Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnGDP năm 2024 bứt phá, Việt Nam tăng tốc tiến vào kỷ...

GDP năm 2024 bứt phá, Việt Nam tăng tốc tiến vào kỷ nguyên vươn mình

Với những chỉ số đạt được năm 2024, Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới, đây là cơ sở để hướng tới tăng trưởng hai con số.

Tốc độ tăng GDP và VA các khu vực theo quý năm 2024. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)


Tăng trưởng ấn tượng

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu. Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Hiện kinh tế thế giới vẫn ghi nhận sự phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Nhiều tổ chức dự báo kinh tế thế giới năm nay và cả năm tới vẫn sẽ phục hồi yếu và đối mặt với nhiều rủi ro. Nguyên nhân là thách thức lớn do những diễn biến phức tạp sau thời kỳ dịch COVID-19 và bất ổn địa chính trị vẫn còn. Riêng Việt Nam duy trì ổn định vĩ mô, lạm phát không quá cao và tốc độ phục hồi kinh tế đang khá tốt.

Trong đó, ấn tượng nhất là GDP năm 2024 tăng dần đều, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung cả năm 2024, GDP tăng 7,09% so với năm trước, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 25,35 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Lạm phát cũng được kiểm soát ở mức phù hợp, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 so với năm trước tăng 3,63%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 4-4,5%.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trên 7% là một thành tựu vượt trội, vượt qua cả dự báo của IMF và so với các nước xung quanh, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ASEAN. Có thể nói Việt Nam đã vượt qua được hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh và hồi phục, đây là những thành tựu rất đáng ghi nhận”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.

Ông Doanh phân tích, có được kết quả này trước hết là do thành tựu của ngành nông nghiệp. Trong tình hình thế giới khó khăn, an toàn nông nghiệp là yếu tố quan trọng nhất, một số quốc gia thiếu lương thực đã trở nên rối ren. Thứ hai là Việt Nam đã phát triển tốt công nghiệp và xuất khẩu vẫn đạt kỷ lục. Những năm gần đây hơn 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Nói về mục tiêu tăng trưởng hai con số, ông Doanh nhận định tuy khó nhưng không phải là không thể đạt được. “Việt Nam có tiềm năng lớn khi có tới 100 triệu dân nhưng hiện tại mới chỉ có 800.000 doanh nghiệp. Nếu phát triển 100 triệu dân thành 2 – 3 triệu doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này”, ông nói.

Dự báo lạc quan cho kinh tế Việt Nam

Seasia Stats, trang thống kê uy tín về các nước Đông Nam Á mới đây đánh giá với quy mô kinh tế đạt khoảng 506 tỷ USD, Việt Nam sẽ lọt TOP 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhận định này được đưa ra dựa trên số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo Seasia Stats, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài. Con số này tăng so với GDP 433 tỷ USD và vị trí 34 của năm 2023. Năm 2020, GDP của Việt Nam đạt 346 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới.

Trong khi đó, Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR (Anh) dự báo, năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD, tăng đáng kể so với năm 2024, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao. Dự kiến, Việt Nam sẽ xếp thứ 124 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, đánh dấu bước tiến trong cải thiện đời sống người dân.

Đề cập tới yếu tố chính thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, chuyên gia WB nhấn mạnh môi trường kinh doanh của Việt Nam mang lại sự ổn định cho các nhà đầu tư, đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Nhờ thế, Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ.

Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực góp phần gia tăng sản xuất. Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định.

Trong báo cáo mới đây về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia Jacqueline Broers, Phó giám đốc danh mục đầu tư tại Quỹ đầu tư Utilico có trụ sở tại Anh cũng đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam chính là cơ cấu dân số vàng.

“Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được hưởng lợi từ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và giá cả phải chăng, với tỷ lệ người trưởng thành biết chữ lên tới 98%. Đây là một trong những lý do giúp Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ví dụ Apple.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là mạnh mẽ và bền vững. Dù còn những vấn đề về chuỗi cung ứng, song nếu chính phủ Việt Nam có thể điều hướng những yếu tố này, Utilico tin rằngViệt Nam có khả năng trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư tại châu Á”, chuyên gia Jacqueline Broers cho biết.

Tại báo cáo chiến lược năm 2025, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng 9-10% trong năm 2025 nhờ thương mại toàn cầu sôi động và các hiệp định khu vực.

Còn chuyên gia HSBC Việt Nam cho rằng, sau khởi đầu khó khăn trong quý I/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm 2024, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.

Làm gì để hướng tới tăng trưởng hai con số?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu quan điểm: “Chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định năm 2025 kinh tế có thể đảm bảo tăng trưởng tốt. Ở kịch bản cơ sở, chúng tôi đưa ra con số 8%, kịch bản tích cực hơn có thể tăng trưởng từ 9 – 9,5%”.

Cơ sở cho những dự báo trên, ông Lực cho rằng chủ yếu dựa trên những động lực tăng trưởng cũ và mới, trong đó có xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Về động lực mới thì liên quan đến chuyến đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, từ đó tạo ra niềm tin, kích thích hứng khởi, kích thích tiêu dùng.

Tuy vậy, chúng ta cần nhiều giải pháp như đa dạng hoá về xúc tiến thương mại, tận dụng các FTA. Cùng với đó phải kích thích đầu tư tư nhân từ khoảng 7% năm 2024 lên 8-9% năm 2025. Đặc biệt, ông Lực nhấn mạnh đầu tư công phải tiếp tục thúc đẩy. “Vừa rồi một số bộ, ngành, địa phương giải ngân khá tốt nhưng cũng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm”, ông nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng, Việt Nam muốn tăng trưởng kinh tế cao thì những động lực tăng trưởng cũ như xuất khẩu, nhập khẩu cần phải làm tốt hơn, vận hành tốt hơn, chất lượng cao hơn, hiệu suất cao hơn.

“Chúng ta phải gia tăng hàm lượng giá trị, nhập khẩu ít hơn, xuất khẩu tăng lên để trực tiếp đóng góp vào tổng cầu, đóng góp vào GDP. Chất lượng xuất nhập khẩu cũng phải tốt hơn, ít phụ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu từ nước ngoài, đồng thời gia tăng sản xuất nguyên liệu từ trong nước, tạo việc làm cho lao động trong nước, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là chúng ta cần chuyển dịch dần sang những lĩnh vực xuất khẩu có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu ra các nước”, ông Bình nói.

Ngoài ra, phải quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực đầu tư, trong đó có đầu tư công và đầu tư khu vực tư nhân.

Với đầu tư công, cần quan tâm đến cả số lượng nhiều hơn và chất lượng đầu tư tốt hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, giải ngân nhanh hơn, quy trình thủ tục rút ngắn hơn.

Còn khu vực đầu tư tư nhân trong 5 năm qua tăng trưởng rất chậm so với những năm trước đó. Do vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa: “Phải tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp mới và tinh thần mạo hiểm của các doanh nghiệp lớn”,.

Ông Bình cũng nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc, sân bay, bến cảng, điện nguyên tử, đường sắt đô thị…“Những dự án lớn đó mà thực hiện tốt sẽ góp phần tích cực trong quá trình kích thích tăng trưởng, thay đổi bộ mặt hạ tầng cũng như vị thế quốc gia. Nếu chúng ta làm tốt thì còn huy động được nguồn lực của cả Nhà nước, khu vực tư nhân và nước ngoài, qua đó góp phần đóng góp trực tiếp cho quá trình tăng trưởng”, ông nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới