Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAi hỗn, Quan hay Dân?

Ai hỗn, Quan hay Dân?

Người dân cảm nhận được lãnh đạo đang tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm nhưng dân còn mong chờ hơn bao giờ Đảng sửa chữa xong những khuyết điểm đó?

 

Tranh minh họa.

Chẳng biết từ bao giờ trong tiếng Việt xuất hiện thành ngữ “hỗn quân – hỗn quan”, cụm từ này có gì đó na ná như “quân hồi vô phèng”.

Có người bảo từ “quân” trong “hỗn quân – hỗn quan” hiểu là “lính” cũng được, hiểu là “Quân vương” cũng không sai.

Kiến giải như thế có nghĩa là mở rộng đối tượng “hỗn” từ hai thành ba.

Ba “bộ phận hỗn” từ thấp lên cao là lính – quan – quân.

Sở dĩ cho rằng “quân” là một “bộ phận” trong ba bộ phận cấu thành “hỗn” vì dù là “lính” hay là “quân vương” thì đều không phải chỉ một người, “lính” thì vô số mà “vương” cũng không ít.

Trong mỗi quốc gia thời thịnh trị chỉ có “Đế” (Hoàng đế) mới là duy nhất, trừ thời “hỗn”.

Xem ra các cụ nhà ta thời nào cũng thế, ngày xưa chỉ nói đến “vương” là “chấm văn hết”, ngày nay có người dùng hình tượng, rằng dù gãi mạnh đến mấy thì cũng chỉ nên “gãi đến vai”, hoặc gãi “từ vai trở xuống”, các chỗ khác phải tránh vì đó là chỗ “nhạy văn cảm”?

Có lẽ vì thế nên người Việt mới khuyên con cháu, rằng “vuốt mặt – nể mũi”.

Cái gọi là “thời hỗn” ngày xưa đã từng được ghi vào sử sánh như thời “loạn 12 sứ quân”, ngày nay chưa đến mức đó.

Tuy vậy Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu: “cần tìm giải pháp xóa tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải “khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn”. 

Minh chứng cho cái sự “hỗn” ấy có thể tìm thấy từ Bắc vào Nam, từ rừng xuống biển, chẳng hạn cái bảo tàng lộn ngược “vắng như chùa bà đanh” ở Hà Nội hay ngôi nhà “quả bắp” vừa xây xong đã bị chê là nóng kèm theo thiếu “gió tươi”, lại còn mấy cái Văn miếu ở Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh xây xong không biết thờ ai?

Mấy cái nhà bị cho là “hỗn” ấy, cái nào cũng tiền tỷ cả, dẫu sao đó chỉ là ngôi nhà, là vật vô tri, vô học.

Phát biểu của hai vị đứng đầu Chính phủ không chỉ phác thảo một cách chính xác bức tranh toàn cảnh kinh tế, xã hội mà còn nói đến con người, đến đội ngũ cán bộ, công chức, những người trong hồ sơ thế nào cũng có vài cái văn bằng chuyên môn, lý luận.

Vì sao Thủ tướng phải đề cập đến chuyện “nói không ai nghe”?

Trẻ con mà người lớn khuyên nhủ không nghe gọi là “trẻ hỗn” hay “trẻ hư”, theo đó quan chức mà cấp trên nói nhưng “không ai nghe” thì chắc đành phải gọi là “quan hỗn”.

Nhưng vì sao quan dám “hỗn”?

Một đất nước nếu thượng tôn pháp luật thì quan cũng như dân, phạm luật thì phải xử theo luật chứ không thể chỉ xử theo “lệ”, không thể để tình trạng “sợi dây kinh nghiệm cứ rút hết năm này qua tháng nọ”, rút mãi không hết!

Ngay tại thời điểm Tổng Bí thư, Thủ tướng yêu cầu làm trong sạch Đảng, Chính phủ thì mấy cán bộ phạm luật tại Bình Chánh vụ “lều vịt”, vụ quán “Xin chào” chỉ bị cách chức.

Phạm tội “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” là quá rõ ràng, đến mức Thủ tướng phải lên tiếng sao không đưa ra tòa xét xử, sao chỉ bị xử lý hành chính là cách chức?

Những kẻ sản xuất văn bằng “dởm” bị bắt, bị xử tù không ít, một thống kê cho thấy có nhiều cán bộ dùng bằng “dởm” để tiến thân, bao nhiêu người bị xử tù hay chỉ là “rút kinh nghiệm”?

Quan dưới “hỗn” còn một lý do khác mà cổ nhân đã tổng kết “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Ngồi vào ghế quan đầu tỉnh như ông Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang, ông Hồ Xuân Mãn ở Thừa Thiên-Huế, ông Lữ Ngọc Cư ở Đaklak, ông Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang… thì ai nể, ai sợ?

Bốn cá nhân nêu trên chỉ mang tính tượng trưng Bắc – Trung – Nam – Tây Nguyên, còn nếu theo ngành dọc thì có thể nêu thêm “tấm gương lao động đến thối cả móng tay” của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, nguyên lãnh đạo mấy bộ mà báo chí đang nêu đích danh.

Ngoài ra chỉ cần chú ý đến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua công văn yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm điểm hàng loạt bộ, ban, ngành vừa qua là rõ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Trung ương tổng kết: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”.

Thế nhưng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể, từ đầu năm 2007 đến hết tháng 6/2016, chỉ xảy ra 1 trường hợp bị kết luận kê khai không trung thực, đó là chuyên viên Đội quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh vào năm 2014. 

Đại hội Đảng XII diễn ra vào tháng 1/2016, nếu tính thêm thời gian từ đại hội các đơn vị cơ sở xã, huyện, thành phố thì đến tháng 6/2016 là khoảng một năm.

Suốt một năm, qua rất nhiều đại hội, với đội ngũ được bầu mới, thành phố Hồ Chí Minh không phát hiện thêm người thứ hai không trung thực, 100% cán bộ, đảng viên hoàn toàn “trong sạch” về tài sản.

Chẳng lẽ nhận định của Trung ương, của Tổng Bí thư chỉ đúng ở đâu đó chứ không đúng tại thành phố này?

Liệu trong thực tế thời gian qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, hoàn toàn không có chuyện “cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng” thể hiện qua việc kê khai tài sản?

Ở Thanh Hóa, liên Bộ Nội vụ – Nông nghiệp quy định Sở Nông nghiệp có không quá 3 Phó Giám đốc, tỉnh quyết định cử 8 người và khẳng định là “đúng quy trình”.

Có thể quy định 3 Phó Giám đốc sở Nông nghiệp Thanh Hóa là chưa hợp lý vì đây là tỉnh đất rộng, người đông, nhưng mà phớt lờ quy định của Chính phủ để cử tới 8 Phó Giám đốc có phải là địa phương xem thường pháp luật, có phải là “trên bảo dưới không nghe”?

Trung ương bảo như thế, địa phương bảo ngược lại, liệu nên nói theo dân gian là “hỗn quân – hỗn quan”  hay chúng ta mới chỉ trong giai đoạn “nói không ai nghe”?

Những cá nhân góp phần tạo nên bản báo cáo “trong mơ” ở thành phố Hồ Chí Minh hay bổ nhiệm 8 Phó Giám đốc ở Thanh Hóa gọi họ là “quan hỗn” có thể chưa chuẩn về ngôn từ nhưng bảo họ là “quan ngoan” thì có bao nhiêu người đồng tình nhỉ?.

Cùng với bộ phận “không nghe”, bộ phận “nghe xong không làm đến nơi đến chốn” xem ra còn “hùng hậu” hơn nhiều.

Mới đây, sau khi có yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm vụ Formosa Hà Tĩnh đầu độc biển và chôn chất thải độc hại, chỉ có một cán bộ Hà Tĩnh nhận khuyết điểm và xin hình thức “khiển trách” còn lại đều xin “rút kinh nghiệm”!

Thế có phải là cán bộ Hà Tĩnh đã “làm đến nơi đến chốn” khi có chỉ thị của lãnh đạo tỉnh?

Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:  

“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.

Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó.

Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Mười năm chống tham nhũng, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một người kê khai tài sản không trung thực, đó là do thành phố này thực sự “trong sạch” hay đang “giấu giếm khuyết điểm của mình”?

Phải chăng sau Đại hội XII, thành phố Hồ Chí Minh đã “làm đến nơi đến chốn” chuyện chống tham nhũng?

Nghe cấp trên chỉ thị người ta còn “không làm đến nơi đến chốn” thế nên khi truyền thông phản ánh người ta im lặng bỏ qua cũng chẳng có gì lạ.

Nếu người nghe “không làm đến nơi đến chốn” là không thể chấp nhận thì người nói xong bỏ đấy không giám sát “đến nơi đến chốn” cũng có lỗi không kém.

Thủ tướng đã nêu gương, đã xin lỗi dân vì chưa giám sát đến nơi đến chốn cấp dưới khi xe công đi vào đường cấm ở Hội An.

Thế còn những người nâng đỡ, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh có bao nhiêu người nhận lỗi ngay cả khi Tổng Bí thư đã có ý kiến?

Việt Nam có dân số đứng thứ 13 thế giới, quy mô nền kinh tế  đứng 38 nhưng thu nhập bình quân đầu người đứng 133, gần đội sổ.

Đó là lỗi do người Việt lười biếng, năng suất lao động kém hay còn bởi lý do nào khác?

Nếu tình trạng công nhân móc cống làm việc trong môi trường cực kỳ độc hại lương tháng chỉ 6-7 triệu còn lãnh đạo mỗi tháng lĩnh trăm triệu thì con đường đi đến vị trí “đội sổ” chắc không quá xa vời.

Tạo nên một đội ngũ cán bộ, công chức “nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn” không thể gọi là khuyết điểm mà phải nói là có tội với dân, với nước.

Như Cụ Hồ đã dạy “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” không chỉ biết “thừa nhận khuyết điểm” mà quan trọng hơn là phải biết “tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”.

Người dân cảm nhận được lãnh đạo cao cấp của Đảng đang “tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó” nhưng mong muốn của người dân không chỉ có thế mà còn là đến bao giờ mới “sửa chữa xong khuyết điểm đó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới