Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Putin, Zelensky có thể đạt được thỏa thuận vào năm...

Tổng thống Putin, Zelensky có thể đạt được thỏa thuận vào năm 2025

Năm 2025 có thể là thời điểm bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, báo Newsweek của Mỹ đưa tin.

Theo báo Newsweek (Mỹ), các chuyên gia cho rằng các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine có thể chấm dứt nhờ những nỗ lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, việc đạt được hòa giải cuối cùng giữa hai nước vẫn chưa chắc chắn.

Newsweek cho biết, chiến lược chính sách đối ngoại mới của ông Trump nhằm giảm căng thẳng giữa các nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột.

Chính quyền ông Trump được cho là sẽ tìm cách tổ chức các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó có thể đạt được các thỏa thuận về lệnh ngừng bắn và thiết lập các khu phi quân sự tạm thời.

Newsweek dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh, việc chấm dứt các hoạt động giao tranh không có nghĩa là chấm dứt xung đột. Những bất đồng giữa Ukraine và Nga, bao gồm các tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề hợp tác kinh tế, vẫn còn sâu sắc và phức tạp.

Theo các nhà phân tích, việc hòa giải giữa hai nước sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn là việc chỉ thiết lập lệnh ngừng bắn.

Khả năng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine đã dần nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng quốc tế. Các nước châu Âu, những nước đang chịu áp lực về kinh tế và chính trị do hậu quả của cuộc xung đột, ủng hộ mọi sáng kiến nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên, những người hoài nghi cảnh báo xung đột có thể leo thang thành giai đoạn đóng băng, điều này sẽ chỉ làm phức tạp thêm một giải pháp lâu dài.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong vòng 24 giờ. Trong những phát ngôn gần đây, ông tiếp tục khẳng định có thể nhanh chóng kết thúc chiến sự Ukraine.

Ông không đưa ra kế hoạch cụ thể nào để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, đội ngũ của ông Trump đã thảo luận một số đề xuất.

Đặc phái viên về xung đột Nga – Ukraine mới được ông Trump đề cử, Keith Kellogg, hồi tháng 4 đưa ra kế hoạch kêu gọi cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” đối với cuộc chiến Nga – Ukraine. Theo ông, Mỹ nên tham gia vào một cuộc đàm phán nhằm giúp các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine.

Kế hoạch đề xuất Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự giúp Ukraine tự vệ. Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tham gia đàm phán hòa bình với Nga hay không.

Kế hoạch cũng cho rằng các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn tham vọng của Ukraine gia nhập liên minh để thuyết phục Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Hé lộ về kế hoạch hòa bình của ông Trump, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J.D Vance hồi tháng 9 tiết lộ, Tổng thống đắc cử sẽ bắt đầu đàm phán với cả lãnh đạo Nga, Ukraine và châu Âu.

Kế hoạch của ông Vance gợi ý Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát một phần gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Các nước châu Âu có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực phi quân sự Nga – Ukraine, song Mỹ sẽ không tham gia sứ mệnh đó.

Tuy nhiên, cả Moscow và Kiev đều tuyên bố không chấp nhận đóng băng xung đột.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán này nên nhằm loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng và tính đến tình hình thực tế “trên thực địa”.

Ông Lavrov cho biết, cả chính quyền hiện tại và sắp tới của Mỹ đều có đủ đòn bẩy để khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine.

Theo ông Lavrov, cách tiếp cận của Nga để giải quyết xung đột ở Ukraine đã được Tổng thống Putin nêu rõ trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/6/2024 cũng như trong cuộc họp báo cuối năm vào ngày 19/12/2024.

“Đặc biệt, chúng tôi nói về phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, đảm bảo tình trạng không liên kết, trung lập và không có vũ khí hạt nhân, đồng thời loại bỏ các mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của Nga đến từ phương Tây, bao gồm cả việc mở rộng NATO. Ukraine phải đảm bảo quyền, tự do và lợi ích của công dân nói tiếng Nga, thừa nhận thực tế mới về lãnh thổ”, ông Lavrov nhấn mạnh.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới