Sau khi Hà Nội trình phê duyệt khẩn cấp dự án lấy nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý và giao địa phương thực hiện bố trí vốn, lựa chọn nhà đầu tư.
Sáng 14/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng, chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 5.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% và cao nhất có thể, tạo đà cho năm 2026-2030 tăng trưởng kinh tế hai con số.
Theo ông, thành phố đang tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, ông Thanh cho biết Hà Nội sẽ cố gắng khởi công sớm nhất các cây cầu qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi. Nếu hoàn thành xong những cây cầu này, theo ông, sẽ tạo ra không gian rất lớn để phát triển TP Hà Nội và Bắc Ninh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nêu thực tế hiện nay khi cho ý kiến một vụ việc thì còn có quá nhiều sở, ngành tham gia, từ đó xảy ra tình trạng mất nhiều thời gian khi xử lý thủ tục hành chính. Do đó, ông kiến nghị khi cần xin ý kiến một việc, chỉ cần có 2 sở, nhiều nhất là 3 sở tham gia cho ý kiến để tiết kiệm thời gian và cải cách thủ tục hành chính.
“Báo cáo Thủ tướng, một việc mà tất cả các sở đều cho ý kiến thì luôn bị chậm. Tương tự, khi xin ý kiến bộ, Chính phủ cũng như vậy, rất lâu. Vì vậy mong Chính phủ khi lấy ý kiến cũng chỉ nên lấy ý kiến 2-3 sở”, Chủ tịch Hà Nội kiến nghị.
Về phía địa phương, ông cho biết Hà Nội sẽ tập trung cải cách về mặt thể chế, phân cấp ủy quyền.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng báo cáo Hà Nội đã trình xin Thủ tướng phê duyệt khẩn cấp dự án lấy nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch.
Sau khi nghe lãnh đạo Hà Nội báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý phê duyệt đề án trên.
Ông yêu cầu các bộ tiến hành nhanh những công việc liên quan để sớm trình đề án lên Thủ tướng Chính phủ. “Đồng ý trong trường hợp khẩn cấp, giao cho Hà Nội thực hiện theo thẩm quyền việc bố trí vốn và lựa chọn nhà đầu tư”, Thủ tướng chỉ đạo.
Về các vấn đề cấp bách chung, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân…
Trước đó, ngày 7/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Chính quyền thành phố cho rằng việc sớm khôi phục dòng sông Tô Lịch để đảm bảo cảnh quan, khắc phục ô nhiễm môi trường, được xác định là nhiệm vụ cấp bách của Thủ đô.
Vì vậy, UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép thành phố xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, và cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9.
T.P