Tuesday, April 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines kiên cường trong cuộc đấu chủ quyền với Trung Quốc

Philippines kiên cường trong cuộc đấu chủ quyền với Trung Quốc

altBienDong.Net: Cách nay một năm, ngày 24.7.2012, Trung Quốc chính thức thành lập đơn vị hành chính đặt tên là Tam Sa, với nhiệm vụ cai quản hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các quốc gia láng giềng.

Hành động này đã bị nhiều nước Đông Nam Á phản đối, và ngày 24.7.2013, người Philippines khắp nơi đã động viên nhau biểu tình để phản đối hành động xâm lấn và gây hấn của Trung Quốc.

alt 

Căn cứ vào múi giờ, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên đã xẩy ra tại Philippines, theo lời kêu gọi của nhiều tổ chức, tập hợp trong Liên minh Biển Tây Philippines (WPS) vừa mới thành lập (Biển Tây là cách gọi Biển Đông của người Philippines).

Tại thủ đô Manila, hàng trăm người đã tuần hành trên một đại lộ náo nhiệt tại khu phố tài chính, với các khẩu hiệu « Trung Quốc, hãy chấm dứt hành vi bắt nạt », và hô to: « Cút đi, cút đi ». Một người biểu tình còn đốt cháy một lá cờ Trung Quốc. Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila đã đóng cửa để phòng ngừa sự cố.

Liên minh Biển Tây Philippines, bao gồm các tổ chức nhân quyền, các nhân vật lãnh đạo xã hội dân sự, các tổ chức sinh viên, và các nhóm tôn giáo, mong muốn nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ Philippines không chỉ ở trong nước mà ở mọi nơi trên thế giới.

Một trong những người lãnh đạo phong trào biểu tình, cựu Bộ trưởng Nội vụ Rafael Alunan, cho biết họ muốn các đồng hương của mình có hành động cụ thể nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ông nói: « Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của người Philippines, không chỉ ở trong nước, mà trên toàn thế giới, về những vấn đề mà chúng tôi đang phải đối phó vì Trung Quốc, để chính người dân vùng lên đông đảo và nói với Trung Quốc là hãy rút đi và lựa chọn con đường hòa bình ».

Các nhà lãnh đạo liên minh nhấn mạnh rằng họ không chống lại người dân Trung Quốc, nhưng chống lại các hành vi của Bắc Kinh mà họ gọi là « chính sách vô luật pháp nhằm xâm lấn, chiếm cứ, trộm cắp tài nguyên thiên nhiên và hù dọa ».

Không chỉ tại Philippines, các cuộc biểu tình của cộng đồng người Philippines chống đòi hỏi phi lí của Trung Quốc cũng diễn ra ở Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, và trên khắp Châu Âu.

Ở Mỹ, có ba nơi biểu tình chính: Tại New York, trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, tại San Francisco, trước lãnh sự quán Trung Quốc, và tại Washington trước đại sứ quán Trung Quốc. Trong khi đó, một nhóm các nghệ sĩ từ Philippines và Mỹ đã thành lập ban nhạc The Filipinos Unite (FU) với mục đích sử dụng âm nhạc để kêu gọi người Philippines trên toàn thế giới đoàn kết cùng chống lại Trung Quốc đang bắt nạt họ ở Biển Đông.

Vonz Sanos, trưởng ban nhạc FU cho biết, phong trào của họ nhằm mục tiêu “truyền cảm hứng cho người Philippines trên toàn thế giới để thức dậy và đến với nhau, để cho thế giới thấy rằng vẫn có 1 cách khác để giải quyết xung đột, để giành lấy hòa bình, để nhắc nhở về sức mạnh và phẩm giá của Philippines”.

Cùng với vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa án LHQ liên quan yêu sách đường lưỡi bò bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông, Philippines đang kiên trì cuộc đấu ngoại giao nhằm đưa vấn đề Biển Đông ra trước dư luận quốc tế.

