Friday, January 10, 2025
Trang chủQuân sựThông điệp từ Quân đội nhân dân và những dấu ấn chưa...

Thông điệp từ Quân đội nhân dân và những dấu ấn chưa từng có của công nghiệp quốc phòng Việt Nam

16 hợp đồng trị giá khoảng 286,3 triệu USD, 17 thỏa thuận hợp tác chiến lược là những kết quả nhìn thấy được từ Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ hai có bước tiến vượt bậc cả về quy mô và số lượng so với kỳ triển lãm lần đầu tiên năm 2022.

16 hợp đồng trị giá khoảng 286,3 triệu USD, 17 thỏa thuận hợp tác chiến lược là những kết quả nhìn thấy được từ Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024. Ngoài ra, triển lãm lần này còn ghi dấu những lần đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam như lần đầu tiên hai cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ trực tiếp mang khí tài tới trưng bày tại khu triển lãm ngoài trời, sự xuất hiện của Tổ hợp tên lửa bờ Trường Sơn với tên lửa đối hạm Sông Hồng và sự tham gia của các công ty tư nhân.

01. THÔNG ĐIỆP TỪ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Các hãng truyền thông quốc tế đặc biệt lưu ý đến quy mô và danh sách các quốc gia tham dự khá phong phú tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Cả Nga, Trung Quốc và Mỹ sẽ giới thiệu và trưng bày các thiết bị quân sự của họ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu giành thị phần trong ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, EurAsian Times (Ấn Độ) bình luận.

Được tổ chức lần thứ hai, Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam (Vietnam Defense Expo) là một sự kiện độc đáo. Không có sự kiện nào khác trên thế giới mà chúng ta có thể thấy sản phẩm công nghiệp của cả Iran và Israel được trưng bày trong cùng một hội trường, tờ Defence 24 (Ba Lan) viết.

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) thì nhận định Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 là một trong những triển lãm quốc phòng lớn nhất tại Đông Nam Á, mang tới cho các doanh nghiệp, cũng như các tổ chức trong và ngoài nước một không gian để trưng bày, giới thiệu các loại vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, cũng như tiến hành các cuộc đàm phán giao dịch.

Nhiều quốc gia đang tìm cách xây dựng ngành công nghiệp vũ khí riêng, hướng tới một số mục tiêu như tăng cường tính độc lập của lực lượng vũ trang và giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Tất cả những mục tiêu này đều được Việt Nam chú trọng.

Theo tờ Defence 24, thời điểm tổ chức triển lãm năm nay trùng với dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự kiện này thể hiện một trong những ưu tiên của Việt Nam, đó là thúc đẩy hoạt động ngoại giao quân sự và mở rộng mạng lưới đối tác. Việt Nam hiện có nhu cầu lớn trong việc mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng và tìm kiếm các đối tác công nghệ mới để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Triển lãm năm nay có sự tham gia của 242 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia. Trung Quốc và Iran là hai nước lần đầu tiên góp mặt. Trong đó, Trung Quốc đã cử đại diện China North Industries – nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất của nước này – tới tham dự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu sinh về quốc phòng và an ninh quốc tế, Đại học New South Wales, Úc cho rằng Triển lãm Quốc phòng Quốc tế lần thứ hai có bước tiến vượt bậc cả về quy mô và số lượng so với kỳ triển lãm lần đầu tiên năm 2022. Khu vực triển lãm có tổng diện tích hơn 100.000 m2, trong đó diện tích trưng bày trong nhà là 15.000 m2 (tăng gấp 2 lần so với năm 2022) và diện tích trưng bày ngoài trời là 20.000 m2, 66 đoàn đại biểu quốc tế, hơn 240 đơn vị công nghiệp quốc phòng từ 38 quốc gia tới dự và trưng bày tại triển lãm, ông Phương dẫn chứng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên hai cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ trực tiếp mang khí tài tới trưng bày tại khu triển lãm ngoài trời, tạo tiền đề cho sự tham gia ở quy mô lớn hơn của các quốc gia khác trong các kỳ triển lãm quốc phòng tiếp theo.

02. NHỮNG HỢP ĐỒNG KÝ KẾT VÀ TIỀM NĂNG CỦA QUỐC PHÒNG VIỆT NAM

Trong Triển lãm lần này, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD; ký kết 17 Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ…

Nhận định về số lượng các hợp đồng được ký kết, ông Nguyễn Thế Phương cho rằng những hợp đồng được ký kết hay các bản thỏa thuận giữa các công ty quốc phòng Việt Nam với các nước cho thấy triển lãm lần này đã giúp công nghiệp quốc phòng Việt Nam tìm kiếm được hai yếu tố căn bản: thị trường và công nghệ.

