Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngNhững diễn biến căng thẳng mới giữa Philippines và TQ ở Biển...

Những diễn biến căng thẳng mới giữa Philippines và TQ ở Biển Đông

Sau khi Bắc Kinh và Manila đạt được thoả thuận về “dàn xếp tạm thời” tránh leo thang căng thẳng ở khu vực Bãi Cỏ Mây hôm 21/7/2024, dư luận đều hy vọng tình hình Biển Đông sẽ dịu xuống, song trên thực tế những va chạm giữa Trung Quốc và Philippines lại liên tiếp xảy ra trên những mặt trận mới trong những ngày tháng 8 vừa qua. Thậm chí, chính quyền Manila còn tuyên bố có thể xem xét lại “thoả thuận tạm thời” với Bắc Kinh.

Ngày 8/8/2024, máy bay phản lực không quân Trung Quốc đã có hành động thù địch của đối với máy bay vận tải hạng nhẹ NC- 212i của quân đội Philippines trên bãi cạn Scarborough khi máy bay phản lực của Trung Quốc bay rất gần và bắn một loạt pháo sáng trên đường bay của máy bay Philippines. Đây là cuộc chạm trán trên không đầu tiên giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Ngày 13/8, chính phủ Philippines cho biết đã gửi công hàm phản đối ngoại giao tới Bắc Kinh.

Tiếp đó, ngày 19/8 một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã nhiều lần bắn pháo sáng từ khoảng cách gần, nhắm vào một máy bay tuần tra dân sự của Philippines tại một khu vực gần bãi cạn Scarborough. Ba ngày sau đó, hôm 22/8 chiếc máy bay này của Philippines một lần nữa bị Trung Quốc bắn pháo sáng khi đang tuần tra tại bãi đá Xubi (Subi reef), thuộc cụm đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa. Máy bay của Manila, thuộc Cục Thủy sản và Tài nguyên biển (BFAR), phối hợp với lực lượng bảo vệ bờ biển, được giao nhiệm vụ theo dõi và chặn tàu thuyền đánh bắt trộm xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Lực lượng đặc nhiệm nói rằng “Hành động của máy bay Trung Quốc cho thấy ý định gây nguy hiểm cho sự an toàn của nhân viên trên máy bay Philippines”.

Giới chuyên gia nhận định hoạt động của máy bay Philippines tuần tra trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trên Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành vi gây bắn pháo sáng gây nguy hiểm cho các máy bay Philippines là sai trái và hết sức ngang ngược, thể hiện mức độ hung hăng ngày càng leo thang của giới cầm quyền ở Bắc Kinh, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Mỹ lên án hành vi của Trung Quốc bắn pháo sáng vào máy bay của Philippines, Đại sứ Mỹ tại Manila MaryKay Carlson đăng trên nền tảng X: “Với Philippines, chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngừng các hành động khiêu khích và nguy hiểm làm suy yếu một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Mỹ, Úc và Canada đã từng báo cáo về các hành động nguy hiểm tương tự của máy bay không quân Trung Quốc trong thời gian qua ở Biển Đông, nơi các quốc gia này đã triển khai lực lượng để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần lễ đã xảy ra 3 vụ việc Trung Quốc gây nguy hiểm đối với máy bay tuần tra của Philippines ở Biển Đông. Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang mở ra một mặt trận mới, uy hiếp các máy bay của Philippines ở Biển Đông nhằm gây sức ép buộc Philippines phải khuất phục. Hôm 23/8, Manila kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “các hành động khiêu khích và nguy hiểm” đe dọa an ninh của các tàu và máy bay Philippines, và cho rằng “những hành động như vậy đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, đồng thời làm xấu thêm hình ảnh của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế”.

Trên biển, rạng sáng ngày 19/8 đã xảy ra va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu của Philippines tại khu vực bãi cạn Sabina, nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km về phía Tây. Chuẩn đô đốc Jay Tarriela, Phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines, cho biết tàu Trung Quốc đâm 2 lần vào tàu Philippines: cú va chạm đầu tiên đã gây ra một lỗ thủng trên thân tàu BRP Bagacay của Philippines. Cú va chạm thứ hai đã làm móp méo thân tàu và hư hỏng lan can bảo vệ của tàu. Manila đã công bố những hình ảnh tàu Philippines bị hư hại. Tuần duyên Philippines cũng cho biết thêm là một tàu khác của Philippines cũng bị va chạm thủng một lỗ rộng 1,1m ở thân tàu, ống xả của tàu cũng bị hỏng. Một đoạn phim chiếu trên đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc cũng cho thấy tàu Trung Quốc đâm vào phía sau tàu Philippines.

Manila nhận định đây là hành động thù địch đầu tiên của Bắc Kinh tại khu vực này, nơi cả Trung Quốc và Philipines đều triển khai tàu tuần duyên từ vài tháng nay. Philippines lo ngại Trung Quốc chuẩn bị xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Sabina. Trong khi đó, Phát ngôn viên hải cảnh Trung Quốc đổ lỗi cho Philippines khi nói rằng: “Bất chấp nhiều cảnh báo từ phía Trung Quốc, tàu 4410 của Philippines đã cố tình đâm vào tàu 21551 của Trung Quốc”; cáo buộc tàu Philippines hành động “thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm” và “hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kiểm soát tàu Philippines theo đúng luật pháp”.

Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 19/08/2024, đã lên án mạnh mẽ “những hành động nguy hiểm” của Trung Quốc đối với các tàu Philippines ở Biển Đông, sau vụ va chạm giữa tuần duyên nước này và hải cảnh Trung Quốc gần khu vực bãi cạn Sabin. Tuyên bố của Washington khẳng định Mỹ sát cánh cùng đồng minh Philippines và lên án những hành động nguy hiểm của Trung Quốc khi “thực hiện các hành động liều lĩnh, cố tình va chạm với hai tàu tuần duyên Philippines khiến những tàu này bị hư hỏng cấu trúc và gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn trên tàu”.

Washington kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây bất ổn; đồng thời, tái khẳng định Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines, ký kết vào năm 1951, sẽ được kích hoạt khi lực lượng vũ trang hay các thiết bị quân sự của Philippines, bao gồm cả lực lượng tuần duyên nước này, bị tấn công ở bất kỳ đâu trên Biển Đông.

Chính quyền Manila, hôm 20/08, đã chỉ trích lực lượng hải cảnh Trung Quốc không thiện chí trong việc xây dựng lòng tin ở Biển Đông. Phó đô đốc hải quân Philippines Alexander Lopez bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về hành vi cố ý quấy rối và xâm phạm của Trung Quốc” đối với chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế các hành động gây hấn và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngày 25/08/2024, thêm một vụ va chạm đã xảy ra giữa một tàu hải cảnh Trung Quốc và một tàu của Cục thủy sản và tài nguyên Philippines tại bãi cạn Sabina ở Biển Đông. Philippines tố cáo hành động nguy hiểm của hải cảnh Trung Quốc, dùng vòi rồng tấn công họ. Bắc Kinh thì khẳng định hải cảnh nước này đã thực hiện những biện pháp kiểm soát đối với tàu của Philippines đi vào “lãnh hải của nước này một cách bất hợp pháp”.

Theo thông báo của chính quyền Manila, tàu BRP Datu Sanday (của Cục Thủy sản và Tài nguyên nước của Philippines – BFAR), đã chạm trán với 8 tàu ​​Trung Quốc khi đang trên đường từ bãi cạn Hasa-Hasa đến bãi cạn Sabina. Cuộc đụng độ xảy ra cách bãi cạn Sabina khoảng 10 hải lý vào lúc 14h11 hôm 25/8. Phía Philippines cáo buộc Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu của Philippines, và phun vòi rồng vào tàu của Philippines khi tàu đang tiến gần đến bãi cạn Sabina và cho rằng tàu của Trung Quốc muốn ngăn chặn tàu của BFAR cung cấp cho ngư dân Philippines các nhu yếu phẩm như dầu diesel, thực phẩm và viện trợ y tế.