Tại Hội nghị bàn tròn về Biển Đông tại Brussels (Bỉ) hôm 9.7, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố rằng Philippines đã tìm mọi giải pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông với TQ nhưng tất cả đều thất bại, đồng thời ông công khai cảnh báo các đối tác Châu Âu trước nguy cơ Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà của họ.

Tiếp sau đó, để giải thích trước công luận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines đã đăng đàn bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoài giao Trung Quốc cho rằng Ngoại trưởng Philippines đã nói sai sự thật tại Brussels, đồng thời chỉ ra trước thế giới 8 sự thật để khẳng định tuyên bố nêu trên của TQ là vô căn cứ. Tám sự thật đó là:

1. Philippines và TQ đã có nhiều cuộc trao đổi về vấn đề tranh chấp Biển Đông từ khi hai bên tổ chức tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông lần thứ nhất năm 1995. Tuy nhiên, qua hơn 17 năm tham vấn, hai bên không đạt được tiến triển nào.

2. Từ khi tàu chính phủ TQ xâm nhập bãi ngầm Scarborough hồi tháng 4 – 2012, Philippines đã tham gia gần 50 cuộc tham vấn với TQ.

3. Trong các cuộc thảo luận về hàng hải với TQ trong khuôn khổ các hội nghị ASEAN ở Brunei, Philippines đã mời TQ tham gia đàm phán không chính thức về Biển Đông. Đầu năm ngoái, Philippines cũng đã đàm phán hai ngày với TQ về Biển Đông tại Manila. Các kế hoạch đàm phán tiếp theo bị ngưng trệ vì các vụ xâm nhập của TQ vào vùng biển Philippines, đặc biệt là vụ xâm nhập bãi Scarborough.

4. Ngay từ đầu và xuyên suốt sau đó, Philippines luôn công khai chính sách giải quyết tranh chấp Biển Đông theo ba hướng ngoại giao, chính trị và pháp lý.

5. Trước khi nộp đơn đề nghị tòa án trọng tài quốc tế phân xử, Philippines đã đề xuất TQ cùng Philippines tham gia cơ chế dàn xếp tranh chấp để có thể đạt được giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông. Đề xuất này được thể hiện qua công hàm ngoại giao gửi TQ ngày 26.4.2012. Tuy nhiên, TQ đã cho rằng đề xuất không có cơ sở và kêu gọi Philippines “kiềm chế bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ TQ”.

6. Trước khi phát công hàm trên, Philippines đã nhiều lần ngỏ lời mời TQ (nói miệng) cùng Philippines đưa vấn đề Biển Đông ra phân xử ở Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS). Trong chuyến thăm TQ hồi tháng 7.2011, Ngoại trưởng Albert del Rosario cũng đã đề xuất đưa vấn đề Biển Đông ra ITLOS.

7. Ngoại trưởng Albert del Rosario đã thăm Bắc Kinh ba lần và đã mời ngoại trưởng TQ sang Manila tham vấn về Biển Đông. Tuy nhiên, đến bây giờ Philippines vẫn đang chờ đợi phản ứng tích cực của TQ.

8. Trong các cuộc đàm phán giữa hai nước, phía TQ khăng khăng bảo vệ lập trường cứng rắn về chủ quyền ở Biển Đông. Trước lập trường cứng nhắc đó của TQ, Philippines không thể tiếp tục đàm phán song phương về Biển Đông. Do đó Philippines phải nộp đơn nhờ tòa án trọng tài quốc tế phân xử theo phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển.

Hành động quyết liệt, lý lẽ đanh thép, Philippines đang chứng tỏ bản lĩnh kiên cường của một nước nhỏ kiên quyết chống lại đòi hỏi chủ quyền phi lí của người khổng lồ Trung Quốc trên Biển Đông, giúp thế giới hiểu rõ hơn về một vấn đề mà Trung Quốc chỉ muốn bàn bạc tay đôi với từng nước liên quan.

BDN (Nguồn RFI, GDVN và SGTT)

RELATED ARTICLES

Tin mới