Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTừ phán quyết Tòa Trọng tài tới vấn đề môi trường

Từ phán quyết Tòa Trọng tài tới vấn đề môi trường

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhà nghiên cứu Mỹ James Borton (công tác tại Đại học Nam Carolina và Viện Mỹ-Á) nêu nhiều ý kiến riêng của ông cũng như của giới học giả quốc tế xung quanh phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc liên tục nói rằng, họ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Bị đặt ra ngoài vòng pháp luật quốc tế, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đáng kể cho danh tiếng của mình, ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định. Trung Quốc tự nhận mình một siêu cường mới nổi, có trách nhiệm, xứng đáng có quyền lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, việc không tuân thủ luật pháp quốc tế làm xói mòn tuyên bố đó của Trung Quốc.

Ngoài ra, các nước trên thế giới ngày càng quan tâm tình trạng bấp bênh về môi trường ở biển Đông. Cụ thể là môi trường ven biển bị suy thoái, rạn san hô bị phá hủy, đa dạng sinh học bị mất, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, biến đổi khí hậu… GS John McManus ở ĐH Miami (Mỹ), chuyên gia về rạn san hô nổi tiếng thế giới, rất tâm đắc với ý tưởng thành lập một công viên hòa bình quốc tế ở khu vực tranh chấp trên biển Đông. Theo ông, nếu các nước không dừng việc củng cố yêu sách chủ quyền lãnh thổ trên biển, không cùng quản lý tài nguyên, thì ngành ngư nghiệp sẽ suy sụp, đổ vỡ. Việc suy giảm chủng loài cá, số lượng cá là một trong những thách thức về nguồn lợi thủy sản và an ninh lương thực trong khu vực.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc khẳng định, biển Đông chiếm tới 1/10 tổng sản lượng cá đánh bắt trên thế giới; năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 40% tiêu thụ cá toàn cầu. Việc đánh bắt quá mức và việc ngày càng nhiều rạn san hô bị tàn phá đòi hỏi sự can thiệp chính sách dựa trên khoa học. “Chúng ta đang tiến tới sự đổ vỡ lớn trong ngành nông nghiệp và thảm họa môi trường này sẽ ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người. Đã đến lúc hành động ngay bây giờ”, GS McManus cảnh báo.

Không thể bỏ qua sự đa dạng sinh học tuyệt vời ở quần đảo Trường Sa. Khu vực này đang chịu tác động của việc liên tiếp phát triển ven biển, đẩy mạnh cải tạo đất, gia tăng lưu thông trên biển… Vì vậy, các nhà khoa học biển và chiến lược gia chính sách cần nghiên cứu sự bền vững, khả năng chịu đựng của cảnh quan biển và điều hướng sự phát triển của ngoại giao khoa học. Nhiều nhà khoa học biển đến từ châu Á-Thái Bình Dương nhất trí về sự cấp thiết thành lập một công viên hòa bình trên biển, hoặc ít nhất là thúc đẩy một phong trào bảo tồn quy mô lớn trong tất cả hiệp hội ngư nghiệp trong khu vực.

Các hội nghị ASEAN đem lại cơ hội rõ ràng và lộ trình ngoại giao cho một phản ứng thống nhất đối với phán quyết của Tòa Trọng tài, bao gồm thúc đẩy thương lượng, ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Các thành viên ASEAN, tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cũng cần nêu vấn đề an ninh lương thực trong khu vực. Trong những năm tới, trước và sau năm 2020, dân số và kinh tế tăng sẽ va chạm mạnh với khai thác quá mức, ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, số lượng rạn san hô và loài cá ở các vùng biển tranh chấp trên biển Đông đã giảm từ 460 xuống 261 và danh sách loài trong tình trạng nguy cấp hiện bao gồm cả rùa xanh, sò khổng lồ và đồi mồi.

Trước thực trạng số vụ va chạm giữa tàu cá ở khu vực tranh chấp ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo ASEAN có lẽ nên tìm cách giảm số lượng vụ việc như vậy, thay vì dùng đến cách gửi thêm tàu ra hiện trường. Hy vọng rằng, tại các cuộc họp sắp tới ở Lào, họ sẽ xem xét một số biện pháp xây dựng lòng tin, như: mở rộng hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học biển của ASEAN; độc lập điều tra khoa học ở khu vực tranh chấp, các đảo nhân tạo; làm mới hoạt động của Viện ASEAN về Hòa bình và Hòa giải (APIR), thành lập Hội đồng Khoa học biển khu vực để xử lý các vấn đề suy thoái môi trường, thúc đẩy đối thoại thành lập công viên hòa bình trên biển, đề xuất một ủy ban khoa học để xem xét Hiệp ước Nam Cực như là một mô hình cho biển Đông…

RELATED ARTICLES

Tin mới