Không có thị trường và công nghệ, không một ngành công nghiệp nào có thể phát triển bền vững, nhất là ngành đặc thù như công nghiệp quốc phòng, ông Phương nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu sinh tại trường Đại học Úc, về mặt thị trường, các sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam bắt đầu thâm nhập và tìm kiếm được chỗ đứng trong mảng công nghiệp quốc phòng toàn cầu, vốn mang tính cạnh tranh cực kỳ cao. Nó cho thấy trình độ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang từng bước được nâng cao, nhất là trong một số mảng công nghiệp quốc phòng căn bản như vũ khí bộ binh (súng ống, đạn dược), thuốc phóng thuốc nổ, hay công nghiệp đóng tàu quân sự. Mở rộng thị trường cho phép ngành công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng của Việt Nam tìm kiếm thêm khách hàng, biết nhu cầu khách hàng là gì và thế mạnh cũng như điểm yếu của mình ở đâu.

Về mặt công nghệ, các thỏa thuận hợp tác giữa các công ty Việt Nam và nước ngoài cho thấy tiềm năng của công nghiệp quốc phòng Việt Nam là rất lớn, không chỉ là nhu cầu thị trường mà là khả năng khoa học công nghệ của các công ty Việt Nam.

“Việt Nam không chỉ là thị trường đơn thuần nhập khẩu nữa, mà đã sỡ hữu các công ty có trình độ nhân lực và khoa học công nghệ đủ sức tham gia vào các dự án và chuỗi cung ứng quốc phòng toàn cầu (Viettel là một ví dụ). Liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài cho phép các công ty Việt Nam tiếp cận được vốn, và đặc biệt là công nghệ tự những đối tác giàu nguồn lực, giàu truyền thống, giàu thị trường ở nước ngoài”, ông Phương nói.

Giờ đây, Việt Nam là đối tác mới và hấp dẫn trong lĩnh vực quốc phòng, thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới, bởi trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư đáng kể cho công tác hiện đại hóa trang bị kỹ thuật của lực lượng vũ trang và phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng nội địa, tờ Defense 24 nhận định.

03. 3 DÒNG SẢN PHẨM THU HÚT SỰ CHÚ Ý VÀ NHỮNG ĐIỀU “CHƯA TỪNG CÓ”

Các dòng sản phẩm mới của Việt Nam tại triển lãm lần này cũng thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Tờ Defense 24 của Ba Lan cho rằng những phát minh và giải pháp (nâng cấp) mà các công ty quốc phòng Việt Nam mang tới triển lãm “rất thú vị và phong phú”, dù một phần đáng kể vũ khí của Việt Nam là các hệ thống được Liên Xô cấp phép.

Tại triển lãm, có thể thấy ít nhất một chục thiết kế UAV nội địa. Bên cạnh đó, Việt Nam cho thấy khả năng sản xuất đa dạng các loại đạn dược, từ mìn, lựu đạn cho tới đạn pháo.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, ba sản phẩm/dòng sản phẩm thu hút sự chú ý của Triển lãm lần này cần phải được nhắc tới là Tổ hợp tên lửa bờ Trường Sơn với tên lửa đối hạm Sông Hồng do Viettel phát triển; Xe chiến đấu bổ binh XCB-01 do Tổng cục CNQP thiết kế và chế tạo (nhà máy Z189); và các hệ thống thiết bị không người lái (các loại UAV và đạn tuần kích) do Viettel, và các nhà máy thuộc Tổng cục CNQP chế tạo. Các sản phẩm này cho thấy CNQP Việt Nam đang tập trung vào một loạt các sản phẩm quốc phòng đa dạng, phục vụ cho nhu cầu hiện đại hóa quân đội cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tình hình Biển Đông cho thấy quân đội ưu tiên hiện đại hóa trang thiết bị của hải quân, tập trung vào những hệ thống công nghệ cao mà Việt Nam có thể ưu tiên làm chủ, nội địa hóa từ khâu thiết kế cho tới chế tạo. Việc chế tạo thành công và giới thiệu hệ thống tên lửa bờ Trường Sơn thể hiện ưu tiên này. Đó là chưa kể tới sự trưởng thành của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam.

Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 thể hiện nỗ lực của quân đội trong việc thay thế các hệ thống vũ khí trang bị đã cũ của lục quân, trong bối cảnh khó tìm kiếm các trang thiết bị thay thế hợp lý từ nước ngoài. Việc chế tạo xe chiến đầu bộ binh XCB-01 là tiền đề, và là bài học lớn, để quân đội có thể tiến hành những dự án chế tạo các loại xe thiết giáp khác trong tương lai.