Chính phủ Philippines lên án hành động “hung hăng và nguy hiểm” của hải cảnh Trung Quốc đã làm hỏng động cơ tàu Philippines, khiến tàu không hoàn thành được nhiệm vụ “nhân đạo”. Trong khi đó, hải cảnh Trung Quốc khẳng định rằng sự cố này xảy ra là do tàu của Philippines từ chối tuân thủ quy định kiểm soát của Bắc Kinh khi đi vào “lãnh hải của nước này một cách bất hợp pháp”. Trung Quốc còn cảnh báo Philippines phải ngay lập tức “chấm dứt các hành động xâm phạm”, nếu không “sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả phát sinh từ tình huống này”. 

Sau nhiều sự vụ va chạm trên không và trên biển giữa hai nước ở những khu vực đang có tranh chấp chủ quyền, chính phủ Philippines hôm 26/08/2024, đã lên án Trung Quốc về những hành động “hung hăng, không chuyên nghiệp và bất hợp pháp” trên Biển Đông. Theo Hội đồng Hàng hải Quốc gia của Philippines, phi cơ Trung Quốc đã có những thao tác “nguy hiểm” đối với một tàu tuần tra dân sự của Philippines gần bãi cạn Scarborough và Đá Subi. Cơ quan này cũng tố cáo các tàu của Trung Quốc hôm qua 25/08 đã “chặn, đâm hoặc bắn vòi rồng” vào tàu của lực lượng tuần duyên Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men và nhiên liệu cho các ngư dân Philippines ở bãi cạn Sabin.

Trong tuyên bố, Hội đồng Hàng Hải Quốc gia Philippines nhấn mạnh đó là những hành động “đáng báo động”, khiến người ta nghi ngờ về cam kết của Bắc Kinh “làm giảm căng thẳng trong khu vực và tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại và tham vấn”. Cũng trong ngày 26/8, Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro hôm nay xem những hành động của Trung Quốc trong vụ va chạm tàu ở khu vực Bãi Sabin hôm 25/8 là hoàn toàn “bất hợp pháp”; đồng thời, tuyên bố Philippines sẽ tập trung tăng cường lực lượng quân sự để chống trả các cuộc tấn công vũ trang. Mặt khác, Manila tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao để quản lý các vấn đề trên biển và kêu gọi Trung Quốc “trở lại con đường đối thoại xây dựng” về các vấn đề trên Biển Đông.

Những vụ va chạm giữa máy bay Philippines và giữa tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu công vụ Philippines trên Biển Đông liên tiếp xảy ra trong tháng 8 vừa qua khi mới đây ( ngày 21/7) hai nước đã nhất trí “khôi phục lòng tin” và “xây dựng lại lòng tin” để quản lý tốt hơn các tranh chấp trên biển là dấu hiệu đáng lo ngại. Điều này cho thấy căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc chưa hề lắng dịu, thậm chí còn mở rộng cả về phạm vi lẫn hình thức: lần đầu tiên máy bay Trung Quốc uy hiếp gây nguy hiểm đối với các máy bay Philippines ở Biển Đông; lần đầu tiên tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào tàu công vụ của Philippines ở khu vực bãi cạn Sabin.

Giới chuyên gia nhận định việc Trung Quốc sử dụng máy bay kết hợp với tàu hải cảnh trong chiến lược “vùng xám” đang tạo ra nguy cơ lớn đối với các nước ven Biển Đông, bởi những va trạm trên Biển Đông trong thời gian tới không chỉ là giữa tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu công vụ của các nước ven Biển Đông mà còn sẽ là giữa không quân Trung Quốc với lực lượng không quân còn có phần hạn chế của các nước ven Biển Đông. Đáng chú ý, đầu tháng 8 vừa qua Trung Quốc cũng đã công khai cho máy bay không người lái UAV bay dọc theo bờ biển Việt Nam khiến giới chuyên gia hết sức lo ngại. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia khuyến nghị, các nước ven Biển Đông cần theo dõi sát tình hình và có kế hoạch xây dựng phương án đối phó phù hợp, đồng thời các nước ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác an ninh trên biển với nhau và với các nước ngoài khu vực để tạo sức mạnh trong việc đối đầu với sự hung hăng của Bắc Kinh. Các nước khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông cần đưa nội dung an toàn hàng không, cấm những hành vi nguy hiểm đến hoạt động bay trên bầu trời Biển Đông vào nội dung chương trình nghị sự các cuộc họp của ASEAN, đồng thời đưa nội dung này vào Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong đàm phán với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới