Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Nga: TQ chỉ là đồng minh ảo của Moskva

Chuyên gia Nga: TQ chỉ là đồng minh ảo của Moskva

Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga Aleksandr Khramchikhin nhận định, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chỉ là “đồng minh ảo” của Nga trong các vấn đề quốc tế.

Trong bài phân tích mới đây của mình, ông Khramchikhin đã đưa ra các dẫn chứng thuyết phục cho thấy Trung Quốc vẫn “lập lờ nước đôi” trong việc ủng hộ Nga, trái với sự kỳ vọng của Kremlin.

Trong vấn đề Crimea

Vào tháng 3/2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ và các nước phương Tây đã khởi động chiến dịch cấm vận Nga.

Về phần mình, Nga hết sức mong chờ sự ủng hộ, về mặt kinh tế cũng như chính trị từ phía các đồng minh, đặc biệt là từ Bắc Kinh.

Thế nhưng, theo Aleksandr Khramchikhin, mọi sự mong chờ này đều vô vọng. Nước Nga không hề nhận được từ giới lãnh đạo Trung Quốc sự ủng hộ nào.

Trong các cuộc bỏ phiếu ở Liên hợp quốc và ở Hội đồng bảo an về vấn đề Crimea, Trung Quốc không hề hậu thuẫn Nga. Chỉ có 42 nước từ tổng số 192 nước thành viên LHQ, tức 21.88% thành viên LHQ ủng hộ việc trừng phạt Nga khi sáp nhập Crimea.

Với việc bỏ phiếu trắng, Trung Quốc nằm trong số 150 quốc gia ( hay là 149, nếu như trừ nước Nga) duy trì quan điểm cũ với nước Nga.

Nhưng việc “duy trì quan hệ” khó có thể coi là ủng hộ, nhất là khi trong số này có cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Hàn Quốc, Israel.

Tuy nhiên, trong số 150 quốc gia không ủng hộ cấm vận, Trung Quốc là nước duy nhất lại tiến hành những biện pháp “trừng phạt” Nga.

Chính quyền nước này đã khuyến cáo các cơ quan nhà nước không tham gia các dự án hợp tác với Crimea, hoặc từ chối đón tiếp các đoàn đại biểu Nga có thành phần của Crimea tham gia.


Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong quyết định trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine. (Ảnh minh họa: AFP)

Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong quyết định trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine. (Ảnh minh họa: AFP)

Thêm nữa, các ngân hàng Trung Quốc bỗng dừng giao dịch với nhà băng Nga, rất nhiều trong số đó né tránh tham gia các giao dịch thương mại quốc tế. Trong khi đó với Ukraine, các giao dịch vẫn diễn ra bình thường như trước đây.

Kim ngạch trao đổi hàng hóa Nga-Trung cũng sụt giảm tới 1/3 trong 2 năm trở lại đây, dù rằng Moskva luôn kỳ vọng nó sẽ tăng đáng kể.

Tương tự, hợp đồng mua bán dầu khí cho đến nay vẫn chưa thấy sự hiệu quả, cũng như làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Nga.

Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, đã 4 năm trôi qua kể từ khi hai nước tiến hành đàm phán song phương về bán SU-35 cho Trung Quốc, hợp đồng trong năm nay mới ký kết, nhưng vẫn chưa có hiệu lực.

Trong năm 2016, việc triển khai hợp đồng mua bán chưa chắc đã được thực thi, bởi Bộ quốc phòng Nga vừa có quyết định mua thêm 50 chiếc SU-35 cho quân đội Nga, nên tình trạng sản xuất của nhà máy Komsomolsk trên sông Amur sẽ trở nên quá tải.

Ngoài ra, chưa có tín hiệu gì việc Nga sẽ trang bị cho Trung Quốc tổ hợp tên lửa S-400, thậm chí việc ký kết hợp đồng được tiến hành hay chưa vẫn chưa được xác định.

Sự lập lờ không ủng hộ Nga

Trong vấn đề Syria, rộng hơn là Trung Đông, Nga không hề nhận được từ Trung Quốc bất kỳ sự ủng hộ nào, dù là nhỏ nhất.

Trung Quốc cũng không có sự ủng hộ nào, dù là mang tính biểu tượng với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thậm chí còn ngược lại, đứng về phe đối lập.

Điều đó có thể thấy rõ qua chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Trung Đông trong năm nay (thăm Saudi Arabia, Ai cập và Iran). Ông Tập thể hiện lập trường ủng hộ Riyadh, một trong những đối thủ của Assad.

Tại trụ sở Liên đoàn Arập (AL) ở thủ đô Cairo của Ai Cập, Chủ tịch Trung Quốc lên án sự can thiệp của bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào vào Trung Đông, rõ ràng, ngụ ý đến chiến dịch không kích của Nga ở Syria.

Trung Quốc chỉ duy nhất 1 lần lên tiếng ủng hộ Nga, đó là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định rút quân khỏi Syria vào tháng 3 vừa qua.

Thêm nữa, trong khi quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng đến đỉnh điểm sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay SU-24 của Nga, Bắc Kinh liền tuyên bố sẽ xây dựng một hành lang vận tải trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới, tránh qua Nga.

