Bộ trưởng Quốc phòng Nhật yêu cầu bắn hạ bất cứ vật gì hướng tới lãnh thổ nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada
Theo hãng tin Kyodo, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada, ngày 8/8 đã chỉ thị cho Các Lực lượng phòng vệ (SDF) sẵn sàng bắn hạ bất kỳ vật thể nào hướng vào lãnh thổ nước này, nhằm đề phòng khả năng Triều Tiên phóng tên lửa.
Chỉ thị trên của Bộ trưởng Inada dường như nhằm đảm bảo rằng SDF sẵn sàng ngăn chặn các vật thể bất kỳ lúc nào do việc sử dụng các bệ phóng di động có thể khiến việc phát hiện Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa gặp khó khăn.
Trong khi đó, theo đài NHK của Nhật Bản, SDF sẽ được đặt trong tình trạng báo động ít nhất 3 tháng và cứ sau 3 tháng, chỉ thị trên của Bộ trưởng Quốc phòng Inada cũng sẽ được xem xét lại. Chỉ thị này không nêu rõ Bình Nhưỡng có đang chuẩn bị phóng tên lửa hay không.
Đến nay, Nhật Bản đã ban hành các chỉ thị tạm thời khi có dấu hiệu Triều Tiên sắp phóng tên lửa, song các chỉ thị đó đã được hủy bỏ sau vụ phóng. Tuy nhiên, do một số vụ phóng khó bị phát hiện, Nhật Bản đã quyết định đặt quân đội ở tình trạng trực chiến trong thời gian dài hơn.
Bà Tomomi Inada được Thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản vào ngày 3/8 vừa qua, cùng ngày Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo, bay xa khoảng 250 km và lần đầu tiên rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Ngay sau khi vụ việc trên xảy ra, các quan chức nước này bày tỏ lo ngại rằng Bình Nhưỡng đang che giấu tốt hơn việc chuẩn bị tiến hành các vụ phóng tên lửa.
Quân đội Mỹ cho rằng thực tế Triều Tiên đã phóng đồng thời 2 tên lửa tầm trung Rodong, song 1 tên lửa dường như đã phát nổ ngay khi vừa rời bệ phóng.
Các vụ phóng trên được thực hiện sau khi Bình Nhưỡng đe dọa “dùng vũ lực” để đối phó với quyết định triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc và vài tuần trước trước khi Hàn-Mỹ bắt đầu tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn.
Trong năm 2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng một loạt tên lửa nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 vừa qua.
Sự cứng rắn của “bông hồng gai” Inada đối với Triều Tiên có lẽ còn có tác dụng đánh động tới Trung Quốc bởi ngay sau khi nhậm chức, bà đã có những cảnh báo cứng rắn đầu tiên đến Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Còn nhớ, khi thị sát quân đội hôm 4/8, bà Inada đã phát biểu nhắm tới những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông: “Trung Quốc đang ngày càng hoạt động mạnh tại các vùng biển và vùng trời xung quanh Nhật Bản và đang tiếp tục cố gắng làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Trước đó, Nhật Bản đã công bố sách trắng quốc phòng, cảnh báo các hành động hung hăng của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp có thể gây ra những xung đột ngoài ý muốn.
Bà Inada được đánh giá là có quan điểm “diều hâu” trong giới chính trị gia Nhật Bản. Bà thường xuyên tới thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni, vốn bị Trung Quốc và Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và quân phiệt Nhật Bản hồi thế kỷ trước.
Nữ bộ trưởng 57 tuổi của Nhật Bản cũng mong muốn thay đổi hiến pháp hiện tại của Nhật Bản, trong đó phủ nhận quyền của Tokyo trong việc phát động chiến tranh. Năm 2011, bà từng viết rằng Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của bom nguyên tử, nên cân nhắc việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc tỏ ra khó chịu đối với nữ Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật Bản. Hôm 3/8, kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) nói rằng việc bổ nhiệm bà Tomomi Inada cho thấy “chính sách an ninh của Nhật Bản đang thiên lệch về phe cánh hữu như thế nào”, đồng thời kêu gọi cảnh giác cao độ trước xu thế này.