Tờ Army Recognition (Bỉ) cho rằng thể qua màn ra mắt tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển VCS-01 (Trường Sơn) và đạn tên lửa diệt hạm Sông Hồng (VSM-01A) tự nghiên cứu phát triển, Việt Nam đã chú trọng tới việc sản xuất vũ khí chống hạm nội địa để giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và giải quyết các nhu cầu quốc phòng cụ thể.

Ông Phương cũng lưu ý về sự tham gia của khối tư nhân trong công nghiệp quốc phòng tại Triển lãm quốc phòng 2024.

Những công ty tư nhân như Hera, MK Techonologies hay Flying Legend Vietnam dần dần tiến bước vào lĩnh vực đầy khó khăn và cạnh tranh. Nó cho thấy một cách tiếp cận toàn diện và cởi mở hơn rất nhiều của nhà nước và quân đội trong bối cảnh Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp mới được thông qua trong năm nay (và có hiệu lực vào năm sau): cho phép sự tham gia của tư nhân vào công nghiệp quốc phòng. Sự tham gia của tư nhân sẽ thúc đẩy cả cạnh tranh và hợp tác, tạo ra những mô hình liên kết mới, đầy triển vọng giúp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong tương lai, ông Phương dẫn chứng.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Tiến sĩ Malcolm Davis – chuyên gia cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia – chú ý đến các hệ thống tự động, ví dụ như máy bay không người lái (UAV), chúng trông khá tinh vi và tầm hoạt động khá xa.

Ngoài ra, một yếu tố nổi bật khác tại sự kiện là các hệ thống tác chiến điện tử đa dạng, giúp chống lại mối đe dọa từ UAV, và cho phép thực hiện các chiến dịch tác chiến điện tử với quy mô lớn hơn để chống lại nhiều mục tiêu.

Rõ ràng, Việt Nam đang tìm cách làm chủ một số năng lực tiên tiến dưới dạng UAV và C-UAS (hệ thống chống phương tiện không người lái), ông Davis nhận định.

Theo ông Davis, những hệ thống này rất quan trọng, đặc biệt là UAV bởi chúng có thể được sản xuất nhanh chóng với số lượng lớn và chi phí tương đối rẻ, cho phép quân đội Việt Nam tăng cường một phần sức mạnh mà họ khó lòng đạt được nếu chỉ dựa vào các vũ khí truyền thống như máy bay chiến đấu có người lái.

Bên cạnh đó, chu kỳ sản xuất ngắn của UAV cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội liên tục cải tiến công nghệ. Điều này cũng rất quan trọng vì chiến tranh hiện đại chú trọng yếu tố đổi mới và thích ứng nhanh chóng, đồng thời đòi hỏi phải xây dựng đủ năng lực công nghiệp quân sự để duy trì khả năng hoạt động.

Ngoài phục vụ quân đội Việt Nam, các hệ thống UAV và C-UAS còn có tiềm năng xuất khẩu lớn, từ đó mang lại cơ hội lớn nhất cho Việt Nam để xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia khác. Việc những hệ thống này có khả năng ứng dụng linh hoạt – trên tất cả các không gian tác chiến truyền thống như bộ – không – biển – khiến cho chúng trở nên rất hữu ích và sẽ được các quốc gia mong muốn có được năng lực tương tự quan tâm.

Ngoài ra, một dự án tiêu biểu khiến Việt Nam – “người chơi mới” trong lĩnh vực hàng không quân sự – đặc biệt tự hào là máy bay huấn luyện – tuần tra quân sự TP-150.

Đây là “máy bay huấn luyện quân sự đầu tiên trong lịch sử” mà Việt Nam tự sản xuất trong nước. TP-150 là máy bay hạng nhẹ phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện cơ bản và tuần tra, với khả năng thực hiện được cả các động tác nhào lộn.

Màn ra mắt của TP-150 đã làm nổi bật 2 điều. Thứ nhất, đây là máy bay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, đánh dấu bước đột phá đáng kể đối với ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, đồng thời là điểm khởi đầu cho việc nâng cao kiến thức và năng lực sản xuất, cũng như năng lực thiết kế.

Thứ hai, đây là dự án đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng nhà nước và một công ty tư nhân nước ngoài. TP-150 do công ty Flying Legend của Ý thiết kế và sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam.

Việt Nam hiện hướng tới mục tiêu xuất khẩu TP-150 sang các thị trường nước ngoài như Bắc Phi, Nam Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới