Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, Bộ Tứ (Quad) đã nhóm họp. Theo các thành viên trong nhóm, bao gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ, họ họp gấp chỉ vì muốn xua tan lo ngại về nước Mỹ biệt lập hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Sự thật thì, họ gặp nhau chóng vánh, cả việc triệu tập sớm và thời gian họp chỉ trong hơn một giờ đồng hồ là có dụng ý: Tái khẳng định cam kết phối hợp với nhau. Những cái bắt tay và ánh mắt đầy ẩn ý chả khác nào một lời cảnh báo gửi đến Trung Quốc, bởi từ lâu Bắc Kinh luôn coi Quad là lực lượng kiềm chế họ.
Ngài Vương Nghị, “con sói già” Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từng chế giễu các hoạt động của nhóm này chỉ là “một ý tưởng gây chú ý của truyền thông”. “Chúng giống như bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương: Gây được một số sự chú ý nhưng sẽ sớm tan biến”. Vì sao ông Vương lại ngạo mạn như thế? Bởi các nhà chiến lược Trung Quốc đánh giá các thành viên của Quad có quyền lợi quá khác biệt nhau nên khó có thể tạo ra hòn đá tảng của sự thống nhất.
Mặc dù tỏ ra “không thèm chấp” nhưng gần đây Trung Quốc đã giật mình liên tục. Kể từ khi Bộ Tứ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên và phát hành thông cáo chung cấp lãnh đạo đầu tiên, chính quyền của ông Tập Cận Bình thấy rõ mối nguy hiểm. Rằng, Bộ Tứ đại diện cho một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với tham vọng của Trung Quốc, nhất là tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần đưa ra cảnh báo, Trung Quốc đang đối mặt với một “cuộc chiến đấu vì tương lai của trật tự quốc tế” với một nước Mỹ quyết tâm ngăn cản sự trỗi dậy của đất nước hơn tỷ dân này.
Khi những con sóng Biển Đông trở nên “hung dữ”, Bắc Kinh nhận thấy, có một nguyên nhân trực tiếp đến từ Bộ Tứ. Đối với ông Tập, câu hỏi đau đầu nhất là, Bộ Tứ nay mai liệu có sẽ phát triển đủ lớn, đủ chặt chẽ để cân bằng thế lực chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả? Nếu vậy thì nó sẽ làm suy yếu mọi quan điểm cho rằng sự thống trị của Trung Quốc, ở châu Á hay toàn cầu, là không thể tránh khỏi.
Trung Quốc nhất định phải tìm ra được một chiến lược thành công để phá hoại sự phát triển của Bộ Tứ. Bắc Kinh cáo buộc bốn quốc gia này đang cố gắng thành lập một “NATO châu Á”. San phẳng Bộ Tứ được xem là yếu tố quan trọng quyết định trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Và số phận của tham vọng toàn cầu của Trung Quốc cũng là từ đây.
Qua nhiệm kỳ của Joe Biden, Bộ Tứ “sống khỏe” và “lớn nhanh”. Ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống 2.0, ông Trump thể hiện rõ con bài chống Trung Quốc để nước Mỹ tiếp tục “vĩ đại trở lại”. Ông ngụ ý nói rằng, sẽ biến Mỹ thành một thế lực thống trị, sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Cuộc họp chớp nhoáng của Quad là một minh chứng rõ rệt.
Tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp do tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chủ trì tại Washington là: bốn quốc gia cam kết sẽ họp thường xuyên để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tại Ấn Độ sẽ tổ chức vào cuối năm 2025.
Tuy là người luôn hoài nghi về các liên minh và diễn đàn đa phương, song ông Trump lại ca ngợi Quad, vì cả bốn quốc gia “đều chia sẻ mối quan ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc”. Các nhà lãnh đạo Quad hy vọng duy trì tính liên tục trong cách tiếp cận của họ là việc họ nhất trí ra tuyên bố chung, khẳng định cam kết các đối tác sẽ nỗ lực hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi pháp quyền, các giá trị dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được duy trì và bảo vệ”.
Tại hội nghị mở đầu nhiệm kỳ Trump 2.0 Quad tuyên bố: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”. Báo chí Nhật Bản đã dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này cho biết, cuộc họp đã bàn đến vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya cũng bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Việc diễn ra cuộc họp của các ngoại trưởng Quad chỉ vài giờ ông Trump nhậm chức cho thấy ưu tiên trong chính sách đối ngoại của các quốc gia thành viên.
Dù an ninh chỉ là một khía cạnh hợp tác của nhóm, nhưng đây là yếu tố chính trong chiến lược của Mỹ nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.
Xin nói thêm về tân ngoại trưởng Mỹ. Trong thời gian làm việc ở Thượng viện, ông Rubio là người thường thể hiện quan điểm gay gắt với Trung Quốc, và ông đã bị Chính phủ Trung Quốc trừng phạt vì những phát biểu liên quan đến vấn đề nhân quyền. Trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ tuần trước, ông Rubio cảnh báo về rủi ro từ mối quan hệ mất cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với một người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ như Rubio, Bắc Kinh sẽ phải có chính sách ngoại giao rắn hơn và cũng khôn khéo hơn.
Cho nên trước sự kiện Bộ Tứ họp bình thường mà hóa bất thường khiến cho chính quyền của ông Tập không khỏi lo lắng, dẫu vẫn biết xưa nay “cái bình ngoại giao” vẫn cũ. Cái khiến người ta say đứ đừ, mê mẩn hay gặp họa chính là thứ “rượu mới” bên trong đó.
H.Đ