Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam thuộc nhóm chuyển đổi số nhanh nhất thế giới

Việt Nam thuộc nhóm chuyển đổi số nhanh nhất thế giới

Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, chính phủ số… và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và thế giới.

Việt Nam thuộc nhóm chuyển đổi số nhanh nhất thế giới.

Ngày 29.12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Vừa làm vừa khai phá

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2024, Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp hạng 71/193, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hợp Quốc năm 2003. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cách đây 5 năm, ứng dụng công nghệ thông tin là phổ biến, chuyển đổi số là rất mới. Chuyển đổi số là mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.

“5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá. Và chính tinh thần dám khai phá ấy đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao. Điều này đồng nghĩa với việc xếp hạng về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào top 100 toàn cầu (vị trí hiện tại là 120). Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm top 50 toàn cầu, cao gấp đôi xếp hạng kinh tế.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận thành quả, sự nỗ lực của toàn ngành TTTT trong năm vừa qua.

Năm 2024, Chính phủ điện tử của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số thuê bao băng rộng di động đạt 94 thuê bao/100 dân, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 (85,7 thuê bao/100 dân)…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhìn nhận, sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đòi hỏi ngành TTTT phải đẩy nhanh hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, phát huy được nguồn lực để đóng góp sự phát triển của đất nước. Cùng với đó, đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi người dùng trên môi trường số.

Phó Thủ tướng yêu cầu, qua vụ Mr Pips lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 5.000 tỉ đồng, gần 3.000 bị hại, ngành TTTT phải đi trước, đón đầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian số để ngăn chặn tội phạm lợi dụng công nghệ số.

Năm 2025, ngành TTTT cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số, áp dụng AI, công nghiệp công nghệ số góp phần thực hiện công cuộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ngành TTTT cần đẩy mạnh công nghệ số để kinh tế số phát triển.

Bên cạnh đó, cần tập trung đấu tranh với thông tin xấu, độc trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông.

Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 18 về sắp xếp, tổ chức bộ máy, Bộ TTTT và Bộ KHCN sẽ nhập và tinh gọn thành Bộ Khoa học Công nghệ và Truyền thông. 2 Bộ có “mẫu số” chung là công nghệ. Vì vậy, Bộ mới sẽ hoạt động hiệu hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới