Sunday, January 26, 2025
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaChứng cứ lịch sử pháp lý bác bỏ cái gọi là "chủ...

Chứng cứ lịch sử pháp lý bác bỏ cái gọi là “chủ quyền” của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa

Ngày 19/1/2025 đánh dấu việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, sự chiếm đóng quần đảo này bất hợp pháp trong 51 năm qua không thể tạo ra danh nghĩa về chủ quyền bởi việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Việt Nam đã đưa ra nhiều bằng chứng lịch sử về sự chiếm hữu thực sự quần đảo Hoàng Sa ít nhất từ thế kỷ XVI khi quần đảo này là lãnh thổ vô chủ. Các vua, chúa triều đình nhà Nguyễn đã tỏ rõ ý chí nhà nước của mình, thành lập các đội đi biển có tính nhà nước. Hoạt động này được tiến hành hàng năm và được đặt dưới kỷ luật nhà nước bằng việc thành lập các Đội Hoàng Sa để khai thác các tài nguyên sản vật trên biển. Chính sử triều Nguyễn và các văn bản triều đình nhà Nguyễn còn được lưu giữ đề nay đã khẳng định điều này.

Bộ sách Phủ Biên tạp lục, viết năm 1776, của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền tiểu câu ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột ốc hoa, rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp. Cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rỗi lĩnh bằng trở về”.

Sách Đại Nam thực lục chính biên (1848) ghi nhận một loạt các hoạt động thuộc về cách ứng xử của nhà nước thông qua các hoạt động của Đội Hoàng Sa. Năm 1815, 1816, vua Gia Long cử Đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét và đo đạc thuỷ trình, nhiệm vụ được quy định rất rõ ràng. Đại Nam thực lục chính biến cũng như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi như sau: “Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thuỷ đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? Lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để trình lên”.

Các chuyến đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chỉ đạo ở trên có Hoàng đế và Bộ Công, thi hành có vệ thuỷ quân là chính, phối hợp với vệ giám thành và tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Chính Vua Minh Mạng đã nhiều lần ra chỉ dụ thưởng phạt. Thường thì dân binh Đội Hoàng Sa luôn được thưởng 1 hay 2 quan tiền và miễn thuế vì sự vất vả và nguy hiểm. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vua Minh Mạng chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa dựng bia chủ quyền và từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cứ hàng năm, cử người ra Hoàng Sa ngoài việc đo đạc thuỷ trình, vẽ bản đồ còn cắm cột mốc, dựng bia.

Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, ghi rõ: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm mốc dấu. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mặt bia khắc những chữ: “Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

Các vị vua chúa Việt Nam còn rất quan tâm đến việc dựng chùa, miếu mạo và trồng cây tại quần đảo Hoàng Sa. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Vua Minh Mạng đã cử cai đội thuỷ quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, sai trồng cây vì cho rằng, gần đây, thuyền buôn thường bị hại nên trồng cây làm dấu để cho tàu thuyền dễ nhận biết mỗi khi qua lại….

Những hoạt động này đều được văn bản hoá như Châu bản của triều đình nhà Nguyễn cũng như các văn bản khác của chính quyền địa phương hiện đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ Việt Nam. Châu bản là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802 – 1945). Trên các châu bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của các vua triều Nguyễn bằng son đỏ. Hiện nay chỉ duy nhất triều Nguyễn Việt Nam có các Châu bản về thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Trong hơn 700 Châu bản được lưu giữ thì có khoảng 19 tờ Châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Nội dung các tờ châu bản phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nội dung 19 tờ Châu bản, triều đình nhà Nguyễn không chỉ cử các Đội Hoàng Sa và sau này thêm Đội Bắc Hải ra quần đảo Hoàng Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ, xác lập và thực thi chủ quyền mà còn thực hiện các nghĩa vụ quốc tế cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa.

Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830) do Nội các tấu trình về việc cứu hộ tàu buôn của Pháp bị chìm tại Hoàng Sa. Châu bản viết: “Ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830), chủ thuyền buôn nước Pháp là Đô-ô-chi-ly cùng Tài phó Y-đóa và phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Philipinnes buôn bán. Thuyền qua phía Tây Hoàng Sa thì bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn 8 thước”. Các Châu bản về việc cứu nạn này được tường trình chi tiết và được Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng báo cáo liên tục đến nhà Vua, nhà Nguyễn đã cho thuyền tuần tiễu của triều đình đi tìm kiếm và “đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn”.

Châu bản triều Nguyễn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngày 14/5/2014. Như vậy, thời nhà Nguyễn từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XIX, Đội Hoàng Sa đã làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa. Các chuyên gia cho rằng, những tờ châu bản này là những tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, bằng các hoạt động do nhà nước tổ chức, với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà Vua và nhà nước Việt Nam đã thụ đắc chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa theo đúng các quy tắc của luật pháp quốc tế áp dụng vào thời điểm đó.

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia phân tích: “Trung Quốc cho rằng, họ có bằng chứng không thể chối cãi về việc Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước này. Tuy nhiên, những tài liệu về Đội Hoàng Sa cho thấy, chủ quyền về Hoàng Sa mà Trung Quốc từng tuyên bố là vấn đề còn tranh cãi. Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam có cơ sở vững chắc. Đội Hoàng Sa có chức năng kinh tế, quốc phòng. Vào thời điểm đó, cách thức để duy trì việc quản lý chủ quyền là thông qua các cuộc thăm viếng thường xuyên để quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ đảo. Và Đội Hoàng Sa của Việt Nam đã thực hiện các chức năng này”. Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã xác lập chủ quyền của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hoà bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Quần đảo Hoàng Sa còn sớm được thể hiện trên các bản đồ cổ của Việt Nam và quốc tế. Tấm bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo, biên soạn vào năm 1686. Trên bản đồ này chú thích khá cụ thể về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quần đảo này, cũng như chủ quyền của Chúa Nguyễn được xác lập ở đó. Bản đồ có có đoạn văn viết bằng chữ Hán: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn”. Hoàng Sa được thể hiện trong Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ được vẽ theo lệnh của vua Minh Mạng, hoàn tất vào năm 1838.Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn được vẽ gần giống với các bản đồ Việt Nam sau này.

Trong khi đó, những bộ chính sử các triều đại Trung Quốc từ Nhà Hán (203TCN – 220) đến đời Thanh, chưa từng biên chép gì về quần đảo Hoàng Sa bởi trong lịch sử các triều đại này chưa từng xem nó thuộc về phần đất của họ. Đáng chú ý là các bản đồ do phương Tây và Trung Quốc phát hành trước thế kỷ XX, phản ánh một sự thực không thể chối cãi rằng chủ quyền thực sự của Trung Quốc chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc và các bản đồ phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước cũng đều cho thấy cực Nam của Trung Quốc là ở đảo Hải Nam, trên vĩ tuyến thứ 18.

Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 còn ghi rõ “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là một tấm bản đồ được đích thân các Hoàng đế nhà Thanh từ Khang Hy cho đến Quang Tự huy động lực lượng giáo sĩ và những người tài giỏi về thiên văn, toán pháp thực hiện trên cơ sở tập hợp tư liệu từ các đời Tần, Hán và được tiến hành liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), do Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, rồi đến Đại Thanh đế quốc toàn đồ vẽ năm 1905 (nhà xuất bản bản đồ Tây An tái bản năm 1995 trong Trung Quốc cổ địa đồ trân tập), cương giới phía nam của Trung Quốc trên hai bản đồ này chỉ tới đảo Hải Nam.

Bộ Atlas Trung Quốc như Atlas of the Chinese Empire – Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh là tập Atlas chính thức được phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh và hai tập Atlas Postal de Chine do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào các năm 1919 và 1933, in bằng 3 thứ tiếng Trung, Anh, Pháp (tức là để phổ biến rộng rãi cho cả thế giới biết), gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản năm 1933, thì cực Nam Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.

