Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhông bất ngờ, nhưng bất an

Không bất ngờ, nhưng bất an

Đầu năm 2025, sự kiện không gây bất ngờ nhưng gây bất an, đó là thế giới ngày nay dành tiền bạc chi cho chiến tranh ngày càng khủng khiếp. Nói bài bản là nguồn tài chính cho quốc phòng, thật ra đó là ngân khố bỏ ra để mua thứ vũ khí giết người và nuôi bộ máy quân sự ngày càng phình to đến mức kinh hãi.

Dẫn đầu các “ông lớn”, các ông trùm “kinh doanh vũ khí” là Mỹ, kế đến là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… Mới đây theo một Báo cáo từ Viện Nghiên cứu kế hoạch và phát triển công nghệ quốc phòng Hàn Quốc công bố ngày 13/1/2025, tổng chi tiêu quốc phòng toàn thế giới năm 2023 lập kỷ lục mới: 2.443 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 tăng liên tiếp, so với 2022 thì tăng trên 200 tỷ USD.

Đương nhiên con số đang tổng hợp trong năm 2024 sẽ rất lớn. Hiện tại Mỹ là “anh cả” có mức chi tiêu quốc phòng lên tới 916 tỷ USD, cao nhất toàn cầu (chiếm 37%). Top các nước có chi tiêu quốc phòng nghiêng ngửa với Mỹ là Trung Quốc (296 tỷ USD), Nga (109 tỷ USD), Ấn Độ (83,6 tỷ USD), Nhật Bản 50,2 tỷ USD, Hàn Quốc (47,9 tỷ USD).

Triều Tiên được xem là khá hung hăng trong việc chạy đua vũ khí hạt nhân nhưng lại rất kín tiếng, không để lộ khoản ngân sách chi cho quốc phòng. Chỉ biết rằng, chi tiêu quốc phòng của Triều Tiên trong năm 2023 “chiếm 15,9% ngân sách quốc gia”, con số này ít xê dịch kể từ năm 2020 đến nay. Nếu so với Hàn Quốc thì con số đó là không hề nhỏ, vì mức chi tiêu quốc phòng của nước này chỉ chiếm 2,8% GDP.

Theo các nhà bình luận, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng mạnh là do các cuộc xung đột vũ trang, các thành viên NATO dốc sức đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng lớn. Vẫn biết đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Hôm 13/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề xuất tăng thêm 50 tỷ USD so với dự toán ban đầu, cho quốc phòng, theo đó có thể vượt mức 1000 tỷ USD vào năm tài chính 2028. Con số 1000 này chính là trái bom nguyên tử khủng khiếp nhất treo trên đầu loài người. Ông Austin không nói lý do cho sự gia tăng chóng mặt này mà chỉ nêu lên “sự cần thiết phải hỗ trợ chiến lược quốc phòng”. Ông cũng nhấn mạnh “việc ứng phó chống Trung Quốc và việc tăng cường sức mạnh liên minh”.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc không thể tự mình “nghĩ” ra khoản tiền lớn đến thế. Vào cuối tháng 12/2024, vị Tổng thống không còn trụ lại ở Nhà Trắng bao lâu nữa theo “đồng hồ đếm ngược”, trước khi bàn giao cho nhà tỷ phú Donald Trump, đã ký cái rẹt thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài khóa 2025. Con số 895 tỷ USD khiến nhiều kẻ tái mặt. Phần lớn ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2025 dành cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (15,6 tỷ USD); 300 triệu USD hỗ trợ Đài Loan chống Trung Quốc; 33,5 tỷ USD dành đóng mới 7 tàu chiến hiện đại, đó là tàu ngầm lớp Virginia và tàu khu trục.

Sau những khoản chi có “lý do chính đáng” vừa nêu, lấp ló phía sau là một chiến lược dài hạn nhằm duy trì vị thế siêu cường quân sự của xứ Cờ Hoa. Điều này, không chỉ Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden mà Tổng thống kế nhiệm Donald Trump cũng giơ cả hai tay.

Việc tăng ngân sách chi cho quốc phòng của Mỹ, trong đó có các điều khoản liên quan đảo Đài Loan khiến cho Bắc Kinh giận dữ. Trong buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã chỉ trích Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2025 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa phê duyệt.

Bà Mao Ninh cho rằng NDAA là trò xấu xa, ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc. Rằng, thời gian qua, Mỹ đã “liên tục phóng đại mối đe dọa Trung Quốc, đồng thời kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan”. Bắc Kinh kiến quyết phản đối Mỹ lạm dụng quyền lực quốc gia để hạn chế sự phát triển kinh tế và khoa học công nghệ của Trung Quốc, đồng thời gây ảnh hưởng đến trao đổi kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ nghiêm túc tuân thủ chính sách Một Trung Quốc và ba thông cáo chung Trung – Mỹ, ngừng việc cung cấp vũ trang cho Đài Loan, ngừng chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại, kiềm chế thực hiện các điều khoản tiêu cực liên quan đến Trung Quốc trong các dự luật liên quan.

Thế nhưng, trước khi hạ bút ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, ký tăng nguồn chi cho quốc phòng, Ông Biden và thuộc cấp đã tính toán kỹ. Cách phòng thủ tốt nhất là chuẩn bị cho tấn công để khi chiến sự xảy ra khỏi lâm vào cảnh trở tay không kịp. Phương Tây vốn thực dụng. Còn Trung Quốc Phương Đông cũng chẳng vừa.

Thế là lò lửa chiến tranh luôn nóng rực. Có những anh nghèo cũng theo đóm ăn tàn, chạy đua vũ trang, khiến cho kinh tế đất nước càng khánh kiệt.

Lịch sử đôi khi đi theo cái vòng luẩn quẩn. Biết, mà phá vỡ cái thế đó thật không dễ. Phương thuốc “Cộng đồng chung vận mệnh” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa làm dịu được “tâm bệnh” kích động chiến tranh, núp dưới danh nghĩa phòng thủ và bảo vệ hòa bình.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới