Theo The National Interest –TNI (Mỹ), dù rất hùng hổ tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Theo phụ lục VII về Biển Đông, nhưng cuối cùng Trung Quốc vẫn sẽ phải tuân thủ phán quyết này, giống như nhiều cường quốc khác.
Trong một bài luận gần đây, nhà khoa học chính trị Graham Allison đã đề cập tới sự bác bỏ trắng trợn của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Theo phụ lục VII về Biển Đông.
Ông Allison cho rằng, đã có nhiều trường hợp các cường quốc từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế, do vậy việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết quốc tế về Biển Đông là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, phản bác lại quan điểm trên, ông Richard Javad Heydarian, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học De La Salle (Philippines), cho hay, ông Allison đã sai lầm khi nhận xét như vậy.
Theo ông Richard, ông Allison đã thật thiếu sót khi không đề cập đến việc những cường quốc phớt lờ phán quyết cuối cùng đều phải “quay đầu là bờ”, chấp nhận phán quyết.
Ví dụ về vụ kiện giữa Nicaragua và Mỹ (1984-1986). Nicaragua, một nước nghèo ở Mỹ Latin, đã kiện Mỹ chi tiền viện trợ cho quân nổi dậy nhằm lật đổ chính phủ nước này. Nicaragua còn tố cáo Mỹ gài mìn trong các vùng biển và cảng biển của Nicaragua.
Tòa Trọng tài Theo phụ lục VII bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Tòa án Công lý quốc tế đã ra phán quyết cho rằng Mỹ vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực. Tòa yêu cầu Mỹ phải bồi thường cho Nicaragua 370,2 triệu USD. Mỹ từ chối thi hành phán quyết Nicaragua gây sức ép với Mỹ ở Liên Hiệp Quốc đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhiều quốc gia khác.
Cuối cùng Mỹ phải trả cho Nicaragua 500 triệu USD dưới hình thức viện trợ kinh tế. Sau đó, Tổng thống Nicaragua mới đề nghị Quốc hội hủy bỏ luật yêu cầu Mỹ bồi thường.
Đối với những cường quốc đang mong muốn có được vị trí thống trị, đang tìm kiếm sự tôn trọng và sự tin cậy trên thế giới, thì việc phớt lờ phán quyết quốc tế sẽ dẫn đến những cái giá rất lớn. Do vậy, tuân thủ phán quyết là điều họ buộc phải lựa chọn.
Tương tự như vậy, theo TNI, Mỹ tiếp tục xa lánh các đồng minh và làm suy yếu danh tiếng khi không phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ đã Âm thầm tuân thủ các điều khoản của UNCLOS.
Điều đó được chứng minh bằng việc Washington cho phép tàu chiến Trung Quốc đi qua Khu Mỹ đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hơn nữa, Mỹ cũng sẵn sàng để tàu chiến Trung Quốc đi vào lãnh hải (phạm vi 12 hải lý tính từ đường bờ biển) của Mỹ ở Alaska .
Ngược lại, Trung Quốc, dù đã phê chuẩn UNCLOS, nhưng luôn phản đối các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế của Mỹ. Bắc Kinh đưa ra những quy định hạn chế sự di chuyển của các tàu, máy bay nước ngoài ở cả khu vực không phải lãnh hải Trung Quốc hay cả những vùng tiếp giáp.
Trung Quốc hiện nay còn tăng cường quấy nhiễu hoạt động tuần tra hợp pháp của Mỹ ở Biển Đông.
Trường hợp khác là vụ kiện Arctic Sunrise hồi năm 2013 giữa Nga và Hà Lan. Hà Lan kiện Nga đã bắt giữ trái phép thuyền và thủy thủ đoàn trên tàu Arctic Sunrise lên Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS).
Vụ kiện gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, Hà Lan yêu cầu ITLOS đưa ra biện pháp tạm thời để trao trả tự do cho tàu và thủy thủ đoàn. Giai đoạn hai, Hà Lan yêu cầu Nga tuân thủ biện pháp tạm thời mà ITLOS đưa ra và bồi thường cho Hà Lan.
Nga từ chối tham gia cả hai giai đoạn với lý do cả hai tòa đều không có thẩm quyền xử lý vụ kiện.
Bất chấp sự không xuất hiện của Nga, ITLOS đưa phán quyết yêu cầu thả ngay lập tức tàu và các thủy thủ của tàu Arctic Sunrise. Ban đầu, Nga không tuân thủ phán quyết của ITLOS
Tuy nhiên, sau đó Nga đã làm theo tất cả các yêu cầu của ITLOS, mặc dù giới chức Nga luôn khẳng định việc thả tàu và thủy thủ đoàn là hành động tuân thủ luật pháp của Moscow chứ không phải theo phán quyết của ITLOS.
Vụ kiện Arctic Sunrise cho thấy, việc không xuất hiện tại tòa không liên quan gì đến việc có tuân thủ phán quyết hay không cho dù ban đầu các quốc gia có tuyên bố hùng hồn thế nào đi nữa.
Một yếu tố khiến các quốc gia, bao gồm cả các cường quốc, phải tuân thủ luật pháp quốc tế đó là để bảo vệ danh tiếng, tránh những hậu quả lâu dài.
Hồi năm 2009 , sau nhiều năm tranh chấp, Bangladesh quyết định đưa bất đồng về biên giới biển với Ấn Độ và Myanmar ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bởi 3 nước không thể giải quyết thông qua đàm phán.
Ngày 7/7/2014, PCA ra phán quyết trao cho Bangladesh gần 80% vùng biển tranh chấp rộng hơn 25.000 km2 ở phía tây vịnh Bengal. Ấn Độ đã khiến cả thế giới khâm phục khi tuyên bố tuân thủ phán quyết. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay: “Việc phân định biên giới biển sẽ tăng cường sự hiểu biết và thiện chí giữa Ấn Độ và Bangladesh khi khép lại một vấn đề đã tồn tại rất lâu đời. Nó mở đường cho phát triển kinh tế ở vịnh Bengal, mang lại lợi ích cho cả hai nước”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.