Giới phân tích nhận định các bản đồ cổ của Trung Quốc, thậm chí một số bản đồ hiện đại cho đến giữa thế kỷ XX cũng chỉ thể hiện cực Nam của Trung Quốc kết thúc ở Đảo Hải Nam bởi vì nó phản ánh đúng thực tế lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ có bất kỳ một hành động nào nhằm thể hiện quyền lực của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa hay Biển Đông và chủ quyền thực sự của Trung Quốc chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam mà thôi.

Điều này cũng tương đồng với các tấm bản đồ của phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước. Bộ Atlas thế giới Bruxelles gồm 6 tập khổ lớn do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen (1795-1869), người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản năm 1827. Điểm đán chú ý là Bộ Atlas không chỉ khẳng định cực Nam của Trung Quốc giới hạn ở đảo Hải Nam mà còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa một cách rõ ràng, chi tiết và chính xác.

Đáng chú ý là tấm bản đồ cổ mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng cho Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây 10 năm (vào tối 28/3/2014) nhân chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo Trung Quốc, cũng không có quần đảo Hoàng Sa (theo bài “Một Merkel, một tấm bản đồ, một thông điệp” đăng trên tở FP ngày 02/4/2014). Điểm cực Nam cũng chỉ tới đảo Hải Nam. Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 – 1795) do nhà bản đồ học người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, được 1 nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735. Một số chuyên gia còn cho rằng việc bà Angela Merkel tặng Tập Cận Bình tấm bản đồ này là một “trò chơi ngoại giao” để nhắc nhở Bắc Kinh rằng những yêu sách của họ ở Biển Đông là phi lý và bất hợp pháp.

Năm 1885 tại Hội nghị về châu Phi giữa 13 nước châu Âu và Mỹ ở Berlin, các bên đã thông qua một định ước, trong đó đưa ra nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” để công nhận một quốc gia có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ (gọi tắt là Định ước Berlin 1885). Theo đó, việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành; việc chiếm hữu phải được tiến hành trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res-Nullius) hay trên một vùng lãnh thổ đã bị bỏ hoang (derelicto); quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình một cách hiệu quả, thích hợp với những điều kiện tự nhiên, dân cư ở trên vùng lãnh thổ đó; việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phải hòa bình, liên tục rõ ràng; dùng vũ lực để xâm chiếm là phi pháp, không được thừa nhận.

Dựa trên nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” được quy định trong Định ước Berlin 1885 thì Trung Quốc hoàn toàn không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bất chấp việc họ chiếm đóng tại quần đảo này 51 năm bởi: thứ nhất, khi Trung Quốc có mưu đồ xâm chiếm Hoàng Sa (từ đầu thế kỷ XX) thì quần đảo này không còn là vùng đất vô chủ mà nó đã được các nhà nước phong kiến Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền một cách liên tục hoà bình từ hàng trăm năm trước (như các tư liệu lịch sử nói trên); thứ hai, Bắc Kinh chiếm đóng quần đảo quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực sau khi hải quân Trung Quốc gây ra cuộc chiến đẫm máu cho hải quân Việt Nam Cộng hoà – chính quyền đang quản lý và thực thi chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo này, đây là sự chiếm đóng phi pháp, không được thừa nhận. 

Do vậy, giới chuyên gia luật pháp quốc tế đều cho rằng dù Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa 51 năm hay lâu bao nhiêu đi chăng nữa thì nước này cũng không thể tạo ra được danh nghĩa chủ quyền đối với quần đảo này bởi sự chiếm đóng của Bắc Kinh đối với quần đảo này là phi pháp, là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc về cấm sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để chiếm đóng các vùng lãnh thổ.

Trần Duy HảiNguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia

RELATED ARTICLES

Tin mới