Con đường này sẽ qua lãnh thổ Azerbaijan, Gruzia và… Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời có thể kết nối với Ukraine.

Tuyến đường vận tải này sẽ dài hơn nhiều, khi không qua Nga, thậm chí sẽ phải qua các vùng tranh chấp khá căng thẳng ở Ngoại Kavkaz và Trung Á. Có phải đây là sự thách thức công khai với Nga?


Trung Quốc đã tham gia thiết lập tuyến vận tải qua Azerbaijan, Kazakhstan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu, sau khi Nga có lệnh cấm vận hàng hóa Thổ vì vụ Su-24 hồi tháng 11/2015. (Ảnh: report.az)

Trung Quốc đã tham gia thiết lập tuyến vận tải qua Azerbaijan, Kazakhstan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu, sau khi Nga có lệnh cấm vận hàng hóa Thổ vì vụ Su-24 hồi tháng 11/2015. (Ảnh: report.az)

Aleksandr Khramchikhin, sinh 1967, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga.

Ông công tác tại Viện từ 1996, tác giả nhiều cuốn sách và hàng trăm bài báo phân tích chính trị. Từ năm 2012 đã dự báo chính xác tình hình Syria hiện nay.

Thời gian thử thách

Trước chuyến thăm Nga vào tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố quan hệ Nga-Trung có thể “vượt qua được bất kỳ thử thách nào” và “sự phát triển toàn diện và hợp tác Trung-Nga không thể thay đổi dưới ảnh hưởng của bất kỳ yếu tố tiêu cực tạm thời “.

Như vậy, Bắc Kinh đã công khai thừa nhận, là quan hệ Trung-Nga đang phải trải qua “những thử thách” và “yếu tố tiêu cực”.

Quan hệ thực tế giữa Moskva và Bắc Kinh ngày càng trở nên phức tạp, nhưng mỹ từ vẫn như trước: Hai bên tiếp tục phô bày khá thành công cho thế giới biết về mối quan hệ tốt đẹp “chưa từng có”.

Trong hai thập kỷ trở lại đây, lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên nhắc đi nhắc lại một “công thức”: Quan hệ của họ với Nga không phải là quan hệ đồng minh và không cấu kết để chống lại nước thứ ba.

“Công thức” này thể hiện rõ lập trường thực tế của Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ không vì phương Tây mà làm mất lòng Nga, cũng ở mức độ như vậy, sẽ không vì Nga mà làm mất lòng phương Tây, bởi kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa nước này và phương Tây gấp rất nhiều lần so với Nga.

Chuyên gia Aleksandr Khramchikhin cũng chỉ rõ Bắc Kinh sẽ chẳng vì Moskva mà đánh mất quan hệ với Kiev, khi với nước ngày, Ukraine chính là “cầu nối” với châu Âu mà không cần qua Nga.

Thêm vào đó, khi mà Ukraine là “nguồn” của các công nghệ quân sự từ thời Liên Xô và có nguồn đất đai màu mỡ để có thể sang thuê.

Theo Aleksandr Khramchikhin, nhiều người vẫn nhớ rõ rằng, vào thập niên 1980, Mỹ, Saudi Arabia và Pakistan đã “khai sinh” tổ chức al-Qaeda để chống lại quân độiLiên Xô ở Afganistan.

Nhưng không hiểu sao họ lại quên, một trong những thành viên của Liên minh chống Liên Xô này chính là… Trung Quốc.

Chuyên gia Aleksandr Khramchikhin kết luận: “Như vậy, trong vấn đề Crimea và Ukraine, vấn đề Syria, quyền lợi của Trung Quốc hoàn toàn không trùng hợp với Nga. Thế mà Moskva lại cứ mong chờ ‘một cách đáng ngạc nhiên’ vào sự ủng hộ của Bắc Kinh.

Chính quyền của bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ bảo vệ quyền lợi của chính nước mình, chứ không phải của nước nào khác.

Trong trường hợp này, những gì Bắc Kinh đã làm, và sẽ tiếp tục làm, chỉ vì quyền lợi của Trung Quốc, chứ không phải vì Nga.

Những quyền lợi này hoàn toàn khác nhau, vì vậy không có liên minh nào cả và sẽ không bao giờ có liên minh nào (giữa Nga và Trung Quốc). Chỉ rất ngạc nhiên, là ở Kremlin người ta không hiểu được điều đó.

Ở đây, dường như câu chuyện quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ lại được lặp lại: Đã nhiều năm liền, Moskva vờ không nhận ra một điều, rằng quyền lợi địa chính trị của Moskva và Ankara (đặc biệt là sau khi Erdogan lên nắm quyền) không những khác nhau, mà còn đối nghịch nhau.

Và Kremlin cũng cố vờ tỏ ra ngạc nhiên khi máy bay SU-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên vùng trời Syria”.

Trong lời kết, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga chua chát nhận xét:

“Trung Quốc chỉ chưa bắn hạ máy bay của chúng ta mà thôi. Và, dường như, sự khác nhau giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ giới hạn có mỗi điểm đó. Và hiện thời, mới chỉ có thế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới