây được coi làmột phần trong kế hoạch của ông Yoon Suk Yeol nhằm biến Hàn Quốc thành một quốc gia toàn cầu quan trọng bằng cách thể hiện cam kết lớn hơn đối với việc bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, trong đó có tự do, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông.