Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte hôm 13/1 kêu gọi các nước thành viên trong khối tăng thêm chi tiêu cho quốc phòng. Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu cho quốc phòng trong bối cảnh hiện nay vẫn là một bài toán khó với nhiều quốc gia thành viên khối này.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Bỉ, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cảnh báo, mặc dù 2/3 số thành viên NATO hiện đã đạt được mục tiêu năm 2014 của khối là chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng nhưng con số này là không đủ để bảo vệ họ trước các thách thức an ninh hiện nay, trong đó có xung đột tại Ukraine.
Theo Tổng thư ký NATO, những mục tiêu năng lực quân sự mới của liên minh có thể sẽ khiến các quốc gia thành viên phải chi đến 3,6-3,7% Tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng.
“Quốc phòng mạnh hơn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Và đây là về việc chi tiêu nhiều hơn, chi tiêu tốt hơn, nhưng cũng sản xuất nhiều hơn. Không phải để kích động chiến tranh, mà là để ngăn chặn chiến tranh. Các đồng minh NATO chắc chắn đã tăng chi tiêu quốc phòng. Hai phần ba quốc gia hiện nay đang chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Và điều đó là tốt, và tôi rất hoan nghênh những nỗ lực của họ, nhưng thành thật mà nói, 2% là không đủ. Để đảm bảo an toàn trong những năm tới, các nước sẽ cần chi tiêu nhiều hơn đáng kể so với 2%”, ông Rutte nói.
Tuyên bố của Tổng thư ký NATO đưa ra chỉ ít ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến châu Âu không khỏi ngỡ ngàng khi gợi ý rằng ông muốn các nước NATO tăng chi tiêu quân sự lên 5% GDP. Có quốc gia đồng ý với ý kiến này của ông chủ Nhà Trắng tương lai song cũng có không ít ý kiến phản đối.
Ba Lan – nước chủ tịch luân phiên hiện nay của Liên minh châu Âu đã lên tiếng ủng hộ yêu cầu của ông Trump. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nhấn mạnh, nước này có thể là cầu nối xuyên Đại Tây Dương để biến thách thức này thành hiện thực ở châu Âu: “Châu Âu phải thể hiện sức mạnh của mình vào năm 2025. Đây là năm của một châu Âu hùng mạnh, một nền quốc phòng hùng mạnh, một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh tại quê hương của chúng ta”.
Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước châu Âu khác. Thủ tướng Đức Olaf Scholz không đồng tình với đề xuất của ông Trump, nhấn mạnh rằng con số này quá lớn. Ông kêu gọi NATO nên tập trung vào hướng đi đã đề ra từ lâu là 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto bày tỏ hoài nghi về đề xuất này. Pháp đến nay vẫn đang cố gắng tìm ra cách để tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng do bất ổn chính trị trong thời gian qua. Trong khi Anh vẫn chưa đặt ra mốc thời gian rõ ràng để đạt được mục tiêu 2,5%, chứ chưa nói tới con số 5%. Chính phủ Séc cho biết họ sẽ lần đầu đạt được 2% lần đầu tiên trong năm 2024.
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang phải đối mặt với những thách thức an ninh mới, trong đó có việc ngành công nghiệp quân sự Tây Âu đang tăng cường sản xuất để cung cấp cho Ucraina trong cuộc xung đột với Nga,
Chính vì vậy, theo giới quan sát, con số 5% là không khả thi và đây được xem là bài toán khó đối với nhiều quốc gia thành viên NATO khi các quốc gia này thậm chí còn chưa đạt được mục tiêu 2% đã nêu ra từ nhiều năm trước đó. Hiện tại, không thành viên nào trong liên minh chi tiêu 5% GDP cho quốc phòng.
T.P