Ngày 14-1, Philippines đã phản đối việc Trung Quốc triển khai tàu tuần duyên lớn nhất vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila tại Biển Đông, gọi đây là động thái đáng báo động.
“Chúng tôi ngạc nhiên trước việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày càng hung hăng khi triển khai con “tàu quái vật” này”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Philippines Jonathan Malaya phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14-1.
Philippines cáo buộc động thái của Trung Quốc rõ ràng nhằm đe dọa các ngư dân của nước này đang hoạt động xung quanh bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông.
Theo Hãng tin Reuters, Manila đã gửi công hàm phản đối về sự hiện diện của tàu tuần duyên Trung Quốc số hiệu 5901, với chiều dài 165m, nặng 12.000 tấn, được phát hiện cách bờ biển tỉnh Zambales (Philippines) 143km và yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi EEZ của Philippines.
“Đây là một hành động leo thang và khiêu khích”, người phát ngôn Malaya bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện của con tàu này là “bất hợp pháp” và “không thể chấp nhận được”.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết đã triển khai hai tàu lớn nhất của họ để đẩy lùi tàu Trung Quốc.
Cũng trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela nhận định những động thái mới từ phía Trung Quốc có thể xuất phát từ sự chuyển giao quyền lực sắp tới tại Mỹ, hoặc là một hành động thách thức các luật gần đây khẳng định về những quyền trên biển của Philippines, theo Hãng tin Bloomberg.
Ngày 13-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun khẳng định các hoạt động “tuần tra và thực thi pháp luật” của Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc là “hợp lý, hợp pháp và không thể bị chỉ trích”.
Quan hệ song phương Trung Quốc và Philippines liên tục leo thang căng thẳng trong những năm qua do các mâu thuẫn liên quan đến chủ quyền trên biển tại Biển Đông.
Trong năm 2024, Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần đấu khẩu về các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm bãi cạn Scarborough.
Phán quyết ngày 12-7-2016, do Hội đồng trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
T.H