Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBàn đạp của Nga ở Thái Bình Dương

Bàn đạp của Nga ở Thái Bình Dương

Nga sẽ xây căn cứ mới cho Hạm đội Thái Bình Dương ở quần đảo Kuril nhằm đối phó chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

Hãng tin RIA-Novosti dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết quyết định lập căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương trên đảo Matua, thuộc quần đảo Kuril, đã được đưa ra và việc xây dựng sẽ sớm bắt đầu trong năm nay. Truyền thông Nga còn loan tin Bộ Quốc phòng cùng Hiệp hội Địa lý của nước này đã cử một đoàn thám hiểm đến đảo Matua hai tháng trước.

Vị trí chiến lược

Đảo Matua nằm ở trung tâm quần đảo Kuril, được chọn vì có vị trí thuận lợi, phù hợp với căn cứ mới cho Hạm đội Thái Bình Dương. Theo giới phân tích, căn cứ mới giúp cải thiện năng lực chiến lược của Nga ở khu vực Thái Bình Dương. “Đối với Nga, Matua là cửa ngõ dẫn đến biển Okhotsk. Vị trí của đảo này cho phép kiểm soát toàn bộ Kuril”, Hãng Sputnik dẫn lời chuyên gia Konstantin Sivkov, Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị Nga, cho hay. Theo chuyên gia này, Matua có đủ yếu tố thiên thời địa lợi để xây một căn cứ đồn trú cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Bàn đạp của Nga ở Thái Bình Dương - ảnh 1

Vị trí đảo Matua trong quần đảo Kuril Wikipedia

Ông nói thêm: “Matua đủ lớn để xây sân bay với công suất hoạt động tốt. Nó cũng phù hợp để xây căn cứ đồn trú hải quân. Tất cả việc này có thể hoàn tất trong vòng 3 năm”. Thế nhưng, việc xây dựng một căn cứ hải quân quy mô lớn có đầy đủ cơ sở sửa chữa, nhà ở cho quân nhân và kho cất trữ đạn dược, thiết bị có thể mất tới 20 năm, chuyên gia Sivkov chia sẻ thêm.

Bàn đạp của Nga ở Thái Bình Dương - ảnh 2

Đảo Matua nhìn từ trên cao NASA

Tờ Svobodnaya Pressa dẫn lời nhà phân tích quân sự Mikhail Alexandrov, thuộc Viện Quan hệ quốc tế Moscow, cho hay một sân bay cũng sẽ được xây dựng tại căn cứ mới. Về mặt lý thuyết, cơ sở này có thể được dùng để triển khai các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 mang theo tên lửa hành trình tầm xa Kh-101. Vì vậy, các oanh tạc cơ tầm xa của Nga sẽ thừa sức hoàn thành mọi nhiệm vụ của lực lượng không quân chiến lược.

Ông Alexandrov nói thêm việc bố trí quân lực đến Kuril sẽ nâng cao năng lực răn đe chiến lược của Nga trước Mỹ và NATO, trong bối cảnh Washington nỗ lực xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Căn cứ mới còn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân của Nga. Còn các máy bay được đưa tới căn cứ ở Matua sẽ dễ dàng theo dõi những tàu ngầm Mỹ trong khu vực.

Gây sức ép với Mỹ

Căn cứ ở Matua sẽ giúp thay đổi đáng kể cán cân quân sự và chính trị ở khu vực Thái Bình Dương, Giám đốc Ivan Konovalov của Trung tâm môi trường chiến lược Nga thừa nhận. “Căn cứ mới sẽ là mối bận tâm đối với Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng thông báo chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, Washington sẽ không vui với căn cứ mới của Nga trong khu vực”, ông Konovalov nói. Cũng theo chuyên gia Nga, Mỹ sẽ phản ứng bằng cách tăng cường lực lượng trong khu vực cũng như thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Tình hình chính trị và quân sự sẽ thay đổi. Một liên minh quân sự mới có thể sẽ được lập ra. Căn cứ ở Matua sẽ là một tiền đồn ở phía đông của Nga. Nga sẽ có thêm một lá bài khác trong bất cứ vụ tranh chấp chính trị tiềm tàng trong khu vực. Việc phô diễn sức mạnh quân sự tốt hơn dùng quân sự. Đó là lý do tại sao căn cứ mới sẽ giúp Nga giải quyết được mọi căng thẳng và khủng hoảng trong khu vực Thái Bình Dương”, ông Konovalov nhấn mạnh.

Bàn đạp của Nga ở Thái Bình Dương - ảnh 3

Căn cứ ở Matua được cho là sự đáp trả của Nga với chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama Reuters

Cũng theo các chuyên gia Konovalov và Alexandrov, căn cứ mới sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Moscow và Tokyo do Matua không nằm trong 4 đảo liên quan tới tranh chấp giữa hai bên. Thời Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã sử dụng một phần quần đảo Kuril (Tokyo gọi là Lãnh thổ phía bắc) làm vị trí phòng thủ quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, đến cuối thế chiến, Nga đã đánh chiếm lại nguyên quần đảo Kuril.

“Nga đã có các căn cứ trên đảo Kunashir và Sakhalin. Dĩ nhiên, Nhật Bản sẽ không thích căn cứ mới của Nga trong khu vực. Trước đó, một số chính trị gia Nhật Bản muốn gây áp lực để Nga trả lại các vùng lãnh thổ nhưng tình hình hiện đang thay đổi”, ông Alexandrov nói.

Bàn đạp của Nga ở Thái Bình Dương - ảnh 4

Đảo Kunashir, một trong các đảo có có tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản Reuters

Chuyên gia Vasily Kashin tại Trường Kinh tế ở thủ đô Moscow thì cho rằng việc căn cứ mới của Nga không được đặt tại một trong những hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản có thể là tín hiệu cho thấy sự thỏa hiệp giữa Tokyo và Moscow.

“Quyết định xây căn cứ trên đảo Matua gây ngạc nhiên. Thời Liên Xô, hòn đảo này không được quân đội sử dụng nhiều. Chỉ một lữ đoàn nhỏ của lực lượng biên phòng được đưa đến đây. Tôi nghĩ hẳn có một sự thỏa hiệp giữa hai bên về quần đảo Kuril. Không thể loại trừ khả năng một số lực lượng sẽ được tái triển khai từ các đảo phía nam đến Matua. Thỏa hiệp ở đây có thể là duy trì tình trạng phi quân sự tại Lãnh thổ phía bắc”, ông Kashin nhận định.

Nga triển khai tên lửa đến Kuril

Hải quân Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động 3K55 Bastion-P đến quần đảo Kuril vào cuối tháng 8 này. “Hệ thống giúp tăng đáng kể khả năng tác chiến của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Nga”, theo Hãng Tass dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 8.8. Được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh Onyx 3M55, hệ thống 3K55 Bastion-P có khả năng tiêu diệt được các tàu chiến của đối phương ở khoảng cách 300 km.

Trong khi đó, ông Leonid Ivashov, người đứng đầu Viện Các vấn đề địa chính trị Nga, tiết lộ Moscow có kế hoạch bố trí thêm các hệ thống tên lửa đến vùng Viễn Đông, trong đó có quần đảo Kuril, là nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc. “Phản ứng tiềm tàng của Nga đối với hệ thống THAAD tại Hàn Quốc có thể bao gồm việc triển khai lực lượng tấn công mới đến vùng Viễn Đông của Nga. Chẳng hạn, các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ được trang bị tên lửa Kalibr”, theo Hãng RIA-Novosti dẫn lời ông Ivashov.

Chuyên gia này nói thêm những tổ hợp tên lửa mặt đất có thể được triển khai bổ sung ở Quân khu miền đông, bao gồm cả quần đảo Kuril.

Trước đó, Hãng Reuters dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay hệ thống THAAD sẽ được đặt tại tỉnh Seongju ở miền đông nam nước này, nhằm tối đa hóa năng lực đánh chặn tên lửa. Dự kiến, việc triển khai và lắp đặt THAAD sẽ được hoàn tất và đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

RELATED ARTICLES

Tin mới