Việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến dẫn đến sự tái cấu trúc đáng kể cho tổ chức này và có thể làm gián đoạn thêm các sáng kiến y tế toàn cầu.
Hãng AFP ngày 21.1 đưa tin Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức mà ông nhiều lần chỉ trích về việc đối phó đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại Nhà Trắng vài giờ sau lễ nhậm chức, ông Trump cho biết Mỹ đã chi cho cơ quan này của Liên Hiệp Quốc nhiều hơn so với Trung Quốc và nói thêm rằng “Tổ chức Y tế thế giới đã bòn rút nước Mỹ”.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của WHO.
Việc rút lui của Mỹ dự kiến gây ra sự tái cấu trúc đáng kể cho tổ chức này và có thể làm gián đoạn thêm các sáng kiến y tế toàn cầu. Đây là lần thứ 2 ông Trump tìm cách cắt đứt quan hệ với WHO.
Ông Trump thừa nhận khó thực hiện những lời hứa tranh cử?
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ đã ban hành thông báo về ý định rút lui, cáo buộc tổ chức này chịu ảnh hưởng quá mức từ Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Động thái này sau đó đã bị đảo ngược dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden.
Trong sắc lệnh mới của mình, ông Trump chỉ đạo các cơ quan “tạm dừng chuyển bất kỳ khoản tiền, hỗ trợ hoặc nguồn lực nào của chính phủ Mỹ cho WHO” và “xác định các đối tác đáng tin cậy và minh bạch của Mỹ và quốc tế để đảm nhận các hoạt động cần thiết mà WHO đã thực hiện trước đây”.
Chính quyền Mỹ cũng công bố kế hoạch xem xét và hủy bỏ trong thời gian “sớm nhất có thể” đối với Chiến lược An ninh y tế toàn cầu Mỹ năm 2024 của cựu Tổng thống Joe Biden, có mục đích ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm.
Thời điểm Mỹ rút khỏi WHO diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khả năng bùng phát đại dịch của đợt bùng phát cúm gia cầm (H5N1), đã lây nhiễm cho hàng chục người và khiến một người thiệt mạng tại nước này.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên WHO đã đàm phán về hiệp ước đầu tiên trên thế giới về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch kể từ cuối năm 2021, các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành mà không có sự tham gia của Mỹ.
WHO chưa lập tức bình luận về sắc lệnh của ông Trump.
T.H